Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực cho các chức danh bổ trợ tư pháp trong việc xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp về môi trường”, sáng nay (04/9), tại Bộ Tư pháp đã diễn ra buổi Tọa đàm về môi trường với sự tham gia của các thành viên dự án, đại diện Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội, Tổng Cục Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội và các hòa giải viên, trợ giúp viên pháp lý, luật sư, giám định viên - đại diện cho các chức danh bổ trợ tư pháp hoạt động tiêu biểu trong lĩnh vực.
Thấu hiểu tầm quan trọng của môi trường
Xét trên góc độ nhận thức, Báo cáo “Tóm tắt kết quả khảo sát về thực trạng nhận thức và năng lực các chức danh tư pháp trong việc tham gia xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp về môi trường” cho thấy, hầu hết các giám định viên, luật sư, trợ giúp viên pháp lý và hòa giải viên đều có được một bề dày nhận thức khá tốt về tầm quan trọng của môi trường cũng như hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này.
Cụ thể, trong số 47,95% người giám định/chuyên gia về môi trường đã từng được yêu cầu giám định, thì chỉ có 2,1% số người từ chối thực hiện vì các lý do khách quan như thiếu các phương tiện cần thiết, không được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vụ việc giám định. Về phần mình, các hòa giải viên cũng đóng vai trò rất tích cực giúp giải quyết kịp thời các mẫu thuẫn, tranh chấp nhỏ về môi trường ngay từ khi mới xuất hiện. Đơn cử một vài con số, tỉnh Bình Dương trong 4 năm (từ 2005-2008) đã nhận hòa giải 812 vụ tranh chấp về môi trường, trong đó hòa giải thành 656 vụ, chiếm 80,78%; do chất thải chăn nuôi động vật, TP. Đà Nẵng đã nhận hòa giải 3566 vụ tranh chấp, trong đó có 2469 vụ hòa giải thành, đạt 69,23%; Vĩnh Phúc tổng số vụ nhận hoà giải các tranh chấp về môi trường là 3474 vụ, đã hòa giải thành 3190 vụ đạt 91,82...
Hay nói như ông Nguyễn Văn Khoa – Phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Hà Nội, “các hòa giải viên bằng hoạt động của mình không những đã giảm tải cho cơ quan chức năng trong việc phải xử lý vi phạm và giải quyết các tranh chấp về môi trường mà còn giúp dự đoán được các vấn đề liên quan đến môi trường vẫn còn tiềm ẩn thông qua các vi phạm bề nổi được phát hiện, để từ đó các cơ quan chức năng có hướng xử lý kịp thời”.
Hoàn thiện chính sách, tăng cường năng lực
Hiện nay, song hành với phát triển kinh tế - xã hội, các vi phạm về môi trường không chỉ tăng về số lượng mà còn đa dạng về hình thức. Nổi lên hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, đó là cơ chế, chính sách pháp luật về môi trường chưa hoàn chỉnh và tầm hiểu biết, kiến thức pháp lý của cán bộ, nhân dân về môi trường còn rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là nghèo nàn.
Nói về cơ chế, chính sách pháp luật về môi trường còn quá nhiều hạn chế so với yêu cầu thực tiễn đặt ra, ông Nguyễn Khái Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã dẫn chứng nhiều quy định của Luật Bảo vệ môi trường còn chung chung, rất khó áp dụng trên thực tế. Hơn nữa, các mức xử phạt vi phạm về môi trường theo quy định của Nghị định số 81/2006/NĐ-CP còn quá thấp so với chi phí phải đầu tư cho việc xử lý môi trường, các quy định của Bộ luật Hình sự cũng rất khó cho việc xử lý hình sự. Chia sẻ với ý kiến của ông Hưng, thay mặt cho Vụ Chính sách – Tổng Cục Môi trường, ông Hoàng Minh Sơn cho biết tuy rằng, Bộ luật Hình sự trong lần sửa đổi vừa rồi đã bổ sung thêm nhiều điều luật liên quan tới môi trường nhưng quá nửa trong số đó vẫn trên nguyên tắc của luật cũ nên khi vào thực tiễn rất khó áp dụng. Hơn nữa, để đáp ứng với công tác quản lý Nhà nước về môi trường và đòi hỏi thực tiễn thì hiện nay đang tồn tại tình trạng các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực này phải “sản xuất” văn bản với tốc độ và số lượng khá nhanh, không khác gì làm khoán.
Từ góc độ của mình, các giám định viên, luật sư, trợ giúp viên pháp lý và hòa giải viên cũng góp rất nhiều ý kiến về sự thiếu hụt của cơ chế, bất cập của pháp luật và sự thiếu kinh nghiệm của bản thân người thực hiện trong thực tiễn. Ông Nghiêm Bỉnh Thịnh – hòa giải viên Tổ hòa giải thôn Nhân Hòa xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội cho biết hiện nay các địa phương đang rất thiếu cơ chế chính sách cho công tác hòa giải để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn về môi trường vì thế không động viên được người tham gia. Một luật sư tham gia buổi Tọa đàm đến từ Công ty luật số 5, đã chỉ ra hiện nay các luật sư Việt Nam hầu như chưa có ai được đào tạo chuyên biệt cho lĩnh vực môi trường, hơn nữa cơ hội tham gia các vụ việc tranh chấp về môi trường, tiếp cận thông tin cũng rất hiếm hoi, hạn chế nên rất thiếu kinh nghiệm lý thuyết cũng như thực tiễn về lĩnh vực này...
Như vậy, từ thực tiễn trên có thể thấy, rõ ràng rằng việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực môi trường và tăng cường năng lực cho các chức danh bổ trợ tư pháp sao cho phù hợp với từng mảng đặc thù công việc, là một nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra. Không những thế, phát triển số lượng, chất lượng số lượng cán bộ ở cơ sở chuyên trách về môi trường cũng là vấn đề phải tính đến. Được biết, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã chính thức có đề xuất gửi tới Sở Nội vụ để tới đây mỗi xã, phường trên địa bàn sẽ có biên chế cho một cán bộ chuyên trách về môi trường.
Xuân Hoa