Nhằm chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 3, Đoàn Thanh niên Cộng sản Cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh của Bộ Tư pháp do bà Đỗ Thu Thủy – Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm dẫn đầu đã có chuyến đi “Về chiến khu rừng Sác” nhằm ôn lại truyền thống một thời oanh liệt cho thế hệ trẻ hôm nay. Nơi đây từng in bao dấu ấn lịch sử trong hai cuộc chiến oai hùng của dân tộc”.
Nơi oanh liệt một thời
Trong trang phục truyền thống có gắn huy hiệu đoàn, các đoàn viên đã tập hợp đầy đủ. Đúng 6h sáng, chuyến hành trình bắt đầu, những bài hát truyền thống của Đoàn, và cách mạng được cất lên rộn ràng, làm cho không khí càng thêm sôi động. Qua phà Bình Khánh, chuyến xe tiếp tục lao vun vút giữa hai bên là những rừng dừa nước, rừng đước, mắm bạt ngàn của huyện Cần Giờ.
Mười giờ sáng, chúng tôi tới Đảo khỉ, đồng thời là chiến khu xưa của rừng Sác. Nơi đây, hàng vạn tấn bom đạn các loại, trong đó có chất độc hóa học mà bọn giặc đã dội xuống nhằm xóa sổ khu rừng che chở những chiến sĩ cách mạng của ta. Chúng gieo rắc cái chết trắng trên 70 ngàn ha rừng ngập mặn, nhưng không thể nào tiêu diệt được lòng căm thù giết giặc cứu nước của quân và dân ta nơi này. Hòa bình lặp lại, với lòng quyết tâm, cùng sự ủng hộ quý báu của quốc tế nên từ năm 1978 đến nay, chúng ta đã hồi sinh được gần 40 ngàn ha.
Để vào được căn cứ địa cách mạng rừng Sác, đoàn phải thuê cano luồn theo những con rạch ngoàn nghoèo. Khoảng 15 phút thám hiểm rừng sâu, hiện ra trước mắt chúng tôi là những căn hầm chữ T, chữ V, được làm nổi, vì địa hình ở đây là đầm lầy. Là vùng ngập mặn nên chiến sĩ ta hồi đó phải sáng tạo ra mọi cách để hứng nước mỗi khi trời mưa. Phải lấy từ cây gì thì nước mới uống được, rau, lá gì ăn được… Tại đây, mọi người còn được xem các chiến sĩ chế tạo bom mìn, cài chông, cắm bẫy ra sao. Bạn Tiểu Mi - một Đoàn viên nói: “Đây là lần đầu em được tận mắt chứng kiến khu rừng bạt ngàn này. Thật là thú vị vì nó có nhiều loài động thực vật phong phú, hơn nữa lại là dịp để ôn lại truyền thống anh dũng của các thế hệ cha anh đi trước”.
Trong khu căn cứ có nhiều khu vực như hội trường, phòng chỉ huy, phòng quân nhu, phòng hậu cần, phòng y tế… Tại hội trường, đoàn được người cựu binh rừng Sác Nguyễn Văn Tám nay đã gần 70 tuổi, ông vẫn mang bộ quân phục sờn màu, mũ tai bèo và khăn vằn. Ông say sưa trong dòng cảm xúc, thuật lại những câu chuyện cách đây mấy chục năm về trước. Đó là những trận đánh ác liệt, những hy sinh mất mát, những câu chuyện cảm động về tình đồng chí anh em, tình quân dân, về những chuyến tàu không số…Tất cả ngồi trong im lặng, những câu chuyện mà ông Tám kể cứ thấm hết vào con tim của mọi người và dường như nó vừa diễn ra hôm qua. Nhiều người không cầm được nước mắt khi nghe kể về cảnh thiếu nước sạch, thiếu lương thực, các chiến sĩ phải ăn lá rừng, uống nước mặn… Cảm nhận về những câu chuyện này, bạn Phương Trinh nói: “Thế hệ chúng mình may mắn được sinh ra trong hòa bình, chưa được chứng kiến những khó khăn gian khổ ác liệt ấy, nhưng qua phim ảnh, tư liệu lịch sử, mỗi chúng ta sẽ thầm cảm ơn và tự hào về một đất nước anh hùng, kiên cường không chịu khuất phục trước súng ống đại bác, bom hóa học, máy bay tối tân của kẻ thù”.
Vương quốc của loài khỉ
Rừng Sác có trên 1.000 chú khỉ đuôi dài, du khách tới đây được tận mắt chiêm ngưỡng từng đàn khỉ nhảy nhót 2 bên đường. Chúng tình tứ bắt chí cho nhau, trêu đùa nhau. Điều thú vị nhất với khách về những đàn khỉ đấy chính là lúc đàn khỉ rình và chộp được của ai đó 1 thứ đồ vật. Bất cứ ai treo túi đồ ăn hay túi xách sơ hở là bầy khỉ nhanh tay cuổm mất. Có vị khách đang chăm chú chụp ảnh, bất ngờ một chú khỉ phốc lên ba lô lấy đi chai nước. Sau khi lấy, chú khỉ nhanh chân đu lên cành cây ngồi vặn nắp ra và uống như Tôn Ngộ Không, mặc cho vị khách và mọi người dõi mắt nhìn theo cười khoái chí. Nhiều bạn nữ bị lũ khỉ giật mất mũ, khăn, mặc cho các cô nhăn nhó vì nắng nóng, lũ khỉ giật xong nhảy lên cây đội lên đầu hay vân ve gặm nhấm.
Hình như chúng đã quen với cảnh sống ở đây nên chúng xem ra chẳng sợ du khách. Càng chọc chúng bao nhiêu, chúng lại càng quấy nhiễu bấy nhiêu. Chúng chỉ sợ những bảo vệ ở đây, vì mỗi khi lấy của khách cái gì, bảo vệ cầm cái súng giun bắn dọa là chúng thả ngay. Đi rừng Sác, chúng ta không chỉ được xem loài khỉ đông đúc, mà còn được xem những tài nghệ của chúng. Tại rạp xiếc, những trò như đua xe đạp, đi chợ, biểu diễn người mẫu… được loài khỉ làm rất điệu nghệ. Nói tới khu rừng này, người ta liền nghĩ ngay về nhiều người mất tích không rõ nguyên nhân, mà mãi một thời gian dài họ mới biết nguyên nhân là đã bị loài cá sấu hung giữ nuốt. Ngoài Khỉ, cá sấu, nơi đây còn có nhiều loài động vật quý hiếm khác như kỳ đà, rái cá, gấu, sóc… Tất cả tạo nên khu sinh thái đa dạng sinh học hòa quyện.
Bóng hoàng hôn buông xuống, tất cả kết thúc bằng những nén nhang thắp lên đài tưởng niệm để tỏ lòng biết ơn những người đã ngã xuống cho tổ quốc. Ai cũng thầm mong ở bên kia thế giới, những linh hồn sẽ mỉm cười khi thấy đất nước ngày càng đổi mới phát triển. Và ai cũng tự hứa với lòng mình sẽ không bao giờ quên công ơn đó, sẽ cố gắng hết mình để góp phần xây dựng tổ quốc ngày càng giàu mạnh, đàng hoàng, to đep, văn minh và công bằng hơn. Chiếc xe lăn bánh ngược về thành phố, và giờ đây không còn nghe tiếng hát, mà thay vào đó là những câu chuyện, những bàn luận về một ngày thăm lại chiến khu xưa đầy ý nghĩa.
Ngọc Quý