Trong 3 ngày từ 28-30/5, với sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Tư pháp tổ chức chương trình hội thảo về “Đề án triển khai nhiệm vụ theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước” - một trong những nhiệm vụ mới của Bộ Tư pháp được quy định tại Nghị định 93/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
Tham dự hội nghị, về phía Bộ Tư pháp có Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, lãnh đạo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật. Các cơ quan khác có đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế các Bộ, ngành, tổ chức pháp chế các địa phương, Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, TANDTC, VKSNDTC... Các đại biểu cùng thảo luận, góp ý, chia sẻ kết quả nghiên cứu về công tác theo dõi thi hành pháp luật để từ đó tiếp tục hoàn thiện Đề án và khung pháp lý triển khai công tác này.
Theo dõi thi hành pháp luật - một nhiệm vụ mới
Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên và Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Thành Long, trong chương trình làm việc của hội thảo các đại biểu lần lượt thảo luận về dự thảo Báo cáo nghiên cứu xây dựng “Đề án triển khai nhiệm vụ theo dõi chung về thi hành pháp luật” (Đề án); thảo luận về công tác theo dõi thi hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức ở trung ương không nằm trong phạm vi quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ (Quốc hội, TAND, VKSND, MTTQVN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam...); thảo luận về cách thức triển khai công tác theo dõi chung về thi hành pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp và cách thức triển khai nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật ở các Bộ, ngành và địa phương. Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên khẳng định nhiệm vụ theo dõi chung về thi hành pháp luật là một nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ nhưng không kém phần quan trọng trong hoạt động xây dựng Nhà nước pháp quyền nói chung và hệ thống pháp luật nói riêng. Vì thế việc xây dựng và hoàn thiện Đề án để sớm đưa vào thực thi là vô cùng cần thiết.
Dự thảo Báo cáo nghiên cứu xây dựng Đề án do Vụ Các vấn đề chung - một vụ chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp được giao trực tiếp thực hiện công tác này -cho thấy, khái niệm thi hành pháp luật không mới, nhưng nội hàm của khái niệm này vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên,trong phạm vi và nhằm mục đích xử lý các vấn đề đặt ra, theo Báo cáo nghiên cứu phục vụ cho việc xây dựng Đề án, thi hành pháp luật được hiểu là mọi hoạt động nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, biến quy định của pháp luật trở thành hành vi của các chủ thể. Quá trình này gắn liền và là sự tiếp nối của quá trình xây dựng pháp luật mà trong đó các cơ quan Nhà nước giữ một vai trò đặc biệt. Thi hành pháp luật có thể được phân chia thành bốn nhóm nội dung chủ yếu: Tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thi hành Hiến pháp và pháp luật; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân; Ban hành văn bản pháp luật, kế hoạch để thực hiện; Phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo dõi thi hành là theo dõi việc thực hiện các nội dung đó để đánh giá và rút ra những kiến nghị cần thiết.
Cùng với việc xác định khái niệm về theo dõi thi hành pháp luật, cũng cần phải phân tích được vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội chủ yếu trong thi hành pháp luật để từ đó xác định những công việc nào về thi hành và bảo đảm thi hành pháp luật đã và đang được các cơ quan khác thực hiện, và “phần còn lại” của Bộ Tư pháp là ở đâu.
Công tác theo dõi thi hành pháp luật phải phù hợp với khả năng của Bộ Tư pháp
Bộ Tư pháp ngoài việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chung theo Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, còn có chức năng cụ thể theo Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ. Theo đó, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Như vậy, cùng với theo dõi thi hành pháp luật, nhiệm vụ Bộ Tư pháp đã “khép kín” chu trình của một văn bản, từ thẩm định, kiểm tra đến theo dõi thực hiện để đề xuất xử lý những vấn đề phát sinh.
Để thực hiện nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp sẽ phải thực hiện 2 nhiệm vụ (và kèm theo đó là quyền hạn) là: theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước; và hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác theo dõi, đánh giá, báo cáo về tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương.
Căn cứ pháp lý để Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ này chính là Nghị định của Chính phủ về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của một cơ quan thuộc Chính phủ tức là Bộ Tư pháp, đây được hiểu là một văn bản trao quyền chứ không phải là một Nghị định riêng điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ riêng. Tuy nhiên, nhiệm vụ được giao theo dõi chung về thi hành pháp luật còn rất chung; cần phải cụ thể hoá thì mới thực hiện được. Và, xét từ tính chất và cơ sở pháp lý của văn bản giao quyền, có thể thấy kết quả cuối cùng của việc thực hiện nhiệm vụ chỉ là văn bản tư vấn, khuyến nghị.
Theo ông Lê Thành Long thì về phạm vi, nhiệm vụ Bộ Tư pháp cần được xác định theo 3 nguyên tắc: Bộ Tư pháp không làm những việc mà các cơ quan đã và đang làm; công tác theo dõi thi hành pháp luật phải phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng; và khả năng của Bộ Tư pháp hướng tới mục tiêu khắc phục những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó có hiệu quả thi hành pháp luật cũng như năng lực của cán bộ thực thi pháp luật.
Bên cạnh nguyên nhân chưa có cơ quan quản lý về công tác thi hành pháp luật thì một nguyên nhân quan trọng khác đó là hệ thống pháp luật Việt Nam còn nhiều những điểm hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc xác định phạm vi nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong việc theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật cần bám sát cũng cần phải hướng tới việc khắc phục được phần nào những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật, của các cơ quan thực thi pháp luật.
Theo dự kiến, Đề án triển khai nhiệm vụ theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước sẽ được trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 6 tới.
Xuân Hoa