Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (08/9/1962), Bác đã nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Bác Hồ - Người sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là bậc Thầy của báo chí cách mạng. Người đã sáng lập ra Báo Thanh niên – cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội – Tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam, số ra đầu tiên vào ngày 21/6/1925. Báo Thanh niên có vai trò và ý nghĩa lịch sử to lớn đối với cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã quyết định lấy ngày 21.6 hằng năm làm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Năm 1925 nước ta có tờ báo đầu tiên đó là Báo Thanh niên, số ra đầu tiên ngày 21/6/1925 đã nêu lên tuyên ngôn 6 điểm của báo chí cách mạng đó là: Vạch rõ mâu thuẫn dân tộc nô lệ với chủ nghĩa đế quốc thực dân; Khẳng định con đường cách mạng của Việt Nam là Độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp cần lao; Lực lượng cách mạng là toàn dân; Người cách mạng phải hy sinh vì nghĩa cả; Cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo và Tổ chức quần chúng cách mạng; Cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng Tháng Mười Nga. Số ra thứ 2 sau đó 3 ngày - ngày 28/6/1925 với chủ đề tràn trề khát vọng độc lập, tự do với cụm từ: “Phá lồng”, nghĩa là cách mạng phải dùng bạo lực để lật đổ đế quốc, phong kiến.
Báo chí là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là một vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước
Về bản chất và vai trò của báo chí cách mạng, Bác khẳng định báo chí là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, nó như là một vũ khí sắc bén của Đảng, nhà nước để góp phần “Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, đồng thời “Báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền cổ động cho Chủ nghĩa Mác Lê-Nin và mang chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với nhân dân”.
Không phải năm 1925 khi nước ta có tờ báo Thanh niên, chúng ta mới được biết đến các bài viết của Bác. Bài báo đầu tiên Người viết năm 1919 là bài “
Vấn đề dân bản xứ” đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp. Bài báo vạch trần âm mưu xuyên tạc sự thật của báo chí thực dân, dã tâm đen tối của bè lũ thực dân Pháp đang cai trị quê hương xứ sở và nhiều nước khác trên thế giới. Tuy là bài báo trả lời sự “công kích của bọn bồi bút thực dân”, nhưng nội dung toát lên tư tưởng: “Phải làm một cuộc cách mạng triệt để, để giành độc lập cho Tổ quốc Việt Nam” .
Chính vì vị trí, vai trò quan trọng của báo chí, Bác không chỉ sáng lập ra Báo Thanh niên, mà trước đó, Người còn sáng lập ra các tờ báo như: Người cùng khổ (Le Paria năm 1922), Quốc tế Nông dân (1924), Công Nông (1925), Lính Kách mệnh (1925), sau đó là tờ Thân Ái (1928), Tạp chí Đỏ (1930), Việt Nam Độc lập (1941), Cứu quốc (1942).
Không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quyền lợi của nhân dân và sự phát triển của lịch sử dân tộc
Báo chí là một mặt trận, tờ báo là vũ sắc bén, người viết báo là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Bác luôn đề cao tính tiên phong và tính chiến đấu của báo chí. Theo Bác, bản thân người làm báo phải có tính chiến đấu mới làm báo tốt được và báo chí phải đi tiên phong đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quyền lợi của Nhân dân và sự phát triển của lịch sử dân tộc. Bác nhắc nhở các cơ quan báo chí: “bên cạnh việc đấu tranh chống cái xấu phải cổ vũ nhân tố mới, nêu gương người tốt, việc tốt, lấy gương người tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng cuộc sống mới, con người mới”.
Để làm tốt nhiệm vụ của mình Bác yêu cầu các cơ quan báo chí, người làm báo phải gần gũi quần chúng hơn nữa, cách làm việc của báo chí phải cải thiện hơn nữa, tích cực xây dựng lối sống mới, biểu dương người tốt, việc tốt, thúc đẩy nâng cao tinh thần nhân dân… Báo chí cách mạng là phải quan tâm bảo vệ Đảng, đường lối của Đảng, vững vàng lập trường, quan tâm sửa chữa sai lầm của mình, quan tâm chống tiêu cực và quan tâm chống kẻ thù…
Báo chí đã và đang góp phần rất lớn vào việc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; đấu tranh chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí..., bên cạnh đó là góp phần lan tỏa những tấm gương đạo đức, các việc làm tốt trong xã hội, hướng con người đến lối sống tốt đẹp, đến chân – thiện – mỹ. Sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của báo chí cũng đã góp phần giúp các cơ quan quản lý thực hiện hơn nhiệm vụ chính trị của mình.
Định hướng dư luận đúng đắn, lành mạnh và nâng cao tinh thần đấu tranh của Nhân dân
Bác xác định báo chí cách mạng là tiếng nói của Đảng và là diễn đàn của Nhân dân. Báo chí phản ánh những ý kiến xây dựng của Nhân dân, nói lên tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân đối với công cuộc xây dựng đất nước. Đồng thời báo chí cũng quyết liệt chống tham nhũng, chống lại tội ác và các tệ nạn xã hội, chống lại những biểu hiện tha hoá sa sút về phẩm chất, đạo đức và lối sống. Vì vậy, báo chí phải giữ vững vai trò “
lãnh đạo dư luận”, nghĩa là phải định hướng dư luận đúng đắn, lành mạnh, phải nâng cao tinh thần đấu tranh của Nhân dân. Mỗi tờ báo phải thể hiện ý chí nguyện vọng và sức mạnh của tập thể, của cộng đồng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, xây dựng xã hội mới văn minh tiến bộ.
Ngày nay sự giao thoa giữa các luồng văn hóa đông – tây, tích cực – tiêu cực và sự tác động đa chiều của hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi những người làm báo phải thực sự giàu tri thức, vững vàng về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Do đó, chưa điều tra, nghiên cứu, chưa có căn cứ rõ ràng thì không phát ngôn, không viết, không đăng tải, bởi nếu không đúng vấn đề sẽ tạo nên sự ảnh hưởng tiêu cực tới đại bộ phận Nhân dân. Bác đã dạy: “Không biết rõ, hiểu rõ chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết chớ nói chớ viết càn”.
Để định hướng dư luận đúng đắn, người làm báo phải có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, vì chính trị đúng thì mọi việc mới đúng. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là việc thông tin mạng lan truyền nhanh chóng, không giới hạn thì việc đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung quan trọng mà báo chí phải đấu tranh tích cực nhằm định hướng dư luận Nhân dân cho đúng đắn, giữ vững đường lối của Đảng, Nhà nước, nếu cây bút không đủ năng lực sẽ không thể định hướng dư luận được cho Nhân dân.
Bác khuyên “Muốn trở thành nhà báo giỏi phải học tập và rèn luyện không ngừng”. Bác căn dặn cán bộ báo chí “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.
Mặc dù Bác đã đi xa, nhưng những lời căn dặn của Bác đối với nền báo chí nước nhà vẫn còn tính thời sự và là kim chỉ nam cho các cán bộ làm báo.
(Ảnh sưu tầm)
Tham khảo: Chuyên đề Bác Hồ với Báo chí Cách mạng Việt Nam của Nguyễn Cảnh Phượng