Khởi nghiệp đang trở thành “làn sóng” mới trong giới trẻ, nhưng làm thế nào để biến ý tưởng thành hiện thực, chiến lược phát triển ý tưởng khởi nghiệp thì không phải ai cũng biết. Hiện nhiều thanh niên vẫn tự mày mò theo kiểu “vướng đâu gỡ đó”; không những thế còn lâm vào tình cảnh “hụt hơi” khi bên cạnh thách thức vốn có của hoạt động khởi nghiệp lại nảy sinh thêm những cái được cho là “rừng” thủ tục về hành chính hay “núi” giấy phép. Đây thực sự là một rào cản rất lớn trên con đường hiện thực hóa giấc mơ làm giàu của nhiều bạn trẻ...
Từ thực tiễn trên, 14h hôm nay, 2/11, Báo PLVN phối hợp Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “Khởi nghiệp trong thanh niên và những vấn đề pháp lý cần đặt ra”.
Các chuyên gia trực tiếp đối thoại gồm: Tiến sĩ Hồ Quang Huy – Uỷ viên BCH Đoàn Khối các Cơ quan Trung ương, Bí Thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp); Bà Đoàn Thu Nga - Nhà sáng lập Công ty Luật LAWPRO; Ông Vũ Quốc Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Wsoft.
Mời quý vị độc giả đặt câu hỏi giao lưu với các khách mời của chương trình trong phần "bình luận" dưới bài viết này, hoặc gửi câu hỏi về email của phóng viên phụ trách chương trình: nguyenhuyentrang2612@gmail.com.
- Thưa ông Hồ Quang Huy, trước tiên ông có thể đánh giá một chút về hoạt động khởi nghiệp trong thanh niên nói chung hiện nay diễn ra như thế nào được không? (Hoàng Đình Cường, Thành phố Nam Định)
Tiến sĩ Hồ Quang Huy: Qua theo dõi cho thấy, hoạt động khởi nghiệp đang thu hút sự quan tâm, tham gia tích cực của lực lượng đoàn viên, thanh niên cả nước. Qua thực tiễn, nhiều mô hình khởi nghiệp đã thực sự thành công, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội. Bên cạnh đó, nhận thức của đoàn viên, thanh niên về khởi nghiệp cũng ngày càng toàn diện hơn, sát với thực tế hơn. Các cấp bộ đoàn, các ngành ở Trung ương và địa phương đã có những giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng vẫn còn những rào cản cần tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới, trong đó có rào cản pháp lý để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong thời gian tới.
- Ở nhiều quốc gia, khởi nghiệp không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp. Nhưng ở nước ta, muốn hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh thường phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Nếu không xác định được đúng mô hình kinh doanh phù hợp sẽ ảnh hưởng đến việc được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, điều kiện kinh doanh, giấy phép hoặc các vấn đề thuế. Xin hỏi bà Đoàn Thu Nga, trước khi khởi nghiệp cần lưu ý những vấn đề pháp lý gì? (Phạm Hào, Quận 3, TP HCM)
Bà Đoàn Thu Nga: Dưới góc độ pháp lý trong đó quan trọng nhất: (i) mô hình kinh doanh (có thành lập hay không thành lập doanh nghiệp (ví dụ: freelancer trong linh vực IT Sorfware; Bđs; Luật sư); (ii) ngành nghề kinh doanh và điều kiện kinh doanh; (iii) vốn đầu tư có phù hợp không (nếu thiếu phải gọi đối tác); (iv) đối tác cùng kinh doanh.Vì vậy, trước khi khởi nghiệp startup cần xác định rõ được mô hình hoạt động, điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực hoạt động để thực hiện việc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tránh bị xử phạt hành chính.
- Xin ông cho biết Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã triển khai những hoạt động gì để đồng hành cùng với thanh niên khởi nghiệp thời gian qua? (Lê Ngọc Lan, Đống Đa, Hà Nội)
Tiến sĩ Hồ Quang Huy: Được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Ban cán sự, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ, trong thời gian qua, Đoàn Thanh niên Bộ đã chủ trì, phối hợp với Đoàn thanh niên các Bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức hoạt động tư vấn, tuyên truyền, phổ biến PL; các hội nghị, diễn đàn đối thoại; Tổ chức Tọa đàm, Hội thảo khoa học nhằm nhận diện những rào cản pháp lý…
- Thực tiễn hiện nay, theo bà, các startup thường gặp rắc rối về những vấn đề pháp lý nào? (Quang Tuấn - Hải Phòng)
Bà Đoàn Thu Nga: Theo tôi, trên thực tiễn các startup thường gặp rắc rối về mặt pháp lý bởi các vấn đề sau:
Thứ nhất, về việc góp vốn: không thực hiện góp đủ vốn hoặc vượt quá hoặc góp vốn không đúng thời hạn đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Hiện tại Nhà nước chỉ kiểm soát trên dữ liệu kê khai; chưa có cơ chế giám sát -> thường xuyên có tranh chấp nội bộ doanh nghiệp; ảnh hưởng tới quyền, nghĩa vụ của người góp vốn và đối tác kinh doanh của công ty.
Thực tế góp vốn không đúng hình thức pháp luật quy định cũng ảnh hưởng tới công ty.
Thứ 2, về quản trị doanh nghiệp: Các startup thường không xác định rõ cơ cấu tổ chức và bộ máy quản lý của doanh nghiệp, không phân bổ chính xác quyền và nghĩa vụ của các thành viên, cổ đông hợp tác cùng nhau, hoặc không lập và lưu trữ các giấy tờ pháp lý doanh nghiệp nên rất hay dẫn đến tình trạng tranh chấp cổ đông.
- Ở nhiều quốc gia, khởi nghiệp không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp. Nhưng ở nước ta, muốn hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh thường phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Nếu không xác định được đúng mô hình kinh doanh phù hợp sẽ ảnh hưởng đến việc được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, điều kiện kinh doanh, giấy phép hoặc các vấn đề thuế. Theo bà, trước khi khởi nghiệp cần lưu ý những vấn đề pháp lý gì? (Thu Trà - Câu lạc bộ DN trẻ HN)
Bà Đoàn Thu Nga: Dưới góc độ pháp lý trong đó quan trọng nhất: (i) mô hình kinh doanh (có thành lập hay không thành lập doanh nghiệp (ví dụ: freelancer trong linh vực IT Sorfware; Bđs; Luật sư); (ii) ngành nghề kinh doanh và điều kiện kinh doanh; (iii) vốn đầu tư có phù hợp không (nếu thiếu phải gọi đối tác); (iv) đối tác cùng kinh doanh.TiVì vậy, trước khi khởi nghiệp startup cần xác định rõ được mô hình hoạt động, điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực hoạt động để thực hiện việc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tránh bị xử phạt hành chính.
- Anh Vũ Quốc Tuấn CEO có thể chia sẻ về những vướng mắc về pháp lý mà anh đã từng gặp phải trong quá trình khởi nghiệp của mình không ạ? (Nguyễn Đình Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội)
- Ông Vũ Quốc Tuấn: Vướng mắc đầu tiên đối với cơ quan thuế, đối với các DN đặc biệt là DN phần mềm thì việc xác định vấn đề thuế 10% hay miễn thuế cho việc cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng.
Hơn nữa, vướng mắc về sở hữu trí tuệ. Hiện nay, việc khiếu nại yêu cầu bảo hộ khi phát hiện nhân viên cũ, đối tác hay đối thủ… vi phạm vè sở hữ trí tuệ của DN còn nhiều bất cập và phức tạp.
- Xin ông cho biết về những chính sách lớn của Nhà nước nhằm hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và hoạt động khởi nghiệp của thanh niên nói riêng? (Mai Hoa - Đà Nẵng)
Tiến sỹ Hồ Quang Huy: Các chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp có thể kể đến như:
- Chính sách ưu đãi đất đai: Các DN thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư đều được nhà nước ưu đãi và hỗ trợ thông qua miến giảm tiền sử dụng đất; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước...
- Chính sách ưu đãi về thuế: Từ năm 2004 đến nay, với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, các chính sách ưu đãi thuế đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN đầu tư trong nước cớ bản thống nhất và kiện toàn, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm đáng kể trong những năm trở lại đây. Đây là những nỗ lực của Nhà nước góp phần tạo điều kiện cho các DN vươn lên khởi nghiệp.
- Chính sách ưu đãi về chuyển giao công nghệ: Nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; Luật chuyển giao công nghệ 2017 ra đời với nội dung nêu rõ những chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ, khuyến khích các DN thực hiện đổi mới, ứng dụng công nghệ như: nhà nước hỗ trợ những DN có dự án thuộc địa bàn, lĩnh vực đầu tư thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ với tổ chức khoa học công nghệ; quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khác phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị là quyền tài sản;...
- Chính sách hỗ trợ đào tạo: Theo tinh thần của Nghị định 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, để giúp DN nhỏ và vừa phát triển nguồn nhân lực, ngân sách nhà nước hỗ trở tối thiểu 50% tổng chi phí của một khoá đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho DN nhỏ và vừa. Học viên của DN nhỏ và vừa thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ được miễn học phí tham gia khoá đào tạo.
- Chúng ta hôm nay lđang bàn về những rào cản pháp lý trong hoạt động khởi nghiệp của thanh niên, vậy xin ông Hồ Quang Huy có thể cho biết cụ thể những khó khăn, rào cản pháp lý đó là gì? (Trần Hải Nam - Tp Hồ Chí Minh)
Tiến sỹ Hồ Quang Huy: Tôi thấy có những rào cản pháp lý sau đây: Một là hệ thống pháp luật với số lượng văn bản tương đối nhiều, điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau áp dụng chung cho doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn cho thanh niên khởi nghiệp khi muốn tra cứu, tìm kiếm để áp dụng.
Hai là trong một số quy định vẫn còn tồn tại một số nội dung không rõ ràng, chưa cụ thể.
Ba là quy định pháp luật trong một số trường hợp chưa theo kịp với sự phát triển nhanh, đa dạng của ý tưởng, ngành nghề kinh doanh, dẫn đến cách hiểu, áp dụng thiếu thống nhất.
Bốn là các rào cản về các thủ tục hành chính khi doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận về vốn, đất đai, thuế...
Năm là những rủi ro pháp lý phát sinh trong thực tiễn dẫn đến những tranh chấp mà thanh niên khởi nghiệp khó có thể lường trước.
Điều 6 Nghị định 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP có quy định về mức phạt tiền đối với hành vi hoạt động kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh/ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định. Hiện nay rất nhiều người trẻ kinh doanh nhưng chưa đăng ký kinh doanh theo quy định có gặp tình trạng người tự xưng là "cơ quan chức năng" đến làm việc, dọa sẽ xử phạt hành chính với số tiền rất lớn, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên những người xưng danh là "cơ quan chức năng" này lại đề ra phương án "bảo kê", không làm khó và không xử phạt với "giá" 1 triệu đồng/ tháng. Các chuyên gia có lời khuyên gì dành cho các startup trong trường hợp này? (My - Hà Nội)
- Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo là trụ cột của startup, tuy nhiên thực trạng vừa qua việc các ý tưởng bị “đánh cắp” và tranh chấp về sở hữu ý tưởng giữa các thành viên sáng lập các doanh nghiệp khởi nghiệp đang báo động. Vậy có giải pháp gì để các nhà khởi nghiệp khi bắt đầu có ý tưởng khởi nghiệp và bắt tay vào hoạt động có thể ngăn ngừa? (Trần Văn Bình - Hải Phòng)
Bà Đoàn Thu Nga: Ý tưởng sáng tạo trong khởi nghiệp là rất quan trọng. Khi khởi nghiệp có các hình thức góp vốn bằng thương hiệu (quyền SHTT), góp bằng công sức, ý tưởng, thậm chí là dữ liệu nguồn khách hàng….. nhưng nếu không phù hợp pháp lý thì sẽ có tranh chấp.
Để tránh tình trạng ý tưởng bị đánh cắp hay tranh chấp về sở hữu ý tưởng giữa các thành viên sáng lập, các startup cần xây dựng thỏa thuận giữa các sáng lập viên để xác định rõ ý tưởng, mục tiêu hợp tác kinh doanh và quyền, nghĩa vụ của các bên trong trường hợp vi phạm; đối với các ý tưởng sở hữu trí tuệ thì cần phải đăng ký bảo hộ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tôi là một thanh niên trẻ vừa tốt nghiệp ra trường, tôi muốn được làm giàu trên quê hương mình bằng việc sản xuất các loại máy phục vụ cho nông nghiệp, tuy nhiên trước khi khởi nghiệp tôi muốn tìm hiểu các thông tin pháp luật liên quan đến lĩnh vực tôi muốn kinh doanh. Vậy tôi có thể tìm hiểu thông tin pháp luật về khởi nghiệp qua những kênh nào? (Tuấn Anh - Hà Nội)
Tiến sỹ Hồ Quang Huy: Có nhiều kênh có thể giúp bạn tiếp cận:
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản QPPL của Bộ Tư pháp
- Bộ Pháp điển điện tử trên Cổng thông tin điện tử pháp điển của Bộ Tư pháp
- Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
- Hệ thống văn bản trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, các Bộ, ngành, VCCI, UBND cấp tỉnh.
- Hiện nay pháp luật có sự điều chỉnh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tuy nhiên chưa có sự điều chỉnh đối với các chủ thể khởi nghiệp khác đang tồn tại trên thực tiễn: thanh niên khởi nghiệp đang đi học; cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp không đăng ký kinh doanh. Vậy pháp luật điều chỉnh với doanh nghiệp nhỏ và vừa (Luật hỗ trợ DNNVV, Nghị định 38, Nghị định 39...) có điều chỉnh cho nhóm chủ thể nêu trên không? (Mai Văn Mạnh - Hải Phòng)
- Bà Đoàn Thu Nga: Pháp luật đối với DN VVN không điều chỉnh đối tượng là chủ thể khởi nghiệp không đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, một số quy định pháp lý khác lại điều chỉnh điều kiện, hành vi kinh doanh của nhóm chủ thể này, như cá nhân môi giới BĐS, luật sư hành nghề cá nhân.
- Kính chào anh/chị luật sư, Công ty em là CTCP mới thành lập và đã có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư cấp. Anh/ chị cho em hỏi công ty em có cần làm hồ sơ đăng ký thuế ban đầu với chi cục thuế trực tiếp quản lý không? Nếu cần làm thì các bước làm là gì và được quy định trong văn bản nào ạ. (Hải Nam- Tuyên Quang)
- Bà Đoàn Thu Nga: Xin được trả lời bạn như sau: Trước hết, phải khẳng định là DN bạn cần phải làm hồ sơ đăng ký thuế ban đầu với chi cục thuế trực tiếp quản lý. Doanh nghiệp sau khi đã có chữ ký số sẽ thực hiện nộp thuế online qua website của Tổng cục thuế theo trình tự sau:
Bước 1: Nộp tờ kê khai thuế và nộp tiền thuế môn bài.
Bước 2: Khai thuế GTGT và hóa đơn;
Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013; Thuế giá trị gia tăng; Nghị định 139/2016/NĐ-CP hướng dẫn kê khai lệ phí môn bài, Thông tư 156, 151, 119, 93/2017/TT-BTC (thuế GTGT)
- Xin hỏi anh Huy, theo quy định hiện hành thì có những phương thức giải quyết tranh chấp nào mà người trẻ có thể sử dụng để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình khởi nghiệp, cũng như kinh doanh của mình? (Bạn đọc từ Nha Trang)
Tiến sỹ Hồ Quang Huy: Có 4 phương thức giải quyết tranh chấp là:
- Thương lượng
- Hòa giải
- Trọng tài
- Tòa án
Mỗi phương thức có những ưu, nhược điểm riêng. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần lưu ý để hạn chế những nguyên nhân có thể làm phát sinh tranh chấp.
- Hiện nay pháp luật có sự điều chỉnh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tuy nhiên chưa có sự điều chỉnh đối với các chủ thể khởi nghiệp khác đang tồn tại trên thực tiễn: thanh niên khởi nghiệp đang đi học; cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp không đăng ký kinh doanh. Vậy pháp luật điều chỉnh với doanh nghiệp nhỏ và vừa (Luật hỗ trợ DNNVV, Nghị định 38, Nghị định 39...) có điều chỉnh cho nhóm chủ thể nêu trên không? (tranngoc....@gmail.com)
- Bà Đoàn Thu Nga: Pháp luật đối với DN VVN không điều chỉnh đối tượng là chủ thể khởi nghiệp không đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, một số quy định pháp lý khác lại điều chỉnh điều kiện, hành vi kinh doanh của nhóm chủ thể này, như cá nhân môi giới BĐS, luật sư hành nghề cá nhân.
- Xin hỏi luật sư, hiện nay pháp luật có sự điều chỉnh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tuy nhiên chưa có sự điều chỉnh đối với các chủ thể khởi nghiệp khác đang tồn tại trên thực tiễn: thanh niên khởi nghiệp đang đi học; cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp không đăng ký kinh doanh. Vậy pháp luật điều chỉnh với doanh nghiệp nhỏ và vừa (Luật hỗ trợ DNNVV, Nghị định 38, Nghị định 39...) có điều chỉnh cho nhóm chủ thể nêu trên không? (Ceo Hà Nội)
- Bà Đoàn Thu Nga: Đối tượng áp dụng của Luật DNVVN cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định 38, Nghị định 39 thì đều quy định cụ thể là: Doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật DNVVN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, Pháp luật đối với DN VVN không điều chỉnh đối tượng là chủ thể khởi nghiệp mà không thực hiện đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh các quy định đó thì vẫn có một số quy định pháp lý khác quy định điều chỉnh điều kiện, hành vi kinh doanh của một số nhóm chủ thể đặc thù như cá nhân môi giới BĐS, luật sư hành nghề cá nhân...;
Như vậy, nhóm các chủ thể khởi nghiệp khác đang tồn tại trên thực tiễn như: thanh niên khởi nghiệp đang đi học; cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp không đăng ký kinh doanh... thì không thuộc đối tượng được coi là khởi nghiệp và hưởng ưu đãi theo chương trình Khởi nghiệp quốc gia; chưa kể đến việc các bạn cũng cần cân nhắc các chế tài pháp lý hiện hành như:
Tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư có quy định: - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp; - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định. - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đầu tư kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật đầu tư.
Vì vậy, trước khi khởi nghiệp startup cần xác định rõ được mô hình hoạt động, đặc biệt là điều kiện đáp ứng việc kinh doanh đối với lĩnh vực hoạt động cụ thể của mình để có kế hoạch thực thi phù hợp với xu hướng thị trường; đảm bảo tính thời gian (tốc độ gia nhập thị trường) và việc đáp ứng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tránh bị xử phạt hành chính như trên. Và vấn đề không phải là mức tiền phạt mà chính là nhiều doanh nghiệp đã lỡ mất các cơ hội gia tăng giá trị doanh nghiệp của mình khi đã phát triển và nhà đầu tư muốn đầu tư cho các bạn nhưng chúng tôi đã không thể “vá” lỗ hổng pháp lý cho các bạn ngay từ các bước ban đầu.
- Tôi cùng vài người bạn đang manh nha khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hiện tại chúng tôi muốn huy động vốn từ các nhà đầu tư, anh có thể chia sẻ về việc cần làm để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Ngoài ra, anh có thể chia sẻ thêm về những điều startup cần làm để tránh những tranh chấp phát sinh giữa starup với các nhà đầu tư sau này? (Đinh Ngọc Thảo (TP HCM)
- Ông Vũ Quốc Tuấn: Theo tôi, khi các bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các bạn cần xác định rõ tầm nhìn của sản phẩm và giá trị sản phẩm mang lại cho cộng đồng. Khi giá trị mang lại cho cộng đồng càng lớn, giải quyết được các bài toán khó khăn trong thực tế. Đồng thời, chứng minh được năng lực của đội ngũ khát khao hiện thực hóa sản phẩm thì sẽ thu hút được các nhà đầu tư. ể tránh phát sinh tranh chấp giữa startup và nhà đầu tư sau này thì việc đầu tiên trước khi hợp tác hai bên cần phân rõ nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến sản phẩm, hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ sở hữu và tầm nhìn của starup và chủ đầu tư cần đồng thuận.
- Để có thể hạn chế những rủi ro pháp lý phát sinh trong quá trình khởi nghiệp, anh Huy có thể cho biết một số giải pháp mà các bạn trẻ có thể tham khảo thực hiện? (Nguyễn Trung Nam - Cafe Law)
Ông Hồ Quang Huy: Theo tôi để có thể hạn chế những rủi ro pháp lý phát sinh trong quá trình khởi nghiệp, các bạn trẻ cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, các bạn trẻ cần chủ động trang bị, tìm hiểu kiến thức pháp lý cần thiết, cơ bản liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực mà mình dự kiến khởi nghiệp. Theo tôi, môi trường mạng hiện nay và những kênh thông tin hiện có sẽ giúp các bạn trẻ tìm hiểu các kiến thức nêu trên một cách dễ dàng.
Thứ hai, các bạn cần đúc rút được cho mình kinh nghiệm từ thành công và cả thất bại của những người đã khởi nghiệp trước, để từ đó giảm thiểu những rủi ro pháp lý có thể phát sinh.
Thứ ba, các bạn cần mạnh dạn tiếp cận với sự tư vấn, hỗ trợ chính thống của các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể trong đó có Đoàn thanh niên.
- XIn hỏi nhà doanh nghiệp trẻ, Yếu tố quan trọng nhất giúp Startup thành công là gì? (Nguyễn Tùng Anh - Cầu Giấy - Hà Nội)
- Ông Vũ Quốc Tuấn:Khó khăn lớn nhất trong quá trình thành lập startup là vấn đề về nguồn vốn. Với nguồn lực ban đầu eo hẹp và hạn chế và rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết đều phải sử dụng vấn đề về vốn thì việc sử dụng và cân đối tài chính cực kì quan trọng. Việc tồn tại và phát triển của DN quyết định bởi tiềm lực tài chính, giá trị sản phẩm và năng lực đội ngũ đồng hành.
- Tôi là Minh Toàn hiện đang sống và làm việc tại Đồng Tháp. Tôi đang làm việc tại một công ty có quy mô nhỏ. Tôi nghe nói về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Tôi có thắc mắc muốn hỏi Nhà đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo bao gồm những ai? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào?
- Bà Đoàn Thu Nga: Theo Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và Nghị định 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nguồn nhân lực, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ được miễn học phí tham gia khóa đào tạo.
Đối tượng được hỗ trợ khi khởi nghiệp theo Thông tư liên tịch 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được hỗ trợ đào tạo trong phạm vi như sau:
Đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức có nguyện vọng thành lập doanh nghiệp, DNNVV (chiếm tối đa 30% tổng số khóa đào tạo).
Đào tạo quản trị doanh nghiệp cho các chủ doanh nghiệp và cán bộ quản lý DNNVV.
Đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu cho chủ doanh nghiệp và cán bộ quản lý DNNVV trong một số lĩnh vực, địa bàn theo định hướng ưu tiên phát triển của Nhà nước.
- Hiện tôi và 03 người bạn của tôi đang có ý định góp vốn mở một doanh nghiệp và cân nhắc giữa hai loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên (Công ty TNHH2) và Công ty cổ phần (CTCP). Đề nghị Luật sư tư vấn: chúng tôi nên chọn loại hình công ty nào là tối ưu nhất? (bạn Minh Anh – Hà Nam)
- Bà Đoàn Thu Nga: Tùy thuộc nhu cầu hoạt động và kinh doanh mà bạn chọn mô hình phù hợp.
Công ty TNHH: Cơ cấu tổ chức đơn giản. Số lượng thành viên tối thiểu là 2 thành viên và không vượt quá 50 thành viên..Công ty TNHH không có quyền phát hành cổ phiếu, chỉ có thể huy động vốn bằng cách tăng số vốn góp của các thành viên hoặc thêm thành viên góp vốn mới; Thành viên chuyển nhượng vốn buộc phải chào bán cho thành viên còn lại trước khi chào bán ra bên ngoài;
Công ty CP: Về số lượng cá nhân, tổ chức góp vốn: Cổ đông có thể là cá nhân, tổ chức; số lượng cổ đông tối thiểu là 3 người, không hạn chế số lượng tối đa. Cơ cấu tổ chức phức tạp, đa dạng gồm: ĐHĐCĐ; HĐQT, Ban Giám đốc, Ban kiểm soát (có thể có mô hình không có BKS nhưng phải có thành viên HĐQT độc lập). Huy động vốn đa dạng (phát hành cổ phần, có cổ phần ưu đãi, phát hành trái phiếu). Cổ phần của sáng lập viên bị hạn chế chuyển nhượng trong 03 năm (phải có sự phê duyệt của ĐHĐCĐ).
Luật sư cho tôi hỏi: Tôi muốn kinh doanh đồ điện gia dụng vốn đầu tư khoảng 120 triệu trên đất của gia đình. Vậy để tiến hành kinh doanh tôi phải thực hiện những công việc gì? Hay quy trình để được kinh doanh như thế nào? Luật nào điều chỉnh ạ? ( Minh Trí – Hà Nội)
- Bà Đoàn Thu Nga: Trước hết, cần thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Sau đó, thực hiện những thủ tục sau thành lập công ty như: Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, thông báo tài khoản ngân hàng với Sở kế hoạch và đầu tư; Đăng ký chữ ký số; Nộp tờ khai thuế môn bài và nộp thuế môn bài; Làm biển Công ty; Thông báo áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng; Đề nghị đặt in hóa đơn và đặt in hóa đơn…
Đối với hàng hóa kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn lưu hành sản phẩm hàng hóa; đảm bảo nguồn gốc rõ ràng.
- Ở nhiều quốc gia, khởi nghiệp không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp. Nhưng ở nước ta, muốn hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh thường phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Nếu không xác định được đúng mô hình kinh doanh phù hợp sẽ ảnh hưởng đến việc được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, điều kiện kinh doanh, giấy phép hoặc các vấn đề thuế. Theo bà, trước khi khởi nghiệp cần lưu ý những vấn đề pháp lý gì? (Tạ Thanh Xuân - Hải Phòng)
- Bà Đoàn Thu Nga: Hiện nay, đối tượng điều chỉnh của các văn bản về luật Doanh nghiệp hay các văn bản hướng dẫn thi hành về hoạt động kinh doanh bắt buộc phải là các đối tượng đã thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành. Và có 4 mối quan hệ quan trọng mà bất cứ ai, không chỉ là khởi nghiệp hay doanh nghiệp nào cũng cần quan tâm là: (1) mối quan hệ nội tại giữa chính các sáng lập viên với nhau; (2) mối quan hệ với cơ quan nhà nước tuỳ thuộc vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh của mình; (3) mối quan hệ nội bộ - đó chính là mối quan hệ với người lao động trong doanh nghiệp và (4) mối quan hệ với các đối tác/nhà cung cấp/hay khách hàng.
Đây là những nội dung quan trọng mà các bạn sẽ cần cân nhắc trong quá trình chuẩn bị kế hoạch kinh doanh cho mình.
Dưới góc độ pháp lý, các luật sư chúng tôi lưu ý với các bạn trước khi khởi nghiệp, một số nội dung quan trọng như: (i) Thứ nhất là: Lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp (có thành lập hay không thành lập doanh nghiệp (ví dụ: freelancer trong lĩnh vực IT Sorfware; môi giới Bất động sản; Luật sư hành nghề cá nhân…); (ii) Thứ hai là: ngành nghề kinh doanh và điều kiện kinh doanh: (Về góc độ kinh doanh): start- up thông thường thích nghiên cứu triển khai lĩnh vực kinh doanh mình đang có; do đó, các bạn hãy tập trung làm rõ lợi ích của sản phẩm dịch vụ là thế mạnh của mình và là thứ mà khách hàng cần và sẵn sàng đón nhận. Về góc độ pháp lý: các bạn cần tìm hiểu và liệt kê đầy đủ các điều kiện kinh doanh trước/trong và sau đối với lĩnh vực kinh doanh mà các bạn muốn triển khai. Bởi lẽ nó sẽ ảnh hưởng tới số tiền (vốn) các bạn cần chuẩn bị/hay huy động hay thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp/sản phẩm/dịch vụ…; (iii) Thứ ba là Tài chính/tiền bạc hay còn gọi là vốn đầu tư: Về góc độ kinh doanh thì các bạn đã tính giá vốn cho sản phẩm dịch vụ của mình chưa? Nên bán với giá nào để đạt điểm hoà vốn cho doanh nghiệp? là người kinh doanh, bạn đã biết cần bao nhiêu tiền hay bao lâu thì các bạn đạt điểm hoà vốn của sản phẩm/dịch vụ của mình? Và cân nhắc luôn cả phương án lợi nhuận phù hợp; Thông thường thì khó khăn nhất là vốn đối với doanh nghiệp start-up; tuy nhiên, với các dự án có ý tưởng sáng tạo thì vốn không phải là vấn đề quan trọng mà thậm chí là không biết định giá giá trị ý tưởng của mình để kêu gọi đầu tư…; Về góc độ pháp lý: các bạn cần ngồi lại với nhau ngay từ đầu để đánh giá phù hợp và cần “số hoá” ý tưởng kinh doanh ra số tiền có thể chấp nhận được hoặc là số hoá số tiền cần có cho vận hành kinh doanh; như vậy, mới đi với nhau lâu dài được. Và thậm chí còn phải thoả thuận bằng văn bản tất cả các số liệu này hay ấn định giá trị nào có thể bán được khi có cơ hội hay sẽ tiếp tục tự phát triển dự án; (iv) Thứ tư là: Đội nhóm/nhân sự/đối tác cùng kinh doanh: Đứng ở góc độ là Luật sư doanh nghiệp và là Nhà huấn luyện của hệ thống ActionCOACH Việt Nam ( ActionCOACH SOTA), chúng tôi khuyên bạn hãy lựa chọn những người cùng chí hướng, cùng tệp giá trị với mình để xây dựng doanh nghiệp bền vững, thay vì cân nhắc đội nhóm chỉ bởi tài năng/hay kỹ năng/tiền bạc… của họ; Nên nhớ, ngay cả khi đã cùng chí hướng, cùng tệp giá trị thì các bạn cũng vân cần “văn bản hoá” tất cả các cuộc họp và các thoả thuận của các bạn ngay từ những ngày đầu nhé.
Vì vậy, trước khi khởi nghiệp startup cần xác định rõ được mô hình hoạt động, điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực hoạt động để thực hiện việc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tránh bị xử phạt hành chính.
- Hiện tại tôi đang thực hiện những bước đầu tiên là khảo sát thị trường. Đối với lĩnh vực cà phê thì nắm bắt nhu cầu thị trường là điều tất yếu phải thực hiện ban đầu. Vậy tôi có thể đến các quán cà phê, các công ty, văn phòng và dùng phiếu Khảo sát thị trường do chính tôi in được không? Có cần phải có 1 cơ quan nào đại diện mới được đi khảo sát thị trường hay không?
- Bà Đoàn Thu Nga: Bạn có thể tự tiến hành việc nghiên cứu thị trường hoặc thuê đơn vị khảo sát thị trường, đánh giá nhu cầu thị trường phù hợp với chiến lược kinh doanh của bạn trước khi quyết định kinh doanh.
- Thời đại công nghệ không ngừng phát triển với diện mạo mới để thanh niên dễ dàng tiếp cận, phát triển sự sáng tạo theo cách khác nhau qua các trang mạng xã hội facebook, instagram, zalo..., nhưng chưa có sự bảo vệ an toàn pháp lý nào cho người sở hữu trước sự cố về an ninh mạng. Vậy Trước rủi ro đó thì chúng ta cần phải làm những gì, thưa tiến sỹ Huy?. (Minh Quang - Bắc Giang)
Tiến sỹ Hồ Quang Huy: Theo quan điểm của rất nhiều chuyên gia, công nghệ càng phát triển, đi kèm với đó là rủi ro an ninh mạng gia tăng. Các vấn đề an ninh mạng theo xu hướng toàn cầu đang trở thành mối quan tâm của các cơ quan nhà nước, các chủ thể kinh doanh.
Trong bối cảnh như vậy, trước tiên chúng ta cần thực hiện việc đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm trí tuệ. Bên cạnh đó, cần phải tìm hiểu về các rủi ro an ninh mạng có liên quan đến doanh nghiệp của mình và nên xác định việc phòng ngừa, phát hiện các rủi ro là một yếu tố của quá trình kiểm soát, quản trị doanh nghiệp. Cần bảo đảm phần mềm và hệ thống điều hành được cập nhật thường xuyên với giải pháp chống mã độc mạnh mẽ, uy tín để bảo đảm có thể phòng chống các cuộc tấn công mạng.
Điều này có nghĩa, bản thân các bạn trẻ phải nâng cao nhận thức, kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn trên mạng, từ đó có thể tự bảo vệ mình trước sự cố về an ninh mạng.
- Luật sư Nga cho tôi hỏi: Tôi có thể đặt mẫu đóng gói sản phẩm từ các công ty đóng gói bao bì, thiết kế logo riêng, slogan riêng mà không cần đăng kí thương hiệu được không? (Trịnh Quang Hưng - Cần Thơ)
- Bà Đoàn Thu Nga: Doanh nghiệp nên tiến hành thủ tục đăng ký quyền Sở hữu trí tuệ đối với logo và bao bì sản phẩm để được pháp luật công nhận và bảo hộ về mặt pháp lý, có cơ sở pháp lý để được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi có bên thứ ba xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ.
- Tôi có thể huy động vốn đầu tư bằng cách nào là đúng và hợp lý với trình tự cũng như phù hợp với vị trí khởi nghiệp của mình. (Quang Anh – Lào Cai)
- Bà Đoàn Thu Nga: Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, có thể huy động vốn dưới hình thức như: vốn vay (vay các cá nhân, tổ chức tín dụng….) và huy động vốn từ các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư….qua các hình thức hợp đồng góp vốn, hợp tác kinh doanh. Cũng có thể phát hành cổ phiếu, trái phiếu huy động vốn (nếu thành lập công ty cổ phần).
- Quê tôi đang có phong trào bán hàng đa cấp. Tôi thấy mọi người chỉ cần góp vốn, rồi lãi tự về tài khoản. Tôi có nên tham gia không, luật sư cho tôi ý kiến. (Nguyễn Văn Hà - Thạch Thất - Hà Nội)
- Bà Đoàn Thu Nga: Hiện nay, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được điều chỉnh bởi Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, “Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới”. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều mô hình đa cấp biến tướng, bạn cần tìm hiểu kỹ các thông tin và các quy định pháp luật trước khi tham gia để tránh các thiệt hại về kinh tế.
- Giới trẻ rất đam mê khởi nghiệp. Song trên thực tế, có những SV vay mượn tiền của bố mẹ, bạn bè để khởi nghiệp và đã thất bại. Đây là một cú sốc rất lớn với người trẻ, vậy có nên khởi nghiệp với tinh thần không có gì để mất hay cần cân nhắc, chưa nên khởi nghiệp sớm để giữ cho bản thân sự an toàn? (Minh Nguyễn - Thái Bình)
- Bà Đoàn Thu Nga: Theo thống kê thì không chỉ ở VN, mà ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, tỷ lệ thất bại trong khởi nghiệp luôn ở mức cao. Tuy nhiên, điều đó không cản trở tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ. Theo tôi, thanh niên cần khởi nghiệp với tinh thần, quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất. Sau mỗi thất bại phải rút ra được những bài học quan trọng, đồng thời cần có sự chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tạo tiền đề cho khởi nghiệp thành công, cũng như bằng nhiều cách có thể lường trước, giảm thiểu những khó khăn, thách thức có thể phát sinh khi khởi nghiệp (ví dụ: Trang bị những kiến thức cơ bản về pháp lý; về quản trị; những kỹ năng nghề nghiệp, lĩnh vực dự định kinh doanh).