Toạ đàm bình chọn danh hiệu “Hãng luật và luật sư của năm”

15/08/2009
Toạ đàm bình chọn danh hiệu “Hãng luật và luật sư của năm”
Sau một thời gian mở chuyên mục lấy ý kiến đóng góp của độc giả, chiều qua (14/8), báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức cuộc toạ đàm về bình chọn danh hiệu “Hãng luật và luật sư của năm”. Cuộc toạ đàm đã diễn ra rất sôi nổi với nhiều góp ý từ các nhà quản lý, các chuyên gia pháp luật và các luật sư. Tới dự Toạ đàm có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam, TANDTC, VKSNDTC, Pháp chế một số Bộ, ngành, đại diện các đơn vị chức năng Bộ Tư pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội và đại diện nhiều văn phòng, tổ chức hành nghề luật sư khác.

Chuẩn hoá hoạt động nghề luật sư

Trong lời dẫn đề buổi toạ đàm, Tổng Biên tập báo PLVN Đào Văn Hội cho biết, hiện nay nước ta có khoảng 1500 tổ chức hành nghề luật sư, hơn 4000 luật sư. Vì vậy, việc báo PLVN tiến hành mở cuộc bình chọn sẽ là một kênh đánh giá độc lập, khách quan về uy tín, năng lực các hãng luật và luật sư, giúp cho người dân, doanh nghiệp có sự lựa chọn tốt nhất. Đồng thời, góp phần thúc đẩy sự phát triển đúng định hướng của các tổ chức hành nghề tư vấn pháp luật và đội ngũ luật sư.  

Giới thiệu về thể lệ và quy trình bình chọn danh hiệu, Thư ký Ban Tổ chức Nguyễn Xuân Bính nhấn mạnh 3 mục đích của cuộc bình chọn là nhằm lựa chọn tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có hoạt động tốt nhất trong năm; xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về hoạt động nghề nghiệp và đạo đức của luật sư, giúp chuẩn hoá hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư; xây dựng hình ảnh, thương hiệu của các hãng luật, luật sư tham gia bình chọn. Về một số vấn đề xin ý kiến đóng góp cho thể lệ tại toạ đàm, ông Bính mong các đại biểu tập trung góp ý cho tên gọi của giải; cơ cấu giải thưởng, danh hiệu; tiêu chí lựa chọn danh hiệu; quy trình bình chọn; cơ cấu Ban Tổ chức, cơ cấu Hội đồng bình chọn, Ban cố vấn và vai trò cố vấn…

Tổng hợp các góp ý đã được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam trong hơn 2 tháng qua, PGS – TS. Phạm Công Trứ (báo PLVN) cho biết, phần lớn đều là hưởng ứng, đồng tình với sáng kiến của báo PLVN, qua đó kích thích sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư. Bên cạnh những lợi ích thiết thực đối với hoạt động nghề luật sư, thì việc bình chọn thành công cũng giúp các cơ quan quản lý có thể theo dõi giám sát hoạt động nghề luật sư vốn mang tính tự do, nhạy cảm và phức tạp.

Bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp:  “Tiêu chí quan trọng nhất là đánh giá của khách hàng”

Chia sẻ và đồng tình chủ trương của báo PLVN trong việc tổ chức bình chọn, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến đề nghị chỉ nên đề ra mục đích đơn giản là tuyên truyền quảng bá nhằm tôn vinh hoạt động nghề luật sư vì nhận thức của toàn xã hội nói chung về nghề này chưa đầy đủ. Bà Yến lý giải, nếu kết quả bình chọn được công luận đồng tình, ủng hộ thì rất tốt nhưng trong trường hợp không được đồng tình dễ có tác động ngược chiều. Các tiêu chí được xây dựng bài bản nhưng cần làm nổi bật hơn nữa đặc thù của hoạt động nghề luật sư chẳng hạn thêm tiêu chí đánh giá của khách hàng đối với tổ chức hành nghề luật sư, đối với cá nhân luật sư.

Luật sư Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam: “Tiêu chí nào quan trọng thì cho nhiều điểm”

LS. Phạm Hồng Hải tán thành việc xây dựng từng thang điểm cho mỗi tiêu chí giống barem chấm thi, đồng thời bổ sung các tiêu chí như số lượng khách hàng, đánh giá của khách hàng, đánh giá của đồng nghiệp và bổ sung một số tiêu chí khác như đạo đức nghề nghiệp, số lượng luật sư trong tổ chức, các lĩnh vực hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.

Về tên gọi của các danh hiệu, theo ông Hải, có thể thêm chữ “xuất sắc”, cụ thể là “Hãng luật xuất sắc của năm”, “Luật sư xuất sắc của năm”… Tuy nhiên, không nên chia quá nhỏ bởi càng chia nhỏ càng khó xây dựng tiêu chí. Đồng thời cũng chỉ thu gọn thành 3 danh hiệu gồm hãng luật/luật sư xuất sắc của năm; hãng luật/luật sư xuất sắc của năm trong lĩnh vực tranh tụng, hãng luật/luật sư xuất sắc của năm trong lĩnh vực tư vấn.

Ông Nguyễn Văn Du, Trưởng Ban Thư ký, TANDTC: “Nên để các Đoàn Luật sư “sơ tuyển” trước”

Đại diện TANDTC – ông Nguyễn Văn Du cũng tán thành có chữ xuất sắc hoặc tiêu biểu cho mỗi danh hiệu. Nhưng ông Du lại cho rằng, để người dân dễ hiểu thì không gọi chung là hãng luật mà nên xét tặng văn phòng luật sư xuất sắc, công ty luật xuất sắc. Ông Du đề xuất phương án để các Đoàn Luật sư “sơ tuyển”, giới thiệu các hãng luật uy tín.

Ông Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật: “Nên có thêm định lượng”

Theo PGS-TS Nguyễn Như Phát – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, nên nghĩ kỹ để đặt tên thật “văn hoá” cho cuộc bầu chọn, kiểu như trong lĩnh vực điện ảnh có giải “Cành cọ vàng”. “Trước hết hãy có định nghĩa hãng luật, luật sư được suy tôn là phải như thế này, như thế kia rồi từ đó mới có các danh hiệu cụ thể”, ông Phát đề xuất. 

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm Đoàn LS thành phố Hà Nội: “Nếu thêm “xuất sắc” sẽ cần thêm rất nhiều tiêu chí”

LS Nguyễn Trọng Tỵ (ĐLS TP. Hà Nội) lại cho rằng, giữ nguyên tên như dự thảo của Ban Tổ chức là được, nếu có chữ “xuất sắc” thì sẽ khó làm vì không thể tuyệt đối hoá được. Bên cạnh đó, cũng chỉ chọn Top 10, 5 hoặc 3 các hãng luật, chứ không chọn hẳn 1 hãng luật, tránh sự “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa các hãng luật với nhau.

Luật sư Trịnh Văn Quyết, Công ty Luật SMIC: “Chúng tôi chờ mong cuộc bình chọn”

LS Trịnh Văn Quyết cảm ơn Báo PLVN đã tổ chức ngày hội cho giới luật sư. Về tiêu chí, theo luật sư Quyết, nên có thêm hãng luật sử dụng bao nhiêu hợp đồng lao động. Với cá nhân luật sư, nên có đánh giá thu nhập bởi đó là sự tuân thủ pháp luật về thuế, không thể che giấu, phải minh bạch. LS có tầm, có tâm, có tài hay không căn cứ nhiều trên thu nhập, được trả qua tài khoản cá nhân.

TBT tạp chí Dân chủ và Pháp luật Nguyễn Văn Tuân: “Chúng tôi ủng hộ Báo Pháp luật VN”

 Hoan nghênh và ủng hộ chủ trương của Báo PLVN, Tổng Biên tập Tạp chí DC & PL cho rằng cần cân nhắc tên gọi và cơ cấu giải thưởng vì ở Việt Nam người dân quen với tên Công ty luật, Văn Phòng luật hơn Hãng luật.

Ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ: “Cân nhắc một số điểm về cách thức, quy trình”

Theo Tổng thư ký Hiệp hội DNVVN Việt Nam Tô Hoài Nam, nên thành lập Hội đồng cố vấn là những người từng tham gia hội đồng các cuộc bình chọn khác nhau. Ban Tổ chức cũng phải có cách thu hút đối tượng tham gia vì chỉ cần 10% trong tổng số các hãng luật, các luật sư đã là một con số tương đối lớn, đánh giá sự thành công của cuộc bình chọn.

Hoàng Thư

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền: ĐÂY LÀ VIỆC LÀM MỚI NÊN CẦN TIẾP TỤC TIẾP THU Ý KIẾN ĐÓNG GÓP

Tôi hoan nghênh Báo Pháp luật Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức chương trình bình chọn danh hiệu “Hãng luật và Luật sư của năm” để đánh giá kết quả hoạt động của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư, qua đó có thể lựa chọn luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư tiêu biểu của năm đã có những nỗ lực lớn trong hoạt động nghề nghiệp, góp phần tích cực vào mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội dân chủ, công bằng, văn mình. Đồng thời, cuộc bình chọn còn là cơ hội giúp thu thập các thông tin chi tiết về luật sư, tổ chức hành nghề luật sư để phục vụ cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Theo tôi, việc tổ chức bình chọn danh hiệu “Hãng luật và Luật sư của năm” là một hoạt động quan trọng, góp phần xây dựng chuẩn mực về hoạt động nghề nghiệp, đạo đức của luật sư, giúp chuẩn hoá hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, góp phần quảng bá tên tuổi và hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Tuy nhiên, do lần đầu tiên tổ chức bình chọn danh hiệu “Hãng luật và Luật sư của năm” nên Báo Pháp luật Việt Nam rất cần có sự đóng góp ý kiến, tham gia hỗ trợ của các luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư, các hiệp hội của doanh nghiệp và các đơn vị đã có kinh nghiệm tổ chức các giải thưởng tương tự như việc bình chọn danh hiệu này./.