Vai trò của các CQNN, tổ chức đoàn thể và hiệp hội nghề nghiệp trong hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp

12/12/2018
Vai trò của các CQNN, tổ chức đoàn thể và hiệp hội nghề nghiệp trong hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp
Sáng ngày 11/12/2018, tại trụ sở Học viện Tư pháp, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề: "Vai trò của các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể và hiệp hội nghề nghiệp trong hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp - Thực trạng và giải pháp".

Tham dự Tọa đàm có: TS. Hồ Quang Huy, Ủy viên BCH Đoàn Khối, Bí thư Đoàn Bộ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thị Huệ - Ủy viên BCH Đoàn Khối, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đoàn khối các cơ quan Trung ương; TS. Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý; đồng chí Vũ Văn Tiến, Bí thư Đoàn Bộ khoa học và Công nghệ; đồng chí Nguyễn Thị Tú Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; đồng chí Đỗ Minh Chiến - Phó Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các đồng chí Thường trực Đoàn Bộ, Thường trực Chương trình 585, đại diện một số Chi đoàn, Đoàn Cơ sở thuộc Đoàn Bộ, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Đoàn luật sư thành phố và doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. 
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Hồ Quang Huy - Bí thư Đoàn Bộ Tư pháp khẳng định vai trò quan trọng, cũng như những kết quả mà các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể (trong đó đặc biệt là Đoàn Thanh niên), các hội nghề nghiệp đạt được trong hỗ trợ khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp sáng tạo nói riêng. Tuy nhiên, trước những yêu cầu của thực tế thời gian qua cho thấy, để có thể tạo được hệ sinh thái khởi nghiệp, đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực, hành động tích cực, thiết thực hơn từ phía các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể và các hội nghề nghiệp. Tọa đàm được Đoàn Bộ phân công Đoàn Cơ sở Học viện Tư pháp chủ trì, phối hợp với một số cơ sở đoàn của Bộ Tư pháp tổ chức là diễn đàn khoa học để các đại biểu cùng nhau thảo luận, phân tích và đề xuất các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn vai trò, trách nhiệm, cách thức hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của các chủ thể có liên quan.  

Nhìn từ góc độ hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường, đại diện Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư , đồng chí Phó Bí thư Đoàn Nguyễn Minh Chiến cho biết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp từ phía cán bộ đăng ký kinh doanh thời gian qua đã được thực hiện hết sức tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại không ít những khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân chính của các hạn chế là do khối lượng công việc của đơn vị tăng nhiều, tính chất ngày một phức tạp trong khi đó đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý còn ít về số lượng, chưa thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… Trong khi đó, từ góc độ quản lý nhà nước được giao, đại diện Chi đoàn Cục Bổ trợ tư pháp cho rằng vẫn còn vướng mắc ở giai đoạn hỗ trợ pháp lý cho một doanh nghiệp mới thành lập do một số văn bản còn chồng chéo, vướng mắc mà chưa có hướng dẫn, giải đáp cụ thể. Vì vậy, các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể và hiệp hội nghề nghiệp cần phải có sự phối hợp, thống nhất chặt chẽ để giúp doanh nghiệp có thể khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo loại bỏ rào cản pháp lý, thực hiện kinh doanh một cách thuận lợi, hiệu quả.

Ngoài ra, nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến về việc xây dựng chính sách pháp luật, áp dụng pháp luật vào thực tiễn để hoạt động khởi nghiệp có hiệu quả hơn, trong đó bao gồm giải pháp hình thành văn hóa tương trợ, chia sẻ và giúp đỡ các bạn trẻ có nhu cầu khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Đồng tình với các nhận định trên, TS. Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý còn đề xuất các cơ quan nhà nước, tổ chức Đoàn thanh niên có thể hỗ trợ các bạn trẻ thông qua việc nghiên cứu, xây dựng một tập tài liệu có vai trò như một cuốn cẩm nang để những doanh nghiệp trẻ có thể hiểu rõ hơn về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, những chính sách pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp, đồng thời phải xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, khung chính sách cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo… Từ góc độ của tổ chức hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đồng chí Nguyễn Thị Tú Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đại diện Chi đoàn Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho rằng, từ quy định của pháp luật đến thực tế mà doanh nghiệp khởi nghiệp nhận được sự hỗ trợ còn là cuộc “hành trình dài” với nhiều thủ tục khiến không ít chủ thể khởi nghiệp thực sự “nản” khi tiếp cận với vướng mắc, vụ việc cụ thể…
Tọa đàm diễn ra với nhiều ý kiến chất lượng, giúp nhận diện được những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp khởi nghiệp đang phải đối mặt, đòi hỏi sự chung tay, giúp sức từ phía các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể và hội nghề nghiệp để các starup Việt không phải rơi vào tình trạng “thừa ý tưởng, mà thiếu một hệ sinh thái bền vững hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp”./.
                       
Phương Mai - Chi đoàn Báo PLVN