Chính thức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức về Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp

29/08/2009
Được sự đồng ý của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, ngày 28/8/2009, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã ký Công văn số 3074/BTP-PLDSKT gửi các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức đại diện doanh nghiệp và 7 địa phương được lựa chọn làm điểm (Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Tuyên Quang, Hà Nội) để chính thức lấy ý kiến góp ý về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp trước khi hoàn thiện để Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ giữa tháng 9/2009.

Theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp đã có văn bản đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu và đề xuất các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo (gồm đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch và đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) đã xây dựng dự thảo Chương trình và tổ chức các Toạ đàm, diễn đàn lấy ý kiến các doanh nghiệp đại diện và các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về dự thảo Chương trình.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc xây dựng Chương trình đã bám sát mục tiêu, yêu cầu của Nghị định số 66, đồng thời bảo đảm các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với yêu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay. Nội dung của dự thảo Chương trình gồm 5 phần, cụ thể như sau:

1. Phần I: Mục tiêu

Phần này quy định mục tiêu chung và 5 mục tiêu cụ thể của Chương trình nhằm nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; khắc phục cơ bản tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận với văn bản quy phạm pháp luật; đáp ứng cơ bản yêu cầu bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; hình thành mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và xây dựng mô hình điểm  về tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số địa phương, tỉnh được lựa chọn. Đồng thời, với đối tượng, nội dung của chương trình mang tính liên ngành, kết quả của Chương trình sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các Bộ, UBND cấp tỉnh tổ chức có hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi, lĩnh vực do mình quản lý theo quy định tại Nghị định số 66.

  2. Phần II: Nội dung của Chương trình

  Nội dung của Chương trình liên ngành được thiết kế bảo đảm bao quát được các hoạt động ưu tiên để thúc đẩy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay thông qua các hoạt động như: nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh và kỹ năng nghiệp vụ pháp chế; xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Để xác định rõ phạm vi, tránh sự trùng lặp với các Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các ngành, nội dung của Chương trình liên ngành được tập trung vào các vấn đề cơ bản của pháp luật kinh doanh, bao gồm: pháp luật về hợp đồng; sở hữu, thực hiện quyền sở hữu; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp và trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp; xử lý vi phạm pháp luật đối với doanh nghiệp; giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, phá sản, ...

Hoạt động của Chương trình được xác định cụ thể theo 04 dự án sau đây:

Dự án 1: Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Nội dung của dự án này nhằm hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương như các tổ chức pháp chế tại các Sở, ban, ngành thuộc UBND cấp tỉnh [1] và các đơn vị của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp để có đủ năng lực thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang triển khai ”Đề án củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới,phát triển đất nước” (ban hành kèm theo Quyết định số 270/QĐ-TTg  ngày 27/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ); Bộ Lao động - thương binh và xã hội đang triển khai ”Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 đến 2012” (ban hành kèm theo Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ), đây là các hoạt động có liên quan đến Dự án 1, tuy nhiên, đối tượng, phạm vi và nội dung các hoạt động của các đề án này không trùng lặp với Chương trình. Để tăng cường hiệu quả của các Đề án, sau khi Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp được phê duyệt, Ban Chỉ đạo sẽ phối hợp, tận dụng tối đa nguồn lực, lồng ghép các hoạt động của các Đề án với các nội dung của Chương trình để đảm bảo kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nhà nước.

Dự án 2: Thông tin pháp lý cho doanh nghiệp

Trên thực tế, hoạt động thông tin pháp luật cho doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Việc cập nhật, thông tin pháp luật một cách kịp thời có hệ thống sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nắm bắt và tuân thủ, thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần nâng cao ý thức pháp luật, thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của người quản lý doanh nghiệp.

Xuất phát từ nhu cầu nêu trên, Dự án về thông tin pháp luật cho doanh nghiệp gồm các hoạt động: xây dựng, vận hành Trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; biên soạn, in ấn tài liệu để phổ biến, cung cấp, cập nhật kiến thức về pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; xây dựng, phát sóng chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam và tổ chức các hội thảo, diễn đàn, toạ đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh nhằm trao đổi kinh nghiệm, khuyến cáo các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật.

Dự án 3: Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp

Theo tổng kết cho thấy, một bộ phận lớn người quản lý doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế về nhận thức và kiến thức về pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có hoạt động hỗ trợ cần thiết trong lĩnh vực này. Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2004-2008 và Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 đến 2012, tuy nhiên, các Chương trình và đề án trên chỉ nhằm mục đích đào tạo nguồn nhân lực nói chung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như phổ biến pháp luật, trong đó chủ yếu liên quan đến lĩnh vực pháp luật lao động, an toàn lao động... cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, mà chưa có các hoạt động hỗ trợ pháp lý một cách toàn diện, có hệ thống cho doanh nghiệp để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Từ thực thế đó, hoạt động bồi dưỡng của Chương trình nhằm mục đích cung cấp cho người quản lý doanh nghiệp những kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh, nâng cao nhận thức của người quản lý doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh từ đó giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro pháp lý trong kinh doanh. Bên cạnh đó, hoạt động bồi dưỡng cho đối tượng là cán bộ pháp chế doanh nghiệp sẽ giúp cán bộ pháp chế, người tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp có đủ năng lực tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp về các vấn đề có liên quan đến việc thực thi pháp luật trong doanh nghiệp.

Dự án 4. Thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn

Theo đánh giá của các cơ quan Nhà nước thì hiện nay, hoạt động dịch vụ tư vấn pháp luật về pháp luật kinh doanh còn nhiều bất cập, đặc biệt là ở các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tại các địa bàn này đa số các doanh nghiệp đều là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, có nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, vì vậy, các doanh nghiệp trên rất khó tiếp cận với dịch vụ tư vấn pháp luật. Theo thống kê của Bộ Tư pháp tính đến ngày 31/12/2008, trên cả nước có 5300 luật sư chủ yếu hành nghề tập trung ở các thành phố lớn như thành phố Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Trong khi đó, tại những địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn [2], luật sư có khả năng tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ. Chính vì vậy, việc hình thành mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn là rất cần thiết.

3. Phần III. Giải pháp thực hiện Chương trình

Để thực hiện có hiệu quả chương trình, dự thảo chương trình đề xuất thực hiện đồng bộ cả 3 nhóm giải pháp gồm: (1) giải pháp về chính sách; (2) giải pháp về cơ chế huy động nguồn lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; cơ chế tổ chức; cơ chế phân cấp và phối hợp; cơ chế giám sát, đánh giá và (3) các giải pháp về chuyên môn.

4. Phần IV. Tổ chức thực hiện Chương trình

   4.1. Phạm vi, thời gian

- Chương trình được triển khai trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2015 nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và có định hướng các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đến năm 2020 để tạo sự bền vững, phát huy kết quả của Chương trình, đảm bảo Chương trình có tác động lâu dài.

- Chương trình được triển khai trong phạm vi toàn quốc. Trong giai đoạn 2009-2012, tập trung triển khai điểm tại 7 địa phương được lựa chọn là: Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Tuyên Quang, Hà Nội. Việc lựa chọn các địa điểm này được căn cứ vào tiêu chí đại diện các vùng miền, khu vực như: khu vực kinh tế phát triển, khu vực nông thôn, miền núi, vùng kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn.        

Trên cơ sở đánh giá tổng kết hiệu quả hoạt động của Chương trình tại các địa phương nêu trên, trong giai đoạn tiếp theo (2013 - 2015) tổ chức triển khai hoạt động của Chương trình tại các địa phương khác.

 4.2. Tổ chức điều hành chương trình

Chương trình có tính chất liên ngành, được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, do đó cần thành lập Ban Điều hành Chương trình do Lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân 7 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Tuyên Quang, Hà Nội; Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp.

4.3. Phân công trách nhiệm

Để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của Chương trình sau khi được ban hành, dự thảo Chương trình quy định trách nhiệm cụ thể các của Bộ, ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và truyền thông, các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tư pháp được giao chịu trách nhiệm chung về tổ chức thực hiện Chương trình; ban hành quy chế quản lý, thực hiện chương trình; xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình; chỉ đạo triển khai Chương trình; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình.

   4.4. Tiến độ thực hiện chương trình

Chương trình được phân thành 2 giai đoạn: từ năm 2009 đến năm 2012 (giai đoạn 1) và từ năm 2013 đến năm 2015 (giai đoạn 2). Trong quý IV/2009, sau khi Chương trình được ban hành nghiên cứu xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các hoạt động của Chương trình và quy chế quản lý và chỉ đạo, triển khai Chương trình.

4.5. Kinh phí

Kinh phí thực hiện Chương trình do Ngân sách nhà nước cấp, trong đó, ngân sách trung ương được bố trí để thực hiện các hoạt động chung của Chương trình và triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại 7 địa phương được lựa chọn điểm ở giai đoạn 1; ngân sách địa phương được bố trí để thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các địa phương ở giai đoạn 2, cụ thể: Tổng kinh phí thực hiện Chương trình dự tính là: 386.915.448.000đồng (Bằng chữ: Ba trăm tám mươi sáu tỉ chín trăm mười lăm triệu bốn trăm bốn mươi tám ngàn đồng). Trong đó, kinh phí ngân sách trung ương là: 112.269.632.000 đồng và kinh phí ngân sách địa phương là: 274.523.876.000 đồng.

Trần Minh Sơn - Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ Tư pháp.


[1] Các tổ chức pháp chế theo quy định tại Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ bannhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước.

[2] Gồm 55 địa bàn theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.