Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong xây dựng pháp luật và sắp xếp, tổ chức bộ máy

20/11/2024
Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong xây dựng pháp luật và sắp xếp, tổ chức bộ máy
Ngày 20/11, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Thông báo số 108-TB/VPTW về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp và Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Mai Lương Khôi, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp quán triệt Thông báo số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024 về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp.
Thứ trưởng cho biết, những kết quả công tác của Bộ, ngành Tư pháp trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao; qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển đất nước và tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đóng góp trong việc ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là những tiền đề quan trọng, vững chắc để Bộ Tư pháp nói riêng và đất nước nói chung bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
 

Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp quán triệt Thông báo số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024 về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp.

Bên cạnh các kết quả tích cực, đồng chỉ Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ ra công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó, đồng chí Tổng Bí thư đã nhìn nhận rất sâu về vai trò, tầm quan trọng của thể chế đối với việc nắm bắt cơ hội phát triển, khơi thông và huy động nguồn lực để phát triển đất nước. Đặc biệt, đồng chí đã chỉ rõ, để đáp ứng yêu cầu đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, nhất định công tác xây dựng pháp luật phải được nâng lên ở tầm cao mới.
Để đạt được mục tiêu này, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra 5 nhóm nhiệm vụ cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt trong thời gian tới.
Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, trong đó phải bắt đầu từ đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Bên cạnh đó, việc xây dựng Chương trình xây dựng pháp luật hằng năm cần bám sát cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam và thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng và tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới; từ đó, hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới; xây dựng cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật “tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia”; đồng thời đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật.
Thứ hai, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng, thi hành pháp luật. Phải coi việc lãnh đạo thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và lãnh đạo công tác thi hành pháp luật để bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp uỷ, tổ chức đảng, của mỗi đảng viên, trước hết là cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên trong Bộ, ngành Tư pháp.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Trong đó phải đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tập trung xây dựng văn hoá tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp. Thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và xây dựng cơ chế hữu hiệu để chủ động phát hiện, tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Hoàn thiện quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật. Đề cao hơn nữa trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư; bảo đảm công chứng, hoà giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp phải thiết thực, hiệu quả, vì lợi ích cao nhất của đất nước, của người dân. Phát huy vai trò của trợ giúp pháp lý trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Hiện đại hoá môi trường và điều kiện làm việc để đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu xây dựng pháp luật yên tâm công tác, tận tuỵ cống hiến cho sự nghiệp chung; có cơ chế phù hợp thu hút nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng pháp luật …
Thứ năm, xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế. Cụ thể, phải nâng cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong tham gia xây dựng thể chế và pháp luật quốc tế, nâng cao trách nhiệm phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, xử lý hiệu quả các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, kịp thời bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước Việt Nam.
 

Đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý trình bày dự thảo Kế hoạch triển khai Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 108-TB/VPTW.

Trên cơ sở Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo số 108-TB/VPTW, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện. Kế hoạch nhằm quán triệt sâu sắc nhận thức và đổi mới mạnh mẽ cách nghĩ, cách làm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; đảng viên, công chức, người lao động để triển khai, thực hiện đúng đắn, đầy đủ nội dung Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, gắn với việc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đồng thời xác định các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm triển khai nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả cao Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp; phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật; đưa công tác tư pháp, pháp luật lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
 
Anh Thư - Trung tâm Thông tin