Diễn đàn đối tác pháp luật thường niên lần thứ 6: Cơ hội củng cố quan hệ đối tác trong cải cách tư pháp và pháp luật

26/06/2009
Diễn đàn đối tác pháp luật thường niên lần thứ 6: Cơ hội củng cố quan hệ đối tác trong cải cách tư pháp và pháp luật
Trong khuôn khổ Dự án VIE 02/015 “Hỗ trợ thực thi chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020”, ngày 25/6, Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã đồng tổ chức Diễn đàn đối tác pháp luật thường niên (Diễn đàn) lần thứ 6 tại Hà Nội với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác trong cải cách pháp luật và tư pháp”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đến dự và chỉ đạo Diễn đàn.

Chưa có đột phá trong lĩnh vực cải cách tư pháp

Năm nay là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết 49-NQ-TƯ (2/6/2005) về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến 2020. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CCTP TƯ, những kết quả đã đạt được về cơ bản là khá chất lượng, được hoàn thiện từng bước, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, nhưng chưa thực sự tạo nhiều đột phá.

Theo ông Nguyễn Đăng Đình Lục – Ban Thư ký Ban Chỉ đạo CCTP TƯ, từ năm 2005 đến nay việc thể chế hoá một số chủ trương, quan điểm của Đảng về CCTP còn chậm, yêu cầu "thu gọn đầu mối các cơ quan điều tra" chưa thực hiện được. Công tác phòng ngừa tội phạm ít được quan tâm hơn trước do cán bộ trinh sát mất nhiều thời gian cho công tác giải quyết án ; tỷ lệ bản án, quyết định bị huỷ, sửa giảm chưa nhiều; kết quả thi hành án dân sự chưa cao.

Trong khi đó, đội ngũ CBTP, nhất là các CB có chức danh tư pháp còn rất thiếu, chưa thực sự đáp ứng được hết yêu cầu của nhiệm vụ trong điều kiện mới. Lực lượng luật sư (LS) dù đã không ngừng được phát triển về số lượng và chất lượng nhưng vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của xã hội về dịch vụ pháp lý. Công tác giám định tư pháp cũng gặp nhiều khó khăn, chưa được chú trọng xã hội hoá..

Chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng pháp luật

Dù vậy, việc thực hiện Nghị quyết 49 lại tạo nên những chuyển biến thực sự mạnh mẽ đối với hoạt động xây dựng pháp luật (XDPL) và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đánh giá của bà Dương Thanh Mai (Chuyên gia PL cao cấp - Bộ Tư pháp) cho thấy, chuyển biến đó thể hiện ngay trong sự đổi mới về tư duy và cách làm chương trình, kế hoạch XDPL của Quốc hội và Chính phủ. So với giai đoạn từ 1986-2005, số lượng và tốc độ XD văn bản pháp luật (VBPL) trong 4 năm qua thực sự là một con số ấn tượng, với 96 VB luật, pháp lệnh và hàng trăm nghị định hướng dẫn thi hành. Tình trạng "ghi danh" vào chương trình làm luật hàng năm mà không có sản phẩm đã bị xoá bỏ nhờ qui trình khoa học, thực tiễn của hoạt động đề xuất XDPL theo Luật Ban hành VBQPPL 2008.

Tư duy lập pháp theo NQ 49 còn có một kết quả quan trọng là đơn giản hoá được hình thức và đổi mới qui trình soạn thảo, ban hành VBQPPL, thông qua việc thực hiện đánh giá dự báo tác động kinh tế - xã hội (RIA), áp dụng kỹ thuật "một VB sửa nhiều VB", cải tiến, rút gọn khá nhiều thủ tục xem xét và thông qua... Từ đó, nâng cao chất lượng và tiến độ xây dựng VBQPPL, thể hiện tư duy lập pháp mới, đảm bảo sự phát triển cân đối, đồng bộ giữa thể chế về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, bảo vệ quyền con người phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Song GS.Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) nhận thấy, trong điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta, công tác XDPL vẫn chưa thoát khỏi một số hạn chế. Đáng kể là chưa hợp nhất được Luật Ban hành VBQPPL 2008 với Luật Ban hành VBQPPL của HĐND & UBND 2005 nhằm tạo ra những chuẩn mực chung trong quá trình XDPL, bảo đảm tính hiệu quả, thống nhất và đồng bộ của hệ thống PL quốc gia, chậm triển khai việc tổ chức nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, xây dựng cơ chế bảo hiến. Bên cạnh đó, một số luật chưa được ban hành đúng tiến độ, lộ trình. Bản thân công tác thi hành PL còn chậm chuyển biến khi nhiều vi phạm chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh, nhất là trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng...

Đối tác cam kết tiếp tục hỗ trợ

Tại Diễn đàn, đại diện các nhà tài trợ đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến các cơ chế, qui định PL bảo đảm quyền hành nghề độc lập của LS, khả năng tiếp cận công lý của người dân, sự tham gia của các tổ chức xã hội vào quá trình XDPL... Cùng những giải thích rõ ràng, đầy đủ từ phía Việt Nam và trước những kết quả trong quá trình CCTP và PL của Việt Nam, đại diện các nhà tài trợ đã bày tỏ sự tin tưởng vào sự thành công mà Việt Nam sẽ giành được khi thực hiện CCTP và PL trong thời gian tới, cũng như hy vọng tiếp tục được thực hiện các dự án hỗ trợ Việt Nam về tư pháp và PL để đẩy mạnh hợp tác PL trong thời gian tới nhằm hỗ trợ thực thi Chiến lược CCTP và Chiến lược XD và hoàn thiện hệ thống PL.

Bà Setsuko Yamazaki (Giám đốc Chương trình quốc gia UNDP) cũng thể hiện sự ấn tượng trước sự thẳng thắn của Chính phủ Việt Nam khi nhận xét về những hạn chế trong CCTP và PL. Thay mặt các nhà tài trợ, bà cam kết tiếp tục hợp tác với Bộ Tư pháp để tổ chức các diễn đàn PL tương tự trong tương lai, tạo thêm một kênh đối thoại, trao đổi giữa các nhà tài trợ về tư pháp và PL cho Việt Nam./.

Huy Long

Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên : "Diễn đàn thể hiện mối quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình CCTP và pháp luật Việt Nam, là cơ hội duy trì, củng cố mối quan hệ điều phối giữa các cơ quan của Việt Nam và các quốc gia đối tác trong mối quan hệ hợp tác giúp Việt Nam xây dựng hệ thống PL và CCTP đạt kết quả tốt nhất. Trong quá trình CCTP và hoàn thiện PL, nếu thiếu sự hỗ trợ của các nhà tài trợ thì Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải vượt qua các thách thức. Tôi rất ấn tượng và vui vì CIDA Canada và UNDP đang xây dựng các dự án hỗ trợ rất khớp với những yêu cầu sắp tới của Việt Nam, trong đó tập trung vào việc thực thi PL, thể hiện hoạt động hợp tác PL ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả".