Ngày 23/6/2017, tại Hà Nội diễn ra Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2017-2022. Nhìn lại nhiệm kỳ 2010 -2017 đã qua, công tác Đoàn Thanh niên Bộ đã đạt những kết quả gì, còn tồn tại ra sao và định hướng trong thời gian tới, Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn đồng chí Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
- Qua lãnh đạo, chỉ đạo công tác của Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp thời gian vừa qua, xin Đồng chí Bí thư Đảng ủy đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh niên Bộ ta nhiệm kỳ 2010-2017?
Qua theo dõi và lãnh đạo công tác của Đoàn Thanh niên Bộ ta nhiệm kỳ vừa qua tôi thấy, công tác Đoàn và phong trào thanh niên đã có khởi sắc, bám sát chỉ đạo của Đảng ủy Bộ và Đoàn Khối các cơ quan Trung ương. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lòng yêu ngành, yêu nghề cho đoàn viên được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức, chú trọng hoạt động “về nguồn”, giáo dục trực quan như: tổ chức Hội trại “Về nguồn” tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang chào mừng 70 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam; tổ chức Chương trình gặp mặt các cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ với chủ đề: “
Gặp gỡ những người truyền lửa” nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Công tác Đoàn đã gắn kết hơn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, Ngành Tư pháp, trong đó Đoàn Thanh niên Bộ đã tổ chức Diễn đàn lấy ý kiến đoàn viên, thanh niên về một số dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến thanh niên như: dự thảo Hiến pháp, dự thảo Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật tiếp cận thông tin…gắn với hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 hằng năm; tổ chức tập huấn kỹ năng về một số lĩnh vực công tác của Ngành Tư pháp như: xây dựng pháp luật, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, PBGDPL, thủ tục hành chính, nghiên cứu khoa học…Các hoạt động này đã thu hút được sự tham gia khá tích cực, hiệu quả của đoàn viên, thanh niên.
Phong trào thanh niên tình nguyện được triển khai phù hợp với đặc thù và nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan theo hướng tổ chức các Đoàn tình nguyện phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thăm và tặng quà gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn tại nhiều địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; tặng 04 nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh, gia đình chính sách khó khăn.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức với nhiều hình thức, mở rộng về quy mô thu hút đông đảo đoàn viên tham gia. Nhiệm kỳ vừa qua, Đoàn Thanh niên Bộ đã có sự phát triển về lượng và nâng cao về chất với
569 đoàn viên công tác trong cơ quan Bộ (đầu nhiệm kỳ có 320 đoàn viên); sinh hoạt tại 36 Chi đoàn, Đoàn cơ sở trực thuộc (so với nhiệm kỳ trước tăng 14 tổ chức đoàn); giới thiệu 182 đoàn viên ưu tú với Đảng ủy để kết nạp Đảng.
Với thành tích đã đạt được, tôi được biết trong nhiệm kỳ vừa qua, Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp đã nhận được nhiều hình thức khen thưởng: 02 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; 02 Giấy khen của Đảng ủy Bộ Tư pháp; 03 Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 04 Bằng khen của Đoàn Khối các cơ quan Trung ương.
Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ, Lãnh đạo Bộ ghi nhận những thành tích mà Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và thành tích chung của Bộ, Ngành Tư pháp.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác Đoàn và phong trào thanh niên Bộ ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của thanh niên, nhất là tham gia công việc mới, việc khó đòi hỏi tinh thần xung kích của tuổi trẻ. Một số hoạt động Đoàn vẫn còn tính hình thức, chưa thu hút đông đảo thanh niên, chưa đi vào chiều sâu và thực chất. Một bộ phận cán bộ Đoàn và đoàn viên chưa nhiệt tình, trách nhiệm tham gia hoạt động Đoàn. Việc thực hiện văn hóa công sở của một bộ phận đoàn viên còn chưa tốt. Chất lượng sinh hoạt Đoàn, đặc biệt là sinh hoạt Chi đoàn chuyển biến chậm; nhiều Chi đoàn chưa tổ chức sinh hoạt định kỳ; chưa thực sự tổ chức các hoạt động riêng mà còn trông chờ, ỷ lại vào các hoạt động do Đoàn Thanh niên Bộ tổ chức.
Tôi đề nghị Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Bộ nhiệm kỳ mới cần có các giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên.
- Xin Đồng chí cho biết những yêu cầu, định hướng của Đảng ủy Bộ đối với công tác Đoàn và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2017-2022 như thế nào?
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã xác định ba khâu đột phá chiến lược là: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (ii) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (iii) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Để thực hiện ba khâu đột phá chiến lược này thì yếu tố quyết định là con người. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này là “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh”. Bộ, Ngành Tư pháp chúng ta ngày càng được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng. Hiện nay, công chức, viên chức thanh niên Bộ Tư pháp có 569 đồng chí (chiếm 37% tổng số công chức, viên chức của Bộ), trong đó, nhiều đồng chí có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ thì đây là lực lượng quan trọng để thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, Ngành Tư pháp. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ 2017-2022, tôi đề nghị Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cần quan tâm triển khai thực hiện một số định hướng lớn sau đây:
Một là, tiếp tục quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên theo Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030 gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (khóa XII); giáo dục lòng yêu ngành, yêu nghề, thực hiện Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp bằng hình thức phù hợp, chú trọng giáo dục “về nguồn”. Mỗi đoàn viên, thanh niên cần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong từng công việc cụ thể, nhất là tinh thần tận tâm, tận sức phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Làm tốt công tác định hướng, kịp thời nắm bắt tư tưởng và giải quyết vướng mắc của đoàn viên, thanh niên.
Hai là, gắn kết hơn nữa công tác Đoàn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, Ngành Tư pháp. Đoàn Thanh niên Bộ cần bám sát phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp để cụ thể hóa thành các phong trào, nhiệm vụ, hoạt động thiết thực. Tham gia có chất lượng vào công tác xây dựng pháp luật thông qua việc tiếp tục tổ chức Diễn đàn lấy ý kiến đoàn viên về dự kiến chính sách quan trọng, liên quan đến thanh niên Ngành Tư pháp trong các dự án Luật; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng công tác, nghiên cứu khoa học pháp lý gắn với hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; tôn vinh, khen thưởng các gương mặt công chức, viên chức trẻ tiêu biểu.
Ba là, động viên, khích lệ đoàn viên xung kích đảm nhiệm những công việc khó của Bộ, quan tâm thực hiện hoạt động tình nguyện tại chỗ gắn với thực hiện các phong trào của Đoàn Thanh niên, văn hóa công sở, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc; đồng thời tiếp tục hoạt động tình nguyện vì cộng đồng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của cơ quan, đơn vị.
Bốn là, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao với nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao đời sống tinh thần, sự đoàn kết, vui tươi, gắn bó giữa các công chức, viên chức, thanh niên trong cơ quan Bộ và Ngành Tư pháp.
Năm là, chú trọng xây dựng Đoàn mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, giữ vai trò nòng cốt tổ chức và lãnh đạo phong trào thanh niên của Bộ; tạo nên một môi trường lành mạnh để thanh niên rèn đức, luyện tài, cống hiến và trưởng thành theo hướng “vừa hồng, vừa chuyên”. Bồi dưỡng, giáo dục, giới thiệu các đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ Đoàn cho các nhiệm kỳ tiếp theo bảo đảm có sự kế thừa và phát triển. Nâng cao chất lượng sinh hoạt và hoạt động của Chi đoàn, bảo đảm thiết thực, phù hợp với đặc thù cơ quan, đơn vị. Đồng thời, Đoàn Thanh niên Bộ cần quan tâm thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển thanh niên Bộ Tư pháp giai đoạn 2011-2020.
- Nhân dịp Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017-2022, đồng chí có điều gì nhắn nhủ với thế hệ trẻ Bộ Tư pháp?
Tôi chúc Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017-2022 sẽ thành công tốt đẹp. Hy vọng rằng, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Bộ nhiệm kỳ mới sẽ phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, khó khăn trong nhiệm kỳ vừa qua, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động; lãnh đạo công tác Đoàn có bước phát triển mới, thực chất, đáp ứng được sự mong đợi của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy; yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành Tư pháp và công tác Đoàn trong giai đoạn hiện nay.
Chúc các đoàn viên, thanh niên của Bộ ta phát huy tối đa lợi thế của thế hệ trẻ nỗ lực, chủ động học tập, tu dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp; làm việc trách nhiệm, năng động, sáng tạo để không lỗi nhịp với những bước phát triển mới của Bộ, Ngành Tư pháp và đất nước trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
-
Xin trân trọng cảm ơn Đồng chí!
Thu Hằng thực hiện