Công tác theo dõi thi hành pháp luật: Cái nhìn từ các góc độ...

29/05/2009
Nội dung buổi hội thảo Báo cáo nghiên cứu xây dựng Đề án triển khai nhiệm vụ theo dõi chung về thi hành pháp luật (THPL) do Bộ Tư pháp tổ chức trong 3 ngày từ 28-30/5/2009 tại thành phố Hạ Long với sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, các đại biểu tham dự hội nghị đến từ các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, địa phương, cơ quan tư pháp địa phương... đã cùng đi đến một nhất trí, việc xây dựng pháp luật nhất thiết phải gắn với hiệu quả THPL và xây dựng cơ chế để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi THPL từ trung ương đến địa phương là rất cần thiết.

Bộ Tư pháp - cần phân biệt theo dõi chung và theo dõi riêng

Về phía mình, Bộ Tư pháp - cơ quản quản lý Nhà nước được trực tiếp giao triển khai nhiệm vụ theo dõi chung về THPL (theo tinh thần của Nghị định 93/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp), cho rằng việc theo dõi, đánh giá THPL xét về khía cạnh kỹ thuật có thể coi là việc thu thập một cách có hệ thống các thông tin, phân tích so sánh giữa các mục tiêu đề ra (quy định pháp luật đi vào cuộc sống) với thực tế đạt được (thực tế, tuân thủ áp dụng quy định của pháp luật) và chỉ ra sự tác động của quy định pháp luật cùng với những tồn tại, bất cập do các nguyên nhân nào để có những kiến nghị, sửa đổi, bổ sung hay tăng cường cho phù hợp với mục tiêu mong muốn. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rằng, đây là một nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ đối với Bộ Tư pháp nên cần thiết phải chỉ ra được “đường đi, nước bước” rõ ràng để đảm bảo thực hiện. Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Quốc Việt - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hành chính - hình sự, Bộ Tư pháp, theo dõi chung việc THPL “là theo dõi trên những nét lớn, bao quát có tính tổng thể chủ yếu tập trung phân tích xem pháp luật đi vào cuộc sống như thế nào, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các giải pháp khắc phục, cũng như phương hướng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật và hệ thống pháp luật”. Việc theo dõi chung THPL sẽ bao gồm theo dõi việc xây dựng thể chế và theo dõi hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Theo ông Việt, để công tác này mang tính khả thi và phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của Bộ Tư pháp thì nên chăng chỉ khoanh lại ở việc theo dõi chung tình hình thi hành Hiến pháp, Luật, Nghị định của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quyết định và Lệnh của Chủ tịch nước, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ, ngành (đối với Thông tư chủ yếu là các Thông tư hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh và nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Còn các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước ở địa phương do HĐND, UBND địa phương ban hành để thực hiện văn bản của Trung ương và quản lý điều hành công việc ở địa phương thì trách nhiệm theo dõi thuộc Chủ tịch UBND cấp tỉnh (Điều 2 Luật Tổ chức HĐND, UBND). Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh giúp UBND cấp tỉnh theo dõi việc THPL tại địa phương các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước trung ương, tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh đề ra các biện pháp để pháp luật đi vào cuộc sống ở địa phương. Và, nhất thiết phải phân biệt rõ việc theo dõi chung với theo dõi riêng (theo dõi cụ thể) việc THPL cụ thể vốn vẫn đang được các Bộ, ngành thực hiện. Việc phân biệt sẽ tránh được tình trạng chồng lấn giữa hoạt động của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành khác trong lĩnh vực này.

Bổ sung cho ý kiến của ông Việt, ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ kiến nghị nên có một Nghị định về công tác theo dõi chung THPL, vì nhiệm vụ này mới chỉ được nhắc đến trong NĐ93, chứ chưa được đề cập tới trong NĐ178/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Hơn nữa, về hình thức, khái niệm theo dõi chung việc THPL hiện đang có nhiều trùng lặp với hoạt động văn bản được quy định trong NĐ135/2003/NĐ-CP về công tác VBQP PL.

Các tổ chức pháp chế - nên luật hóa, cụ thể hóa nhiệm vụ theo dõi THPL

   Là một trong những hệ thống cơ quan, tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi THPL, đa phần các đại biểu tham dự hội thảo đến từ các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, địa phương đều cho rằng cần phải xác định đây là một trong những chức năng cơ bản của pháp chế, từ đó trình Chính phủ để có một Nghị định quy định cụ thể về vấn đề này. Và, song song với việc luật hóa, cụ thể hóa nhiệm vụ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính đưa ra kiến nghị phải có một quy định rõ ràng về cán bộ, công chức làm công tác theo dõi, THPL. Ở những tổ chức pháp chế Bộ, ngành có thành lập phòng thì đưa vào chức năng, nhiệm vụ của một phòng cụ thể. Bên cạnh đó, kinh phí cho việc theo dõi THPL cũng cần được dự toán trong kinh phí hoạt động của các tổ chức pháp chế và của Bộ Tư pháp.

Còn theo ông Vũ Như Thăng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, Đề án triển khai nhiệm vụ theo dõi chung về THPL cần phải làm rõ sự giao thoa với Nghị định 24/2009/NĐ–CP hướng dẫn thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 để làm cơ sở pháp lý cho các tổ chức pháp chế Bộ, ngành thực thi nhiệm vụ theo dõi THPL.

Nói về cơ chế theo dõi THPL trong hệ thống cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, ông Nguyễn Quang Lộc - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - TANDTC đã chỉ ra 8 cơ chế đã và đang được thực hiện, trong đó, hoạt động kiểm tra việc thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật trong giải quyết, xét xử các vụ án là một yêu cầu, đòi hỏi thường xuyên của các Tòa án, Viện Kiểm sát (ví dụ như lãnh đạo Tòa án các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC phải thường xuyên kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao có đảm bảo đúng yêu cầu lãnh đạo, đúng quy định pháp luật không, qua đó lãnh đạo các đơn vị tự đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị mình). Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, theo ông Lộc việc theo dõi thi hành và áp dụng pháp luật của hệ thống các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát còn rất nhiều vướng mắc. Và, để giải quyết những vướng mắc này, Quốc hội cần tăng cường công tác xây dựng và giải thích pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và các cơ quan trong ngành tư pháp cần có quy chế phối hợp công tác để cùng giám sát việc thực hiện pháp luật của từng ngành.

Các cơ quan tư pháp địa phương - làm đầu mối thực hiện theo dõi THPL

   Theo Báo cáo đánh giá nhu cầu phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam, ở địa phương, việc THPL được đảm bảo thông qua hoạt động của các chủ thể - thiết chế là UBND và HĐND các cấp. Khác với các cơ quan Nhà nước ở trung ương và các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương, hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương trong việc bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trực tiếp, cụ thể, thường xuyên và toàn diện hơn do gắn liền với đời sống xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Phương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đã chỉ ra rằng nhiệm vụ THPL của UBND các cấp đã được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 nhưng vấn đề theo dõi hiệu quả của việc THPL lại chưa được quy định cụ thể nên chưa được thực hiện trong nhiều năm qua trên phạm vi tổng thể cả nước và ở từng địa phương nên đã xuất hiện một loạt những tồn tại về cơ chế, chính sách, về tổ chức, con người, về nội dung công việc, chế độ báo cáo, thống kê... trong công tác theo dõi THPL. Một trong những kiến nghị được ông Phương đưa ra là xác định cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo dõi THPL. Trong đó, UBND cấp tỉnh, cấp huyện cần giao cho cơ quan tư pháp cùng cấp làm đầu mối giúp UBND thực hiện nhiệm vụ theo dõi THPL ở địa phương và hướng dẫn chuyên môn nghiệm vụ về theo dõi THPL thuộc lĩnh vực quản lý đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. Theo ông Phương, về phía mình, Bộ Tư pháp cũng cần có văn bản hướng dẫn phạm vi, nội dung theo dõi THPL cho cơ quan tư pháp các cấp (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp), quy chế phối hợp thực hiện công tác theo dõi THPL giữa cơ quan thường trực với đơn vị có liên quan...

   Khẳng định nhiệm vụ theo dõi THPL là một nhiệm vụ rất quan trọng của Nhà nước giao cho ngành Tư pháp, ông Phạm Hùng Tráng - Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên đề nghị Chính phủ cần ban hành văn bản quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tư pháp khi tham gia vào việc thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, cơ quan tư pháp khi đã được giao nhiệm vụ theo dõi chung về THPL thì nhất thiết phải có quyền tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc THPL của các cơ quan Nhà nước theo phân cấp thẩm quyền. Sau khi thanh, kiểm tra, giám sát cơ quan tư pháp có kết luận cụ thể về các nội dung đã kiểm tra, đề xuất những hình thức xử lý... thì các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm tiếp thu, xử lý theo yêu cầu của kết luận. Cũng theo ông Tráng, kết quả theo dõi THPL của cơ quan tư pháp cần phải được trình bày định kỳ trước HĐND cùng cấp (đối với địa phương) và trước Quốc hội (đối với trung ương). Về phân cấp thẩm quyền, ông Tráng cho rằng ở trung ương Bộ Tư pháp giúp Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tuân theo pháp luật ở các Bộ, ngành, HĐND, UBND cấp tỉnh, còn ở địa phương cơ quan tư pháp có thẩm quyền quyết định và tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, HĐND, UBND cấp dưới trực tiếp.

Hồng Minh

Theo dõi THPL là gì?

Theo ông Lê Thành Long - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp, ở Việt Nam, khái niệm THPL tuy không mới, nhưng nội hàm vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Xét từ góc độ thuần tuý pháp luật, có hai quan điểm chủ yếu. Quan điểm thứ nhất, THPL hay chấp hành pháp luật là một khâu, một hình thức của thực hiện pháp luật hay áp dụng pháp luật. Quan điểm thứ hai, THPL được hiểu là mọi hoạt động nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, biến quy định của pháp luật trở thành hành vi của các chủ thể. Quá trình này gắn liền và là sự tiếp nối của quá trình xây dựng pháp luật....