Bộ Tư pháp và Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức hội thảo xây dựng Đề án “Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý và truyền thông pháp luật cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến năm 2020”

25/05/2009
Bộ Tư pháp và Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức hội thảo xây dựng Đề án “Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý và truyền thông pháp luật cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến năm 2020”
Thực hiện Kế hoạch số 326-KH/BCĐTB-BTP, Bộ Tư pháp và Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp tổ chức hội thảo xây dựng Đề án "Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý và truyền thông pháp luật cho đồng báo các dân tộc vùng Tây Bắc giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến năm 2020” tại Hà Nội ngày 22/5/2009.

Chủ trì hội thảo có đồng chí Đinh Trung Tụng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đồng chí Bùi Bùi Thanh Thu - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, đồng chí Tạ Thị Minh Lý - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, Thường trực Đề án.

Về phía khách mời các Bộ, ngành ở Trung ương có đồng chí Trần Đại Quang - Uỷ viên TWĐ, Thứ trưởng Bộ Công an, đồng chí Từ Văn Nhũ - Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao, đồng chí Trần Hữu Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Nguyễn Trọng Đàn - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng chí Trần Thị Bích Thuỷ - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, đồng chí Sơn Phước Hoan - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, đại diện của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; Vụ Tổ chức cán bộ; Trường ĐH Luật Hà Nội...). Về phía các tỉnh có đồng chí Lô Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, đồng chí Cầm Văn Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, đồng chí Chu Phạm Ngọc Hiển - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, đồng chí Bùi Ngọc Đản - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, Giám đốc Sở Tư pháp (Phó Giám đốc Sở: Phú Thọ, Nghệ An), Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước 13 tỉnh vùng Tây Bắc (vắng Giám đốc Trung tâm Phú Thọ, Nghệ An cử Phó Giám đốc Trung tâm); phóng viên Đài Truyền hình Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh...

Sau 1 ngày làm việc khẩn trương, 18 ý kiến phát biểu và tham luận tại hội thảo đều cho rằng việc xây dựng Đề án tăng cường công tác trợ giúp pháp lý và truyền thông pháp luật cho đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc là cần thiết và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác, góp phần vào việc ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh và quốc phòng các tỉnh vùng Tây Bắc. Các ý kiến đều khẳng định, trong thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý và truyền thông pháp luật ở các tỉnh vùng Tây Bắc đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, hệ thống trợ giúp pháp lý được thành lập từ tỉnh xuống huyện (Chi nhánh, Tổ cộng tác viên) và xã (Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý); tổ chức bộ máy của Trung tâm từng bước được kiện toàn; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý được nâng lên. Tổng số người được trợ giúp pháp lý đến với Trung tâm ngày một tăng, chất lượng trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng lên. Công tác truyền thông về pháp luật mà các tỉnh Tây Bắc áp dụng trong thời gian vừa qua đã từng bước nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và đồng bào các dân tộc.

Bên cạnh đó, trong hoạt động trợ giúp pháp lý, truyền thông pháp luật, các tỉnh vùng Tây Bắc vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật còn nhiều hạn chế, vẫn còn bị ảnh hưởng bởi một số phong tục tập quán lạc hậu; nhiều Trung tâm chưa thành lập các phòng, chưa triển khai thành lập Chi nhánh; đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý, đặc biệt là đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý nhìn chung thiếu hoặc không có nguồn để tuyển dụng, trong đó, một số cán bộ chưa được đào tạo bài bản, chưa có nhiều kinh ngiệm trong việc đại diện, bào chữa trước cơ quan tiến hành tố tụng; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, kinh phí còn hạn hẹp….

Đồng thời, các đại biểu đóng góp một số ý kiến về nội dung đề án như: đề nghị làm rõ phần đối tượng thụ hưởng và hiệu quả thực hiện Đề án. Về Ban Điều hành Đề án: đề nghị bổ sung thêm đại diện của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Điều hành. Trong phần trách nhiệm thực hiện Đề án: cần làm rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan. Về mốc thời gian thực hiện: các đại biểu cho rằng do năm 2009 sắp hết, do vậy chỉ tính các hoạt động của Đề án từ năm 2010…

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ hoàn chỉnh dự thảo Đề án và lấy ý kiến của tất cả các Bộ, ngành, UBND 13 tỉnh vùng Tây Bắc trước khi trình Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn./.

Vũ Hồng Tuyến - Cục Trợ giúp pháp lý