Dự thảo Luật Nuôi con nuôi: Ngăn chặn tình trạng “lách luật”

23/06/2009
Hôm qua (22/6), Ban soạn thảo Luật Nuôi con nuôi (NCN) tiếp tục cho ý kiến về những nội dung còn vướng mắc trong dự thảo Luật NCN, trong đó đặc biệt quan tâm đến những qui định nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng “lách luật” khi thực thi.

Ông Trịnh Đức Hải (Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao) đề nghị, phải qui định thẩm quyền cho các cơ quan chức năng của Việt Nam giải quyết vấn đề NCN đối với trẻ em thường trú ở Việt Nam. Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài chỉ giải quyết những trường hợp trẻ em Việt Nam thường trú ở nước ngoài. Nếu là trường hợp đặc biệt như đối với trẻ em đang điều trị tại nước ngoài hay trường hợp bất khả kháng thì cần đơn giản hoá thủ tục (không cần sự có mặt của trẻ em khi làm thủ tục nhận NCN tại Việt Nam, mà chỉ cần cha mẹ nuôi và người giám hộ của trẻ em). Như vậy, ông Hải cho rằng, không những ngăn chặn được sự lách luật mà còn đảm bảo kiểm soát được mọi trường hợp NCN liên quan đến trẻ em Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước.

Cũng lo ngại về tình trạng “lách luật”, ông Phạm Xuân Phương (Sở Tư pháp TP.Hà Nội) và một số thành viên khác băn khoăn trước qui định về độ tuổi của người nhận NCN là đàn ông, độc thân. Dự thảo Luật qui định, “đàn ông độc thân, muốn nhận con nuôi phải hơn người nhận được nhận nuôi 40 tuổi” với mục đích ngăn chặn sự lạm dụng trẻ em. Tuy nhiên, bà Hà Mai Hiên (Viện Nghiên cứu Nhà nước & Pháp luật) bày tỏ sự không mấy tin tưởng vào tính khả thi của qui định này. Theo các đại biểu này, qui định như vậy không chỉ mang tính phản cảm đối với hình ảnh người đàn ông mà vô hình chung vẫn là một “lỗ hổng” lớn để lợi dụng nếu muốn.

Tinh thần của Điều 21 dự thảo Luật cho phép con nuôi theo hình thức đơn giản có thể không sống cùng bố mẹ nuôi. Song ông Nguyễn Quốc Cường (Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp) lại không nhất trí vì cho rằng, không đúng tinh thần của việc NCN và chắc chắn sẽ là cơ hội cho những người muốn lợi dụng việc NCN cho những mục đích khác. Cùng lo ngại việc không đảm bảo mục đích NCN, Trưởng ban soạn thảo - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, dự thảo Luật sẽ không có qui định điều chỉnh vấn đề NCN dân gian mà tất cả các trường hợp NCN, dù theo hình thức đơn giản, cũng phải tuân thủ những qui định chung. Điều đó cũng có nghĩa là con nuôi nhất thiết phải ở cùng cha mẹ, không để tình trạng “1 trẻ em có 2 cặp bố mẹ” để hạn chế tối đa những mâu thuẫn và hậu quả pháp lý có thể phát sinh. Bên cạnh đó, ông Cường cũng yêu cầu phải có thêm những qui định về vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong việc xác minh điều kiện cho, nhận con nuôi, điều kiện của cha mẹ nuôi…, nhất là vai trò của Hội Phụ nữ trong các trường hợp NCN theo hình thức trọn vẹn. Xây dựng dữ liệu về trẻ em cần được nhận nuôi cũng là một biện pháp mà theo ông Cường là để đảm bảo sự công khai, minh bạch trong hoạt động NCN và tạo điều kiện để tìm mái ấm cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Nhất trí với nguyên tắc ưu tiên con nuôi trong nước nhưng ông Trần Đại Quang (Thứ trưởng Bộ Công an) lưu ý, một số trường đặc biệt (như trẻ em tàn tật, có HIV,…) để có thể xem xét cho người nước ngoài nhận ngay trẻ em Việt Nam làm con nuôi, không cần đợi đủ thời gian tìm cha mẹ nuôi là người Việt Nam vì lợi ích của trẻ em. Đồng thời, phải có các qui định về nuôi dưỡng, chăm sóc, theo dõi, kiểm tra việc NCN, đảm bảo mục đích của việc nhận NCN…

Dự thảo hiện đang trong quá trình chỉnh sửa, hoàn thiện và đánh giá tác động để kịp trình Chính phủ  trong tháng 7, trước khi đưa ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10) theo kế hoạch./.

Huy Anh