Công đoàn Bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại Côn Sơn – Kiếp Bạc

19/03/2018
Công đoàn Bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại Côn Sơn – Kiếp Bạc
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2018 của Công đoàn Bộ Tư pháp, được sự đồng ý của Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ, vừa qua, Ban Thường vụ Công đoàn Bộ đã phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương tổ chức hoạt động về nguồn, sinh hoạt chuyên đề giáo dục tại Khu Di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Đây là một trong số nhiều hoạt động đa dạng nhằm kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm 2018 của Bộ Tư pháp. Tham dự có đại diện Đảng ủy Bộ, lãnh đạo Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Tư pháp, Ban Chấp hành Công đoàn Bộ, lãnh đạo một số tổ chức đoàn thể, đại diện Ban Nữ công Công đoàn Viên chức Việt Nam, Ban Nữ công Đại học Luật Hà Nội, lãnh đạo nữ các đơn vị thuộc Bộ cùng nhiều công chức, viên chức, người lao động nữ Bộ Tư pháp .
Tại Khu Di tích lịch sử Côn Sơn – Kiếp Bạc với 2 điểm nhấn là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc, hướng dẫn viên đã giới thiệu rất chi tiết với đoàn về những di tích nơi đây như đền Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán, giếng Ngọc, Bàn cờ tiên… Không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh đẹp, Côn Sơn còn là miền đất địa linh nhân kiệt. Hơn 1.000 năm trước, Định Quốc Công Nguyễn Bặc, thủy tổ của dòng họ Nguyễn Trãi đã lập căn cứ ở Côn Sơn để đánh sứ quân Phạm Phòng Át, một trong 12 loạn sứ quân vào cuối thời nhà Ngô (thế kỷ thứ 10), giúp Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước.
Đến Thế kỷ 13, vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, ba vị lập ra thiền phái Trúc Lâm đã về Côn Sơn thuyết pháp, xây dựng chùa Côn Sơn thành chốn Tổ đình, một thiền viện lớn của triều Trần và giao cho Huyền Quang trụ trì. Trần Nguyên Đán - quan Đại tư đồ phụ chính, nhà thơ, nhà lịch pháp lớn thời Hậu Trần đã về Côn Sơn dựng Thanh Hư Động để nghỉ ngơi những năm tháng cuối đời. Lê Thánh Tông (1460 – 1497), vị minh quân và là Tao Đàn nguyên súy (thời Lê sơ), Thánh thơ Cao Bá Quát (1808-1855) (thời Nguyễn)... đều đã đến đây vãn cảnh, làm thơ, để lại cho đời những tác phẩm giá trị. Nguyễn Trãi (danh nhân văn hóa thế giới) cũng lui về Côn Sơn ở ẩn sau khi vua Lê Thái Tổ và bị bọn gian thần ghen ghét tài năng, đức độ của ông.
Trước khi đền Kiếp Bạc được xây dựng thì vào thế kỷ 13, địa điểm này là nơi đóng quân và là phủ đệ của Trần Hưng Ðạo, người anh hùng dân tộc, người chỉ huy quân sự tối cao trong cuộc kháng chiến 3 lần chống quân xâm lược Nguyên Mông. Ðầu thế kỷ 14, đền thờ Trần Hưng Đạo được dựng trên một khu đất ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc. Trong đền, ngoài thờ Trần Hưng Ðạo, còn có tượng thờ phu nhân, hai con gái, con rể Phạm Ngũ Lão và 4 bài vị thờ 4 con trai cùng 2 gia tướng là Yết Kiêu và Dã Tượng. Hàng năm, hội đền được tổ chức vào ngày mất của Trần Hưng Ðạo (ngày 20 tháng 8 âm lịch).
Qua thuyết minh của các hướng dẫn viên, các nữ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Tư pháp hiểu hơn về những anh hùng dân tộc, những con người có công với nước như Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Trãi, Thiền sư Huyền Quang… Từ đó, vun đắp thêm lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong mỗi nữ cán bộ, công chức, viên chức.
Thông qua hoạt động về nguồn đầy ý nghĩa lần này, đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp nguyện tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết và sáng tạo vượt qua những khó khăn, thách thức góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kế hoạch công tác của Bộ, ngành trong năm 2018 và các năm tiếp theo.
                H.Thư