Tháng 8 lịch sử: Tuổi trẻ Bộ Tư pháp về với vùng đất cách mạng Cao Bằng

20/08/2018
Tháng 8 lịch sử: Tuổi trẻ Bộ Tư pháp về với vùng đất cách mạng Cao Bằng
Trong không khí kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và Ngày truyền thống của Ngành Tư pháp Việt Nam, được sự đồng ý của Đảng ủy Bộ Tư pháp, ngày 18 và 19/8/2018 Đoàn Thanh niên Bộ đã phối hợp với Học viện Tư pháp, Tỉnh đoàn Cao Bằng và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cao Bằng tổ chức Chương trình “Tuổi trẻ Bộ Tư pháp về với vùng đất cách mạng Cao Bằng”. Đoàn do đồng chí Hồ Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ làm Trưởng đoàn, cùng đại diện Cơ sở đoàn Học viện Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã tổ chức Hội nghị chuyên môn và các hoạt động thăm, dâng hương, tặng quà, tri ân tại vùng đất cách mạng Cao Bằng.
Với mục đích gắn kết công tác Đoàn với nhiệm vụ chuyên môn, nghiên cứu khoa học, trong khuôn khổ hỗ trợ của Chương trình 585, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã phối hợp với Học viện Tư pháp, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, Thường trực tỉnh đoàn Cao Bằng và Công ty luật Việt Kim tổ chức Hội nghị đối thoạiCác phương thức giải quyết tranh chấp và kỹ năng kiểm soát rủi ro trong hoạt động doanh nghiệp” vào thứ 7 ngày 18/8/2018 tại Thành phố Cao Bằng. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Triệu Văn Thực - Phó Bí thư tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên tỉnh Cao Bằng, Đoàn Thị Hạ - Phó Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh, Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh - Giám đốc Công ty luật Việt Kim, đại diện Lãnh đạo một số sở, ban, ngành, hiệp hội doanh nghiệp trẻ, đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và một số chuyên gia pháp luật, quản trị doanh nghiệp. Hội nghị đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và thống nhất một số vấn đề về thực trạng pháp luật và áp dụng pháp luật về các phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh - thương mại như: Những quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp; Kỹ năng giải quyết tranh chấp tại tòa án, trọng tài, hòa giải; thực tiễn hòa giải trong công tác thi hành án dân sự; cơ chế và kỹ năng kiểm soát rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp… Với tinh thần cởi mở, các chuyên gia, đại diện cơ quan, đơn vị đã chia sẻ về cách thức, kỹ năng hạn chế rủi ro trong doanh nghiệp và đối thoại với đại diện doanh nghiệp trẻ của tỉnh Cao Bằng nhằm góp phần giải quyết vướng mắc trong việc thực thi các quy định pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp.
Tiếp đó, phát huy tinh thần “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, Tỉnh đoàn Cao Bằng, Đoàn khối các cơ quan tỉnh Cao Bằng, Chi đoàn Cục Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức hoạt động thiện nguyện và thăm, dâng hương tại một số điểm di tích lịch sử của tỉnh Cao Bằng.
Điểm đầu tiên Đoàn đến thăm, tặng quà, tri ân là tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc, đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt đợt lũ lụt kéo dài từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2018 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trong xã, khiến nhiều hộ gia đình bị nước lũ cuốn trôi tài sản, nhà cửa, hoa màu. Được sự hỗ trợ của Uỷ ban nhân dân xã Trường Hà, Đoàn công tác đã thăm hỏi, động viên tinh thần và tặng quà cho 15 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã. Đây là tình cảm, nguồn động viên tinh thần của Tuổi trẻ Bộ Tư pháp, Công ty luật Việt Kim , Đoàn cơ sở Học viện Tư pháp, Chi đoàn Vụ phổ biến giáo dục pháp luật dành tặng bà con nhân dân nơi đây. Cũng nhân dịp này, Đoàn khối các cơ quan tỉnh Cao Bằng đã tặng 350 cuốn vở cho các cháu thiếu nhi là con em của hộ gia đình khó khăn, nhưng có thành tích học tập tốt tại xã Trường Hà, tỉnh Cao Bằng.
Tiếp đó, Đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pác Bó tọa lạc trên ngọn núi “linh thiêng”, (tiếng địa phương có tên gọi là Tếnh Chấy), thuộc khu vực trung tâm Khu di tích Pác Bó. Đền thờ là hình ảnh cách điệu ngôi nhà sàn của người dân tộc ở Cao Bằng, giản dị, trang nghiêm, có tính biểu tượng cao và gây ấn tượng sâu sắc. Đền quay hướng Nam, phía Bắc tựa lưng vào núi tạo thế vững chãi cho công trình. Dưới chân núi là dòng suối Lênin trong xanh bắt nguồn từ đầu nguồn Cốc Bó ôm lấy núi Tếnh Chấy. Từ sân trung tâm lên tới Đền sẽ đi qua 169 bậc đá, 100 bậc đầu tiên là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1990), còn 69 bậc tiếp theo là năm 1969 - Năm mà Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta đã đi xa, năm ghi dấu tình cảm tiếc thương của toàn thể dân tộc ta với Bác. Toàn bộ khuôn viên được thiết kế, bố trí trồng các loại cây gắn với những kỷ niệm sâu sắc về cuộc đời, quê hương của Người, về thành quả cách mạng to lớn của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết cấu, ý tưởng thiết kế của công trình và những hình khối như: đồ thờ, gạch, đá, khoảng cách kết cấu, bậc thang… đều gắn với con số 9. Số 9 theo quan niệm của người phương Đông là trường tồn, vĩnh cửu. Suốt cuộc đời Người luôn mong muốn dân tộc Việt Nam mãi trường tồn và phát triển, sánh vai với cường quốc năm châu. Phía trên của Đền là biểu tượng lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh - Ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam. Tại vị trí trang trọng nổi bật là bức hoành phi “Hồng nhật cao minh” (ví Chủ tịch Hồ Chí Minh như ánh mặt trời đỏ chiếu sáng, soi đường cho cách mạng Việt Nam) và đôi câu đối “Lãnh tụ trở về, nhật nguyệt bừng lên trời Pác Bó/ Anh hùng tụ lại, tinh hoa rực sáng đất Cao Bằng” do Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu phụng thảo. Bức hoành phi và đôi câu đối được viết bằng chữ Việt chân phương, toát lên đức tính giản dị, khiêm nhường của Bác. Bốn bức tường là bốn bức phù điêu lớn, thể hiện các sự kiện lịch sử trọng đại và các địa danh gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nổi bật là bức phù điêu hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22/12/1944 dưới sự chỉ đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; bức phù điêu hình ảnh lán Nà Lưa, cây đa Tân Trào thuộc huyện Sơn Dương, Tuyên Quang... Tượng Bác Hồ được đúc bằng hợp kim đồng, có kích thước cao 1,8m, nặng 1,26 tấn, an tọa tại linh thờ Trung tâm của Đền, tựa lưng vào núi rừng Pác Bó - Nơi có dòng suối Lênin trong xanh, hiền hòa và ngọn núi Các Mác hùng vĩ. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều giá trị tâm linh, giá trị về giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc ta, là nơi dâng hương về Nguồn, báo công với Bác… Trong không khí xúc động, các thành viên trong Đoàn nguyện hứa sẽ luôn nỗ lực học tập và làm theo đạo đức, tư tưởng, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp theo đúng tâm nguyện của Người.
 

Điểm di tích lịch sử tiếp theo mà Đoàn đến thăm, dâng hương, dâng hoa là Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Kim Đồng, nằm dưới chân núi Tèo Lài, thuộc làng Nà Mạ, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Kim Đồng (tên thật là Nông Văn Dền), sinh năm 1929. Ngày 15/5/1941 tại làng Nà Mạ, đồng chí Đức Thanh là cán bộ Cách mạng được Bác Hồ giao thành lập Đội nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ngày nay) do Kim Đồng làm Đội trưởng. Tháng 8/1942, Kim Đồng vinh dự được gặp Bác Hồ tại hang Nộc Én ở trên núi sau làng Nà Mạ. Bác khen ngợi đội trưởng Kim Đồng mưu trí, nhanh nhẹn, dũng cảm. Bác khuyên Kim Đồng cùng các đội viên hãy giúp đỡ, tích cực bảo vệ cách mạng, vừa hoạt động, vừa học văn hoá, chính trị để sau này nước nhà giành được độc lập thì góp phần xây dựng đất nước. Khoảng 5 giờ sáng ngày 15/2/1943, trong lúc đang làm nhiệm vụ canh gác cuộc họp của Ban Việt Minh, phát hiện giặc lùng sục đến gần, Kim Đồng đã nhanh trí đánh lạc hướng để bảo vệ cán bộ cách mạng. Địch nổ súng, Kim Đồng bị trúng đạn và đã hy sinh khi vừa tròn 14 tuổi. Kim Đồng đã được Đảng và Nhà nước phong tặng anh hùng liệt sỹ năm 1997. Khu di tích Kim Đồng được xây dựng ngay trên quê hương anh gồm có mộ anh Kim Đồng ở chính giữa, bên trái là mộ của mẹ anh Kim Đồng - bà Lân Thị Lò (1890 - 1972) là Mẹ Việt Nam anh hùng. Phía sau là tượng đài anh Kim Đồng với bộ quần áo nùng và tay nâng cao con chim bồ câu đưa thư. Trước tượng đài có 14 bậc đá và 14 cây lát vươn cao xanh ngắt thể hiện ý nghĩa 14 mùa xuân của anh Kim Đồng.
Kết thúc cuộc hành trình, nhận thức rõ ý nghĩa và những giá trị lịch sử đấu tranh cách mạng, Tuổi trẻ Bộ Tư pháp với hoài bão, khát vọng của mình, nguyện cố gắng học tập, rèn luyện, không ngừng tu dưỡng đạo đức, lối sống để viết tiếp truyền thống vẻ vang của Bộ, Ngành Tư pháp hôm nay và mai sau./.

Đoàn Thanh niên Bộ TP