Kịp thời nhận diện những tác động của cuộc Cách mạng 4.0 đối với hệ thống pháp luật Việt Nam

09/07/2020
Kịp thời nhận diện những tác động của cuộc Cách mạng 4.0 đối với hệ thống pháp luật Việt Nam
Hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ XI, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Cương, Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý về thành tựu nghiên cứu khoa học pháp lý giai đoạnh 2015 – 2020 và định hướng giai đoạn 2020 – 2025.
Kết quả nghiên cứu phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành
* Ông đánh giá ra sao về sự phát triển của lĩnh vực khoa học pháp lý của Bộ trong những năm gần đây, nhất là trong kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ X (2015-2020)?
- Ông Nguyễn Văn Cương: Có thể nói, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và Đảng ủy Bộ, giai đoạn thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ X (2015-2020) là thời kỳ hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ Tư pháp có sự phát triển toàn diện và có nhiều khởi sắc.
Chỉ tính từ năm 2016 đến 2020, Bộ Tư pháp đã triển khai thực hiện 104 nhiệm vụ khoa học các cấp, trong đó có 3 Hội thảo khoa học cấp quốc gia, 78 nhiệm vụ khoa học cấp bộ, 23 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở. Chủ đề nghiên cứu bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành và có phạm vi bao phủ rộng lớn từ các vấn đề về xây dựng, hoàn thiện các thiết chế trong bộ máy nhà nước, tới việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong một số lĩnh vực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật và quản lý ngành. Chủ đề nghiên cứu cũng trải rộng từ các chủ đề về phát huy kinh nghiệm lịch sử rất quý của ông cha chúng ta cũng như các chủ đề rất thời sự đương đại.
Hoạt động nghiên cứu khoa học đã thu hút một lượng lớn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại Viện Khoa học pháp lý, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, tại các đơn vị xây dựng pháp luật của Bộ, các đơn vị tham mưu tổng hợp, các đơn vị quản lý nhà nước của Bộ cùng các chuyên gia ở các đơn vị thuộc các ban tham mưu của Đảng, các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng tham gia nghiên cứu. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được công bố rộng rãi trong sách chuyên khảo, các bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, có sức lan tỏa cả trong giới lý luận và trong hoạt động thực tiễn.
* Theo ông, các kết quả nghiên cứu khoa học đã phục vụ việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị quan trọng nào của Bộ, ngành Tư pháp?
- Ông Nguyễn Văn Cương: Thời gian vừa qua, Bộ, ngành Tư pháp rất tích cực tham gia xây dựng các văn kiện trình Đại hội Đảng, các văn kiện trình Hội nghị Ban Chấp hành trung ương, trong đó phải kể tới việc tham gia xây dựng Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tham gia tổng kết các Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và tham gia xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Chẳng hạn, để phục vụ việc tham gia xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Bộ Tư pháp đã hoàn thành 02 Báo cáo chuyên đề về công tác xây dựng, thực hiện pháp luật, các mục tiêu cải cách tư pháp giai đoạn 2021 - 2030, việc thực hiện nhiệm vụ đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Thông tin, chất liệu phục vụ xây dựng các Báo cáo chuyên đề quan trọng này về cơ bản được khai thác từ kho dữ liệu các đề tài, nhiệm vụ khoa học của Bộ Tư pháp. Những báo cáo chuyên đề nói trên đã cung cấp chất liệu cho Tổ Biên tập xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó nhiều ý kiến của Bộ Tư pháp đã được tiếp thu trực tiếp trong các dự thảo Văn kiện, nhất là việc xác định tầm nhìn cho việc xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Trong hoạt động xây dựng pháp luật, trước khi hoặc đồng hành với quá trình đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung một đạo luật do Bộ Tư pháp chủ trì thuộc giai đoạn 2016-2020, Lãnh đạo Bộ Tư pháp thường chỉ đạo các cơ sở nghiên cứu tổ chức tiến hành các đề tài nghiên cứu phục vụ trực tiếp quá trình xây dựng các đạo luật. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012... là những ví dụ.
Cũng từ năm 2016 đến nay, Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ các khía cạnh lý luận và thực tiễn thúc đẩy việc triển khai đầy đủ nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Trong số đó, phải kể tới các đề tài, đề án, nhiệm vụ nghiên cứu như: “Bình luận khoa học Hiến pháp năm 2013”; “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng, hoàn thiện pháp luật bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về các quyền dân sự, chính trị”; “Nguyên tắc về quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong Hiến pháp năm 2013 và những vấn đề pháp lý đặt ra”; “Hiến pháp năm 2013 và sự phát triển tư tưởng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Hoàn thiện cơ chế quản trị tòa án để đảm bảo độc lập theo tinh thần Hiến pháp năm 2013”; “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện cơ chế bảo hiến theo tinh thần Hiến pháp năm 2013”; Các đề tài, nhiệm vụ thuộc chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ giai đoạn 2018 - 2020 về “Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013” (góp phần làm rõ thêm cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan khác có liên quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp theo tinh thần Hiến pháp năm 2013).
Bộ Tư pháp cũng đã triển khai nhiều đề tài nhằm kịp thời cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn hoạch định chính sách, pháp luật phục vụ quá trình hội nhập quốc tế về tư pháp, pháp luật của Việt Nam. Chẳng hạn, từ năm 2017, Bộ Tư pháp đã triển khai chương trình nghiên cứu cấp Bộ “Những vấn đề pháp lý mới phát sinh trong tư pháp quốc tế và trong khuôn khổ hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế”. Đến nay, nhiều đề tài, nhiệm vụ thuộc Chương trình nghiên cứu này đã được hoàn thành và đưa vào ứng dụng như: “Kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật về quốc tịch của một số quốc gia trên thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam”; “Công ước La Hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em: Kinh nghiệm quốc tế về gia nhập, thực thi và các đề xuất đối với Việt Nam”; “Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế: giá trị pháp lý của các điều ước quốc tế, thực tiễn nội luật hóa và áp dụng tại các quốc gia thành viên”...
Yêu cầu rất bức thiết hiện nay
* Được biết, thời gian qua, Viện Khoa học pháp lý rất quan tâm tham mưu triển khai các nghiên cứu liên quan tới Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông có thể chia sẻ kỹ hơn về hướng nghiên cứu này?
- Ông Nguyễn Văn Cương: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là xu thế phát triển mới của thế giới được nhận diện trong thời gian gần đây và đang tác động rất sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Xây dựng, thực thi pháp luật cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động cả theo chiều thuận và nghịch. Chính vì vậy, việc kịp thời nhận diện những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam là yêu cầu rất bức thiết hiện nay.
Nhận thức rõ được xu thế này, từ năm 2017, Viện Khoa học pháp lý đã chủ động tiến hành các hoạt động nghiên cứu và tham mưu với Lãnh đạo Bộ cho phép Viện Khoa học pháp lý phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ triển khai các hoạt động nghiên cứu ở các quy mô khác nhau để tìm hiểu những tác động mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật.
Điểm nổi bật của hướng nghiên cứu này là việc Viện Khoa học pháp lý chủ trì, phối hợp với các đơn vị hữu quan trong và ngoài Bộ Tư pháp tham mưu với Lãnh đạo Bộ tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam” dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đây là hội thảo khoa học thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội và giới chuyên môn.
Trên cơ sở ý kiến tham luận của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, đại diện các doanh nghiệp công nghệ, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo (startup), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng nêu rõ các yêu cầu và định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh và chính phủ điện tử, chính phủ số.
Hiện tại, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Viện Khoa học pháp lý đang phối hợp với các đơn vị hữu quan của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu với các cấp có thẩm quyền tiến hành rà soát đánh giá mức độ tương thích của hệ thống pháp luật hiện hành với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cho tới nay, kết quả rà soát đã phát hiện không ít khoảng trống pháp lý liên quan tới việc điều chỉnh pháp luật về tài sản mã hóa, gọi vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng, ứng dụng phương tiện giao thông không người lái, bảo vệ thông tin cá nhân... rất cần được quan tâm, xử lý trong thời gian tới.
* Xin cảm ơn ông!
Gia Lâm