Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

22/05/2009
Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự
Để bảo đảm cho việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành VBQPPL năm 2008, ngày 22/5/2009, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định.

Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học, dưới sự chủ trì của đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2009, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2009, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Toà án và các cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và mọi công dân. Do vậy, việc khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định quy định chi tiết các nội dung về thủ tục thi hành án dân sự mà Luật Thi hành án dân sự đã quy định, đồng thời hướng dẫn những nội dung cần thiết khác trên cơ sở kế thừa những nội dung các văn bản hướng dẫn hiện hành còn phù hợp với thực tiễn, đã được thực hiện kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả, hiệu lực trên thực tế nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tiễn là hoàn toàn cần thiết và phù hợp.

Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, Chính phủ được giao quy định chi tiết bảy vấn đề về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, bao gồm: quy định về các trường hợp đặc biệt khác không được tổ chức cưỡng chế thi hành án; về mức, thủ tục nộp, quản lý, sử dụng phí thi hành án dân sự; thẩm quyền, điều kiện, đối tượng, thủ tục bảo đảm tài chính để thi hành án; về mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án; thủ tục thu, nộp, miễn giảm chi phí cưỡng chế thi hành án; về trình tự, thủ tục, phương pháp định giá và bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ và quy định về tài sản kê biên có giá trị nhỏ do Chấp hành viên định giá. Tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định, các thành viên Hội đồng tập trung cho ý kiến vào các nội dung nêu trên và đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa trước khi trình Chính phủ ký ban hành.

Đỗ Thanh Hương