Đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm vai trò lãnh đạo của tập thể gắn với phát huy đẩy đủ vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa rất quan trọng trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng hiện nay.
1. Sự cần thiết phải đổi mới phương thức hoạt động của cấp ủy và người đứng đầu các cấp
Cấp ủy và người đứng đầu là hạt nhân, trụ cột, đầu tàu vận hành tổ chức đảng hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đúng mục đích; tổ chức và vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân làm biến đổi xã hội, đưa đất nước đi lên giàu mạnh, hạnh phúc, văn minh, tiến bộ, hội nhập với thế giới hiện đại. Vì thế, mọi hoạt động của cấp ủy và người đứng đầu đều tác động đến tổ chức đảng và cuộc sống của Nhân dân.
Cấp ủy là đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng, được Đại hội đảng cùng cấp lựa chọn, tin cậy, bầu vào bộ phận lãnh đạo hoạt động của tổ chức đảng trong nhiệm kỳ nhất định. Tập thể cấp ủy phải thực sự là bộ máy thống nhất, đoàn kết, cùng chung ý chí và hành động, luôn có trách nhiệm lớn với tổ chức đảng và Nhân dân. Vì vây, cấp ủy phải là những đảng viên, cán bộ tiên tiến về mọi mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; về trình độ nhận thức và năng lực hành động; nêu tấm gương thuyết phục để đảng viên và Nhân dân cùng đồng tình, ủng hộ, tin tưởng, làm theo. Cấp ủy là cơ quan lãnh đạo của tổ chức đảng đối với đảng viên và quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc phạm vi quản lý.
Trong điều kiện hiện nay, cấp ủy cần phải là bộ máy, cơ quan lãnh đạo thực sự tài năng, trong sáng, một lòng vì nước, vì dân; đủ phẩm chất và bản lĩnh vượt qua mọi cám dỗ lợi ích vật chất, tính ích kỷ, cá nhân tầm thường – những yếu tố làm suy yếu tổ chức đảng, làm mất thanh danh của Đảng, giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Mọi người trong cấp ủy phải thật sự là hạt nhân lãnh đạo, là trung tâm đoàn kết đảng viên và quần chúng, là cơ quan sáng suốt tổ chức, chỉ đạo các hoạt động của đơn vị, là tấm gương sáng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, được đảng viên và Nhân dân thừa nhận. Tập thể cấp ủy phải là tổ chức chặt chẽ, thường xuyên sinh hoạt, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, nhận thức, thống nhất ý chí và hành động với bản lĩnh cao. Từng cấp ủy viên phải thật sự là nhân tổ tích cực, chủ động, sáng tạo không thể thiếu được trong bộ máy lãnh đạo vững mạnh toàn diện của cấp ủy, của tổ chức đảng, không chỉ hoàn thành công việc một cách hình thức, bề ngoài theo sự phân công mà phải thực sự là hạt nhân lãnh đạo, là người tiên phong, sáng tạo, lôi cuốn đảng viên và quần chúng ủng hộ mình, làm theo mình, tạo phong trào cách mạng rộng lớn, mạnh mẽ làm chuyển biến tích cực tình hình đời sống xã hội. Đổi mới hoạt động của cấp ủy là đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả trong mọi hoạt động chính trị, tư tưởng, tổ chức của đơn vị, đổi mới trình độ, năng lực, bản lĩnh, đề ra chủ trương, nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết làm cho cuộc sống ngày càng tốt lên. Đổi mới hoạt động của cấp ủy là đổi mới việc nhận thức đúng thực tế khách quan, có trình độ lý luận và thực tiễn, đề ra đúng các biện pháp giải quyết các mâu thuẫn của cuộc sống đặt ra, thúc đẩy xã hội phát triển. Từng cấp ủy viên phải hiểu biết công việc, nhiệm vụ của mình, đi sâu, đi sát, nắm chắc bản chất thực tế cuộc sống trong lĩnh vực mình phụ trách, có khả năng, trình độ phân tích, tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, giải quyết. Đổi mới hoạt động cấp ủy là tăng cường sức chiến đấu của cấp ủy, trình độ, bản lĩnh, phát hiện những yếu kém, sai phạm của cấp ủy, của từng cấp ủy viên, kiên quyết đấu tranh, phê phán kịp thời, xây dựng cấp ủy vững mạnh, không dĩ hòa vi quý, né tránh, an phận thủ thường, cá nhân chủ nghĩa.
Hiện nay, đại bộ phận các cấp ủy làm tốt các vấn đề nêu trên, thực sự gương mẫu, là đầu tàu lãnh đạo cách mạng, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách đạt kết quả to lớn như ngày nay. Tuy vậy, vẫn còn có cấp ủy yếu kém, thậm chí suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống phải bị xử lý kỷ luật hoặc một số cấp ủy viên chủ chốt bị xử lý kỷ luật. Điều đó không những làm suy yếu đảng, mà còn làm tổn hại danh dự, uy tín của Đảng, giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng. Cho nên, đổi mới hoạt động của cấp ủy không chỉ là đòi hỏi khách quan, tất yếu của công việc mà còn là yêu cầu cấp bách, cơ bản lâu dài đảm bảo nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.
Cùng với đổi mới hoạt động của cấp ủy là đổi mới hoạt động của người đứng đầu, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng. Người đứng đầu là người được Đảng giao phó làm bí thư, thủ trưởng đơn vị. Người đứng đầu có trách nhiệm là người chủ chốt của chủ chốt; đầu tàu, động lực, sức mạnh của tổ chức đảng và phong trào cách mạng. Mọi hoạt động của người đứng đầu đều tác động tới cấp ủy, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội; quyết định sự đúng đắn, vững mạnh của tổ chức đảng và ngược lại. Người đứng đầu có trách nhiệm và quan hệ trực tiếp với cấp ủy, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thuộc phạm vi phụ trách.
Đổi mới phương thức hoạt động của người đứng đầu do yêu cầu của thực tiễn cách mạng, yêu cầu đổi mới của hoạt động cấp ủy nói riêng và hoạt động của Đảng nói chung. Tùy thuộc vào người đứng đầu các đơn vị cụ thể mà đặt ra các yêu cầu, nội dung, phương pháp đổi mới thích hợp. Song có thể khái quát những điểm chính về đổi mới hoạt động của người đứng đầu hiện nay ở những điểm chủ yếu như: (i) Người đứng đầu phải có phẩm chất, năng lực nổi trội hơn người cán bộ, đảng viên bình thường; (ii) Có trình độ chính trị, tầm nhìn chiến lược để có những định hướng, những quyết sách chuẩn xác, đúng đắn. Những định hướng, quyết sách đó khoa học, khách quan, có sức thuyết phục sẽ tạo sự đồng tình ủng hộ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn. (iii) Cùng với đó, người đứng đầu cần có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm trước cán bộ, đảng viên về những quyết sách của mình. Đặc biệt và quan trọng đối với người đứng đầu là sự liêm chính, trong sáng về đạo đức, lối sống, gương mẫu về mọi mặt trong đời sống hàng ngày. (iv) Người đứng đầu phải thực sự là hạt nhân, là trụ cột, là tấm gương, là niềm tự hào của cán bộ, đảng viên, Nhân dân noi theo. Vì vậy, người đứng đầu phải vượt lên chính mình, phải không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn, nghiêm túc rèn luyện phẩm chất đạo đức, thực sự nêu được tấm gương có sức thuyết phục để mọi người phải thừa nhận.
Trong sự nghiệp đổi mới, tiếp tục đi lên chủ nghĩa xã hội, hội nhập với thế giới hiện đại ngày nay, cơ bản đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp xứng đáng với vị trí, vai trò được đảm nhận. Tuy nhiên, vẫn còn có người đứng đầu thoái hóa, biến chất, tiêu cực gây tổn hại cho Đảng, gây bức xúc, làm suy giảm lòng tin trong Nhân dân.
Thực tế những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phải đổi mới phương thức hoạt động của cấp ủy và người đứng đầu một cách đồng bộ, toàn diện cả nội dung, hình thức, phương pháp nhằm củng cố các nhân tố đầu tàu; kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, tồn tại, yếu kém để Đảng thật sự vững mạnh, trong sạch, xứng đáng với lòng tin của Nhân dân.
2. Một số giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để vừa bảo đảm vai trò lãnh đạo của tập thể, vừa phát huy đầy đủ vai trò của người đứng đầu.
(i) Xây dựng đội ngũ người đứng đầu cấp ủy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
Tăng cường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị kết hợp với bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống và các tố chất lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực cùng với các tố chất của người lãnh đạo, phải kết hợp đào tạo trong trường, lớp với rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, phải lấy kết quả hoạt động thực tiễn để đánh giá, lựa chọn để bổ nhiệm cán bộ vào các vị trí phù hợp.
Đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, năng lực, phương pháp làm việc, phong cách lãnh đạo gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với phê bình và tự phê bình, coi đó là phương thức quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu có phẩm chất, đạo đức cách mạng, phong cách lãnh đạo, quản lý nói đi đôi với làm, có phương pháp khoa học trong xử lý tình huống phức tạp, khó khăn.
(ii) Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, đồng bộ hóa hệ thống nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình tổ chức và hoạt động của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để đảm bảo vai trò lãnh đạo của cấp ủy và phát huy vai trò của người đứng đầu, ngăn chặn tình trạng người đứng đầu lợi dụng bất cập trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để trục lợi, chuyên quyền, độc đoán.
Hoàn thiện quy chế, quy định xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể lãnh đạo với quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu để vừa phát huy tốt trí tuệ tập thể, vừa phát huy đầy đủ tính chủ động, đổi mới sáng tạo của người đứng đầu trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các quyết định.
Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để tránh trường hợp người đứng đầu ỷ lại tập thể, đổ lỗi cho tập thể khi không làm tròn trách nhiệm hoặc ngược lại lợi dụng tập thể làm “bình phong” lạm quyền, chuyên quyền, độc đoán.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát để nhanh chóng khắc phục tình trạng một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa xây dựng đầy đủ hoặc chưa bám sát vào quy chế, quy định để hoạt động.
Hoàn thiện quy chế, quy định, chính sách, pháp luật, tạo môi trường, điều kiện cho người đứng đầu mạnh dạn đổi mới sáng tạo, nhất là trong những lĩnh vực khó, phức tạp của cơ quan, đơn vị; khuyến khích, trọng dụng, bảo vệ những người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, đám đột phá, dám chịu trách nhiệm, hành động quyết liệt vì lợi ích chung.
(iii) Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu, nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo của tập thể và cá nhân người đứng đầu.
Tập trung khắc phục những khâu yếu trong ban hành, thực hiện nghị quyết của Đảng, nhất là khâu tổ chức thực hiện kém hiệu quả. Đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong thực hiện quy trình ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá các chủ trương, nghị quyết. Xây dựng nghị quyết phải đảm bảo tính khoa học, phát huy dân chủ và năng lực trí tuệ của tập thể cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội. Năng lực, phương thức lãnh đạo của người đứng đầu quyết định chất lượng, hiệu quả của nghị quyết. Trong đánh giá người đứng đầu, phải lấy chất lượng tổ chức thực hiện, hiệu quả kinh tế - xã hội của nghị quyết và vai trò ảnh hưởng của họ trong lãnh đạo, điều hành cấp ủy, tổ chức đảng làm tiêu chí đánh giá.
Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấm nhuần, thông suốt các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cấp ủy, người đứng đầu trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy, tự phê bình và phê bình. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, khắc phục những hạn chế về tính đảng, tính chiến đấu, tính lãnh đạo trong sinh hoạt đảng. Cần bổ sung, hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ, đảng viên và người đứng đầu cấp ủy, kịp thời đưa ra khỏi cấp ủy, tổ chức đảng những cán bộ, đảng viên “hữu danh vô thực”, thiếu bản lĩnh chính trị, kém năng lực, quan liêu, không gương mẫu, nói không đi đôi với làm, ý thức xây dựng tập thể kém, bè phái, mất đoàn kết.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ, khắc phục mâu thuẫn khi bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ thì đúng quy định, quy trình, nhưng lại để lọt những cán bộ phẩm chất kém, năng lực, uy tín thấp, thậm chí vi phạm khuyết điểm. Bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ; tăng cường thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu; đề cao trách nhiệm đến cùng của tập thể cấp ủy và người đứng đầu trong các quyết định về công tác cán bộ; cần có quy định về trách nhiệm bày tỏ quan điểm rõ ràng của từng thành viên và người đứng đầu bằng ý kiến trực tiếp và bằng phiếu giới thiệu có ghi danh và được cơ quan có trách nhiệm lưu giữ để xử lý khi cần thiết, đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch trong thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ vì đây vẫn là khâu khó và yếu nhất, nhằm đảm bảo lựa chọn đúng cán bộ thực sự có phẩm chất, năng lực, uy tín để bố trí vào các vị trí chủ chốt. Tăng cường, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; bổ sung và hoàn thiện quy định về kiểm tra, giám sát, kiểm soát trong nội bộ cấp ủy, tổ chức đảng, khắc phục một số quy định chưa rõ ràng, còn bất cập. Điều này có ý nghĩa quan trọng, vì cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng và Nhân dân là những người có quan hệ trực tiếp, gần gũi, thường xuyên với cấp ủy và người đứng đầu cùng cấp, nên nếu có cơ chế giám sát, kiểm soát hiệu quả thì những vi phạm, khuyết điểm trong tổ chức đảng mới được phát hiện và xử lý sớm, kịp thời khi chưa trở nên nghiêm trọng.
Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp