Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc: Thống nhất và đánh giá cao Dự án hợp tác mới 2010 – 2014 “Tăng cường Tiếp cận công lý và bảo vệ quyền”

17/05/2009
Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc: Thống nhất và đánh giá cao Dự án hợp tác mới  2010 – 2014  “Tăng cường Tiếp cận công lý và bảo vệ quyền”
Chiều ngày 12/5/2009, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên đã tiếp Bà Setsuko Yamazaki - Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). Hai bên đã trao đổi và thống nhất những định hướng và nội dung chính trong Dự án hợp tác mới với Bộ Tư pháp giai đoạn 2010 – 2014 “ Tăng cường Tiếp cận công lý và bảo vệ quyền”.

Thay mặt UNDP, Bà Setsuko Yamazaki đã thông báo cho Thứ trưởng Liên những kết quả tốt đẹp đã đạt được giữa UNDP và Bộ Tư pháp nhằm triển khai kết quả các cuộc gặp giữa Điều phối viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam – Ông John Hendra với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (ngày 28/11/2008)[i] và với Bộ trưởng Hà Hùng Cường (ngày 1/12/2008)[ii].  Cụ thể, đó là việc UNDP, trong khuôn khổ hoạt động 6 tháng đầu năm 2009 của Dự án VIE/02/015  tiếp tục tư vấn chính sách cho các lĩnh vực ưu tiên của Bộ Tư pháp như nghiên cứu soạn thảo Chiến lược phát triển ngành tư pháp; chuyển giao thi hành án hình sự; hoàn thiện quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật . Quan trọng hơn, các định hướng ưu tiên trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp được Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề xuất tại cuộc gặp với Điều phối viên của Liên hợp quốc cách đây 6 tháng đã được UNDP và Bộ Tư pháp cụ thể hoá tại Văn kiện Dự án hợp tác mới giai đoạn 2010 – 2014. Ngoài ra, trên cơ sở  các cuộc làm việc giữa UNDP với Ban thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, các đơn vị của Bộ Tư pháp, một số cơ quan của Quốc hội, những nội dung quan trọng khác về cải cách tư pháp cũng đã được các bên nhất trí đưa vào khuôn khổ Dự án nêu trên. Về nội dung, Dự án mới được thiết kế phù hợp với định hướng và trọng tâm của  các Chiến lược cải cách pháp luật và tư pháp; những định hướng ưu tiên phát triển ngành tư pháp Khuôn khổ hỗ trợ phát triển của Liên hợp quốc cho Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010; Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia Hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc giai đoạn 2006 - 2010, Kế hoạch một Liên hợp quốc (2007 – 2011).  Đề xuất Dự án mới bao gồm 5 cấu phần chính như sau: 

1. Tiếp tục hỗ trợ thực hiện các Nghị quyết 48-NQ/TW  và 49-NQ/TW  của Bộ Chính trị ban hành các Chiến lược Phát triển và  hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Chiến lược cải cách pháp luật) và Chiến lược về cải cách tư pháp tới năm 2020 (Chiến lược cải cách tư pháp); tổng kết, đánh giá đầy đủ quá trình và hiệu quả 5 năm triển khai Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 900/UBTVQH11 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ chính trị; đánh giá nhu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; trên cơ sở đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và các năm tiếp theo (trước mắt là Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá XIII và XIV), phục vụ cho công tác xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020.[iii]  

2. Hỗ trợ tăng cường vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác điều phối, quản lý hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật nhằm hài hoá hoá thủ tục chung về nhận và sử dụng các nguồn hỗ trợ quốc tế  cũng như tăng cường hiệu quả sử dụng hỗ trợ quốc tế theo tinh thần Chương trình hành động Accra về hiệu quả Viện trợ của Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ; tăng cường đối thoại chính sách trong lĩnh vực pháp luật nhằm củng cố và duy trì mô hình diễn đàn đối tác pháp luật như đã quy định trong Nghị định 78 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật và Kế hoạch chung của Liên hợp quốc về hợp tác với Việt Nam;  

3. Hỗ trợ xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2020 trong mối quan hệ tương tác với những yêu cầu mới về vị trí vai trò của ngành tư pháp trong thời kỳ hội nhập (nghiên cứu và xây dựng các chiến lược, kế hoạch tổng thể phát triển ngành tư pháp và kế hoạch phát triển một số lĩnh vực cụ thể thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ của ngành; tăng cường vai trò mới của Bộ Tư pháp về theo dõi thi hành pháp luật và một số lĩnh vực khác);  

4. Hỗ trợ tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền, trong đó dự kiến các nội dung chính là nghiên cứu, đề xuất xây dựng chiến lược về Trao quyền pháp lý cho người nghèo, phối hợp triển khai Sáng kiến của UNDP toàn cầu về trao quyền pháp lý cho người nghèo tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; Tăng cường việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về nhân quyền và nội luật hoá các cam kết quốc tế này vào pháp luật trong nước…;  

5. Tăng cường cải cách tư pháp (hỗ trợ các nghiên cứu và sáng kiến về cải cách tư pháp mang tính liên ngành, được xác định triển khai trong quá trình thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp)[iv] 

Về phương pháp tiếp cận, Dự án được xây dựng trên nguyên tắc rất linh hoạt, có nghĩa là các bên thống nhất chỉ đưa ra các mục tiêu chung dài hạn và các kết quả chính. Văn kiện Dự án sẽ bao gồm Kế hoạch hoạt động năm đầu tiên (2010).  Kế hoạch hoạt động những năm tiếp theo sẽ được Bộ Tư pháp và UNDP xây dựng hàng năm trên cơ sở các kết quả cụ thể cũng như các hoạt động có liên quan, phù hợp tiến trình cải cách và nhu cầu của các bên vào thời điểm cụ thể.

Bà Setsuko Yamazaki cũng đánh giá cao sáng kiến của Nhóm cán bộ Bộ Tư pháp và UNDP trong việc đổi mới quy trình, phương pháp xây dựng Dự án hợp tác mới. Có thể nói đây là lần đầu tiên Sáng kiến này được áp dụng đối với Dự án của UNDP tại Việt Nam và bước đầu đã thành công. Theo quy trình mới này, thì việc xây dựng Văn kiện Dự án dựa chủ yếu vào sự chủ động phối hợp của các bên đối tác (UNDP, Bộ Tư pháp và các cơ quan khác của Việt Nam), chứ không đi theo cách truyền thống mà hầu hết các nhà tài trợ khác vẫn làm, tức là bắt đầu bằng việc thuê các Nhóm chuyên gia quốc tế vào Việt Nam tự nghiên cứu, đánh giá độc lập rồi kết thúc bằng việc đưa ra đề xuất hợp tác từ phía các nhà tài trợ.[v]  Với Dự án này của UNDP, sau khi  có chủ trương, định hướng của cấp lãnh đạo hai bên, Bộ Tư pháp đã chủ trì thu thập nhu cầu hợp tác của các cơ quan Việt Nam, xây dựng một Đề xuất tổng thể bằng văn bản, chủ động gửi nhà tài trợ. UNDP, trên cơ sở Đề xuất chính thức của phía Việt Nam, cân đối với nguồn vốn tài trợ, chính sách hỗ trợ và các lĩnh vực mang tính lợi thế mà tổ chức này vốn có, thảo luận cụ thể với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan để lựa chọn toàn bộ hoặc  một phần Đề xuất của phía Việt Nam, đưa vào nội dung Dự án trong một khung khổ lô gíc và khoa học. Toàn bộ 4/5 thời gian xây dựng Văn kiện Dự án và 99% nội dung chính của Dự án là do đóng góp của UNDP Việt Nam và các cơ quan Việt Nam. Chỉ sau khi thống nhất chính thức được các nội dung cơ bản (các Mục tiêu, kết quả chính) của Dự án, thì hai bên mới huy động một Nhóm chuyên gia (gồm 1 chuyên gia quốc tế am hiểu hệ thống pháp luật Việt Nam, có kinh nghiệm thiết kế Dự án và 2 chuyên gia Việt Nam) để hỗ trợ (chủ yếu là về mặt kỹ thuật) thiết kế Văn kiện Dự án theo đúng các yêu cầu về thể thức và kỹ thuật của UNDP và Chính phủ Việt Nam (Nghị định 131/NĐ- CP ban hành Quy chế quản lý  và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức). Phương thức và chu trình xây dựng Dự án nêu trên đòi hỏi sự chủ động tối đa về cả thời gian lẫn công sức, trí tuệ của nhà tài trợ và các cơ quan thụ hưởng của Việt Nam. Bộ Tư pháp, với tư cách là cơ quan điều phối Dự án, ngoài việc chủ trì thu thập nội dung ưu tiên của các cơ quan Việt Nam, tổng hợp thành Đề xuất tổng thể gửi UNDP, còn phải chịu trách nhiệm thiết kế, điều phối và tham gia các cuộc thảo luận trực tiếp giữa UNDP với các cơ quan Việt Nam về nhu cầu hợp tác của họ. Tuy phải dành nhiều thời gian phối hợp xây dựng Văn kiện Dự án, nhưng bù lại, các cơ quan của Việt Nam luôn có được tính tự chủ, trách nhiệm và đồng thuận đối với mọi nội dung hợp tác đã trình và được UNDP thống nhất. Còn về phía UNDP với tư cách là nhà tài trợ, do huy động được sự tham gia tối đa của phía các đối tác thụ hưởng, sẽ tiết kiệm được chi phí cao  và rút ngắn được đáng kể về thời gian cho việc thuê các nhóm chuyên gia quốc tế tiến hành toàn bộ các khâu xây dựng Dự án. Ngoài ra, quan trọng hơn, UNDP sẽ tránh được rủi ro về chất lượng các sản phẩm do chuyên gia được thuê độc lập tiến hành đánh giá, đề xuất.  Dự án hợp tác có được từ sự  chủ động tham gia của mọi bên đối tác sẽ là một sản phẩm phong phú về nội dung và khả thi về mọi khía cạnh (tiến độ, chất lượng sản phẩm đầu vào, đầu ra; các kết quả, mục tiêu tổng thể; tác động, ảnh hưởng ở tầm vĩ mô, chính sách v.v…). 

Thay mặt Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Thường trực Hoàng  Thế Liên đánh giá cao kết quả đã đạt được giữa UNDP và các cơ quan của Việt Nam. Thứ trưởng nhấn mạnh, toàn bộ 5 cấu phần chính của Dự án hợp tác mới giai đoạn 2010 – 2014 do UNDP tài trợ đều là các nội dung ưu tiên trong cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam, phù hợp với nhu cầu và định hướng ưu tiên phát triển ngành tư pháp. Dự án đánh dấu  thêm bề dày hoạt động của Liên Hợp quốc với tư cách là một trong những đối tác tiềm năng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác pháp luật, xét cả về mặt khối lượng cũng như chất lượng các chương trình, Dự án.  

Thứ trưởng Thường trực Hoàng  Thế Liên cảm ơn sự ủng hộ thiết thực và lâu dài của LHQ nói chung và UNDP nói riêng, khẳng định sự trân trọng và đánh giá cao những tình cảm, sự hỗ trợ và hợp tác quý báu mà các tổ chức của LHQ đã, đang và sẽ dành cho Việt Nam. Dự án hợp tác mới do UNDP tài trợ trong 5 năm tới sẽ góp phần tạo nguồn lực tổng hợp giữa nội lực và sự hỗ trợ quốc tế nhằm phát triển toàn diện cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam. Hai bên nhất trí giao các cán bộ của Bộ Tư pháp và UNDP tiếp tục cụ thể hoá các nội dung chính của Dự án hợp tác đã được thống nhất tại cuộc gặp này, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Giám đốc quốc gia UNDP khẳng định đội ngũ Liên hợp quốc tại Việt Nam đang nỗ lực phối hợp với Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế để có thể hỗ trợ Việt Nam một cách hiệu quả, đầy đủ và phù hợp với những ưu thế của hệ thống LHQ nhằm triển khai tốt các Chiến lược cải cách pháp luật và tư pháp, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội, các Nguyên tắc cũng như Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Bài  tiếp theo:  Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) - đối tác quan trọng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam điều phối hợp tác  pháp luật.  

                                  Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

 ________________________________________

Bài viết có liên quan:


[i] Tại cuộc gặp nêu trên với Điều phối viên của LHQ tại Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã  bày tỏ mong muốn Liên Hợp Quốc và các cơ quan của Liên Hợp Quốc tiếp tục mở rộng hỗ trợ Việt Nam trong  lĩnh vực cải cách tư pháp. Nguồn: “Việt Nam mong muốn tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tổ chức thuộc Liên Hợp quốc (Cổng thông tin điện tử Thông tấn xã Việt Nam ngày 29/11/2008);  “Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp ông John Hendra, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam. “  Cổng Thông tin điện tử  Chính phủ, ngày 29/11/2008.

[iii] Việc thực hiện các hoạt động này dự kiến sẽ do nhiêù cơ quan cùng phối hợp: Quốc hội (Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội…), Chính phủ, các cơ quan chức năng của Chính phủ, trong đó có  Bộ Tư pháp (chủ trì - Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý)…

[iv] Hiện nay, trong khuôn khổ Dự án VIE/02/015 do UNDP tài trợ,  Ban thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TW đang phối hợp với UNDP, Bộ Tư pháp và một số cơ quan pháp luật và tư pháp tiến hành các hoạt động đầu tiên nhằm thảo luân  và thống nhất  triển khai nghiên cứu "Mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan tư pháp ở một số nước trên thế giới nhằm đề xuất, kiến nghị hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp Việt Nam”. Mục tiêu chung của hoạt động này là nhằm góp phần đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp Việt Nam theo yêu cầu của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trong khuôn khổ Dự án hợp tác mới do UNDP tài trợ, đây sẽ là hoạt động đầu tiên được Ban Thư ký Ban Chỉ đạo CCTP tiếp tục triển khai ngay từ năm đầu tiên của Dự án mới (năm 2010), trên cơ sở các kết quả đạt được từ một số hoạt động đã triển khai trong năm 2009.. 

[v] Đây là cách xây dựng Dự án mà nhiều nhà tài trợ khác hiện đang vẫn tiến hành (ví dụ Đan Mạch, EU…). Tuy nhiên, trên thực tế, phương thức này đã bộc lộ những hạn chế nhất định, do không có được sự chủ động phối hợp từ  phía các cơ quan Việt Nam ngay từ giai đoạn đầu của quá trình thiết kế Dự án. Việc chuyên gia quốc tế và nhà tài trợ tự  nghiên cứu, đánh giá  độc lập về cải cách pháp luật và tư  pháp của Việt Nam đôi khi sẽ dẫn đến những nhận định không chính xác, do thiếu thông tin và kinh nghiệm cần thiết áp dụng vào bối cảnh cụ thể của Việt Nam.  Đặc biệt, nếu những đánh giá, đề xuất của chuyên gia độc lập lại được các nhà tài trợ sử dụng như  một nguồn cơ sở chính thức và duy nhất để xây dựng văn kiện Dự án, mà thiếu sự tham vấn và nhất trí của các cơ quan Việt Nam, thì sẽ là tuỳ tiện. Nội dung các Dự án hợp tác, nếu chỉ dựa trên các lĩnh vực ưu tiên và các mối quan tâm riêng của các nhà tài trợ, mà không xuất phát từ  nhu cầu ưu tiên  của các cơ quan Việt Nam (do chính các cơ quan Việt Nam đề xuất vào thời điểm xây dựng Văn kiện Dự án), sẽ dễ dẫn đến  không phù hợp, thiếu thực tiễn, khó khả thi và gây lãng phí nguồn vốn tài trợ.  Tại cuộc họp định kỳ giữa các nhà tài trợ trong lĩnh vực pháp luật, do UNDP tổ chức ngày 13/5 vừa qua tại Văn phòng UNDP tại Hà Nội, ý kiến đóng góp  này đã được đại diện UNDP và bản thân tác giả bài viết này chia sẻ, và đã nhận được sự  ủng hộ tiếp thu của nhiều nhà tài trợ.  Cũng cần nói thêm, ngoài UNDP, thì gần đây, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp, Cơ quan Phát triển quốc tế Canada  (CIDA) đã  áp dụng phương thức xây dựng Dự án với sự huy động tối đa tính chủ động  đề xuất, tham gia, điều phối của đối tác  Việt Nam (Bộ Tư pháp), và cũng đã bước đầu hứa hẹn thành công với Dự thảo Văn kiện Dự án Phát triển lập pháp (đang được hoàn thiện để trình các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam).