Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ trương, chính sách, hoạt động của Bộ Tư pháp trên không gian mạng

30/06/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ trương, chính sách, hoạt động của Bộ Tư pháp trên không gian mạng
Trong những năm gần đây, lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, sự bùng nổ truyền thông, những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cuộc Cách mạng 4.0), các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, sử dụng nhiều phương tiện truyền thông hiện đại để bôi nhọ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức truyền tải thông tin xấu, độc. Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là đòi hỏi khách quan, là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa thường xuyên, cơ bản, lâu dài. Nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng càng cần phải được quan tâm, chú trọng thực hiện hơn nữa.
I. Nhân diện các nguy cơ, thách thức trên không gian mạng
Theo số liệu năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam là 78,4%, tăng 4,9% so với năm 2022; số thuê bao sử dụng smartphone là 100,1 triệu, tăng 5,7% so với năm 2022, tỷ lệ người sử dụng smartphone/người dùng di động đạt hơn 84,4% cao hơn mức trung bình của thế giới. Báo cáo Digital 2024 Global Overview của tổ chức WeAreSocial cho thấy, có 73,3% dân số Việt Nam đang dùng mạng xã hội (MXH), với thời gian sử dụng trung bình là 2 giờ 25 phút mỗi ngày, trong nhóm 20 quốc gia sử dụng nhiều nhất thế giới; thời gian trung bình người Việt sử dụng Internet trên smartphone là 3 giờ 30 phút mỗi ngày, trên máy tính là 2 giờ 47 phút mỗi ngày và trên TV là 2 giờ 21 phút mỗi ngày. Các phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất theo thứ tự tại Việt Nam là Facebook, Zalo, Facebook Messenger, Tiktok, Instagram, Twitter, Telegram, Pinterest,... riêng mạng xã hội Facebook, có tới 70,4 triệu người sử dụng.
Từ số liệu trên cho thấy không gian mạng (KGM) đang là trung tâm truyền bá thông tin vì đây là kênh cung cấp, trao đổi thông tin nhanh chóng và kịp thời. Việc trao đổi và hội nhập các luồng tư tưởng và các giá trị văn hóa đa dạng vừa làm phong phú thêm đời sống tư tưởng, văn hóa, mở rộng tầm nhìn, vừa thúc đẩy việc tu dưỡng nhân cách và nâng cao trí tuệ con người. Với thế mạnh và khả năng tương tác cao, độ bao phủ rộng, tiện dụng, các nền tảng mạng xã hội đã thu hút đông đảo người sử dụng, qua đó, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống, đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng mạng xã hội, tình hình vi phạm pháp luật trên không gian mạng cũng có xu hướng tăng nhanh, diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn tinh vi, dưới nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng mạng xã hội để đăng tải các thông tin xấu, độc, bịa đặt, sai sự thật nhằm phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi nhọ nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, phủ nhận những thành tựu của sự nghiệp đổi mới; xuyên tạc lịch sử dân tộc; xuyên tạc đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, đường lối bảo vệ Tổ quốc và đường lối đối ngoại của Đảng. Truyền bá các sản phẩm văn hóa độc hại trên Internet phát tán thông qua mạng xã hội để làm thay đổi giá trị xã hội, đạo đức, lối sống, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đối với Bộ Tư pháp, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Ban Chỉ đạo 35 của Bộ Tư pháp cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái thù địch trên mạng xã hội nói riêng, công tác thông tin điện tử nói chung đã được Cục Công nghệ thông tin triển khai, thực hiện tốt và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, Cục Công nghệ thông tin thường xuyên phối hợp với Văn phòng Bộ, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam và các cơ quan liên quan chỉ đạo, định hướng tăng cường thông tin, truyền thông, phản bác lại các thông tin xấu, độc; đồng thời tuyên truyền, biểu dương, cổ vũ, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu nổi bật của Bộ Tư pháp góp phần tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và trong lĩnh vực Tư pháp nói riêng, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ cũng như hoạt động tác nghiệp, phối hợp của các cá nhân, đơn vị trong ngành Tư pháp.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái thù địch trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi nhiều nguyên nhân:
Một là, các thế lực thù địch đang lợi dụng triệt để môi trường không gian mạng nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Việt Nam có số lượng người tham gia internet, mạng xã hội đông đảo, đặc biệt là có nhiều đối tượng sử dụng là người trẻ, dễ bị tác động đến nhận thức và hành vi. Tận dụng những lợi thế này, các thế lực thù địch, phản động đã tăng cường các thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch - trong đó có trận địa không gian mạng - nhằm phòng, chống hiệu quả với chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng để tăng cường bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Hai là, yêu cầu bức thiết phải chiếm lĩnh, xác lập lại vị thế quốc gia trên không gian mạng. Thống kê chỉ số tương tác giữa các kênh truyền thông đấu tranh của ta và của các thế lực thù địch trên internet, mạng xã hội cho thấy, một thời gian dài các kênh truyền thông phản động đã áp đảo về số lượng thông tin, khả năng phát tán trên internet, mạng xã hội và tiếp cận người dân do các thế lực thù địch, phản động, cơ hội đã có sự chuẩn bị lực lượng, có sự hậu thuẫn về tài chính và công nghệ để chủ động chống phá, tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta trên môi trường mạng. Trong khi đó, có lúc, có nơi, lực lượng truyền thông của chúng ta còn thiếu, yếu,...
Ba là, nhận thức và hành động về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trong tình hình mới còn hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa huy động, khai thác được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng. Vẫn còn những cán bộ, đảng viên thờ ơ, đứng ngoài cuộc, có biểu hiện “né tránh” mạng xã hội; chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm, chính kiến khi tham gia mạng xã hội; thiếu ý thức, hành động phản bác những luận điệu xuyên tạc, đi ngược đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thông tin gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

II. Những điều kiện cần thiết để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng hiện nay
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng một cách hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ, đa dạng các giải pháp khác nhau. Cụ thể:
Thứ nhất, phải giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động thông tin tích cực, tuyệt đối không để “khoảng trống thông tin” trên internet, mạng xã hội để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá. Trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau: (i) Lấy “xây” để “chống”, lấy thông tin chính thống đẩy lùi thông tin xấu, độc; phát hiện, cổ vũ cái tốt; đấu tranh mạnh mẽ để lên án, loại bỏ cái xấu, điều lệch lạc; (ii) Định hướng, quản lý và phát triển các cơ quan báo chí, truyền thông; phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của các kênh thông tin truyền thông chính thống; tăng cường giáo dục nâng cao tính đảng, tính nhân văn, nhận thức và bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ người làm công tác báo chí, truyền thông, văn hóa, văn nghệ; (iii) Đẩy mạnh thiết lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trang mạng xã hội chính thống. Phát huy những tiện ích của internet, mạng xã hội để internet, mạng xã hội trở thành “cánh tay nối dài” của các cơ quan làm công tác tư tưởng, báo chí, truyền thông; trở thành một kênh thông tin mang tính chính thống, chủ động cung cấp thông tin nhằm định hướng dư luận xã hội trước các sự kiện chính trị quan trọng, các sự kiện nóng, phức tạp.
Thứ hai, phải tăng cường các giải pháp phát triển và quản lý internet, mạng xã hội tại Việt Nam; triệt để khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; xây dựng các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng cường tính chủ động trong công tác này. Xây dựng công cụ quản lý, thu thập, phòng ngừa và cảnh báo, dự báo xu hướng dư luận trên mạng xã hội; xây dựng hệ thống lọc và phát hiện tin tức giả mạo, sai sự thật, đồng thời đo lường, đánh giá thời gian, mức độ lan truyền, phát tán thông tin; xây dựng các phương án phối hợp xử lý khủng hoảng truyền thông trên internet, mạng xã hội cho nhiều lĩnh vực, địa bàn.
Thứ ba, phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, tinh thần “thượng tôn pháp luật” và trách nhiệm xã hội của người dân khi sử dụng internet, mạng xã hội; nâng cao “sức đề kháng”, khả năng “miễn nhiễm” trước các thông tin xấu, độc; xây dựng “thế trận toàn dân” trong tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

III. Một số kết quả trong công tác thông tin điện tử và hoạt động bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng của Bộ Tư pháp
1. Về công tác thông tin điện tử:
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang duy trì Cổng Thông tin điện tử  với vai trò là điểm truy cập của Bộ Tư pháp trên môi trường mạng, liên kết, tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và các ứng dụng mà qua đó người dân và doanh nghiệp có thể khai thác, sử dụng và cá nhân hóa việc sử dụng thông tin đúng theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp hiện có 02 cổng thông tin điện tử thành phần và 20 trang tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trong Bộ. 
Trong năm 2023, có tổng số 2.863 tin, bài được đăng tải trong 08 mục thông tin của Cổng, gồm: Thông báo; Chỉ đạo điều hành; Lãnh đạo Bộ; Đơn vị thuộc Bộ; Tư pháp địa phương; Đảng – Đoàn thể; Nghiên cứu trao đổi; Thông tin khác và Văn bản, chính sách mới. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên Cổng Thông tin điên tử Bộ Tư pháp đã có tổng số 1.002 tin, bài được đăng, với số lượng truy cập nội dung đạt 5 triệu lượt, trung bình 33 nghìn lượt xem hàng ngày.
Bên cạnh đó, Kênh thông tin Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp trên mạng xã hội Facebook ngày càng hoạt động hiệu quả với hơn 6,5 nghìn người theo dõi; 4,5 nghìn lượt tương tác yêu thích và hiện đã được tổ chức Facebook xác thực là trang tin uy tín (dấu tích xanh).
Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp và Kênh thông tin Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp đang thực hiện hiệu quả công tác thông tin, truyền thông phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ; hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị thuộc Bộ; truyền thông chính sách pháp luật của Đảng – Nhà nước; các hoạt động của Quốc hội, Chính phủ liên quan tới công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, cũng như các hoạt động khác của Bộ, ngành Tư pháp.
2. Về công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng
Với nhận thức công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng là không chỉ là nhiệm vụ sống còn đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, mà còn là giải pháp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng, Bộ Tư pháp đã quan tâm chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và duy trì bảo đảm an toàn thông tin được tổ chức thực hiện theo mô hình 4 lớp như theo quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BTTTT và các văn bản liên quan. Ngoài ra, Cục Công nghệ thông tin đã tham mưu, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
(1) Duy trì, đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt Trung tâm Dữ liệu điện tử của Bộ; giám sát thường xuyên hệ thống, phát hiện và xử lý sớm các vấn đề về ATTT, đảm bảo các hệ thống CNTT được an toàn, bảo mật; kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các loại mã độc nguy hiểm trong mạng máy tính Bộ Tư pháp. 
(2) Phối hợp các đơn vị chuyên trách về ATTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống CNTT, thực hiện các giải pháp phòng chống tấn công vào hệ thống Trung tâm Dữ liệu điện tử và mạng CNTT của Bộ. 
(3) Triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam, Bộ Tư pháp thành lập và tổ chức hiệu quả hoạt động của Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.

IV. Phương hướng thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng ở Bộ Tư pháp
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Cục Công nghệ thông tin đã bám sát Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo 35 Bộ Tư pháp để triển khai các hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. 
Một là, thực hiện tốt việc quản lý, duy trì, vận hành Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp và Kênh thông tin Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp; và quan tâm phát triển hiệu quả các kênh thông tin trên các nền tảng mạng xã hội khác nhằm duy trì sự hiện diện của Bộ Tư pháp trên không gian mạng, tạo cơ hội, phương tiện truyền thông bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sức đề kháng, khả năng phát hiện thông tin xấu, độc, hình thành “thế trận toàn dân” trên không gian mạng, góp phần làm trong sạch môi trường mạng, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Hai là, chủ động thực hiện tuyên truyền, truyền thông chính sách; thường xuyên theo dõi tình hình thực tiễn, nắm bắt tư tưởng, dư luận trong xã hội để có định hướng kịp thời, đảm bảo người dân, tổ chức nắm được chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Nhờ đó, các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống; góp phần tăng cường sự đoàn kết, nhất trí về tư tưởng chính trị và tinh thần trong Nhân dân, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Ba là, bám sát các kế hoạch truyền thông của Bộ, ngành Tư pháp; chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí của Bộ như Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật,... trong thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền; qua đó thực hiện vai trò của mình trong việc bảo đảm “dòng chảy” chủ đạo của thông tin chính thống, tạo thế trận thông tin để phản bác, loại bỏ thông tin xuyên tạc, hướng lái dư luận của các thế lực thù địch; tham gia truyền thông rộng rãi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lan tỏa nhanh chóng, kịp thời những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của lực lượng thù địch nhằm cảnh báo cho người dân, củng cố hơn nữa niềm tin của Nhân dân đối với nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng.
Bốn là, chú trọng công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên của đơn vị. Những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” luôn được quán triệt định kỳ tới các đảng viên trong Chi bộ Cục thông qua nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau. Các đảng viên trong Chi bộ thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những nội dung cơ bản của Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết, tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt chuyên đề chuyên sâu về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên báo chí, truyền thông. 
Năm là, tập trung bồi dưỡng, nâng cao năng lực đấu tranh trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt lực lượng nòng cốt làm công tác thông tin, tuyên truyền; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo; chủ động xây dựng lực lượng đảng viên có bản lĩnh chính trị, tư duy lý luận, am hiểu về công nghệ và kỹ năng truyền thông. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên Cục cũng tự phấn đấu giữ vững bản lĩnh chính trị, say mê lao động, không ngừng nghiên cứu, học tập, cập nhật những vấn đề lý luận và thực tiễn để có nền tảng lý luận vững vàng, không bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm tốt vai trò sứ giả truyền cảm hứng cho chính đội ngũ của mình và lan tỏa đến người đọc trong công tác thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận xã hội.
Sáu là, chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống, phần mềm của Bộ, ngành Tư pháp; kịp thời phát hiện, ngăn chăn các thông tin xấu, độc, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, tự do ngôn luận để xuyên tạc, vu cáo tới hòm thư công vụ và các kênh thông tin của Bộ; phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài và phức tạp. Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện tốt hơn nữa các chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch./.
 
Trung tâm Thông tin