Ngày 12/5/2009, Bộ Tư pháp đã chính thức có Công văn số 1491/BTP-PLDSKT do Thứ trưởng Đinh Trung Tụng ký gửi tới Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp để lấy ý kiến góp ý bằng văn bản về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập kế hoạch và tổ chức xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (điểm b khoản 3 Điều 12). Trong thời gian qua (từ năm 2008 đến nay), Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình.
Để chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Chương trình, Bộ Tư pháp đã có công văn chính thức gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN, Ngân hàng Nhà nước VN, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Liên minh hợp tác xã Việt Nam để lấy ý kiến bằng văn bản dự thảo chương trình với các nội dung cơ bản như sau:
1. Về mục tiêu của chương trình
Mục tiêu chương trình có mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể:
1.1. Mục tiêu chung: Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp có mục tiêu chung là thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp nhằm giúp doanh nhân, người quản lý doanh nghiệp nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực thi tốt pháp luật phục vụ kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
- Khắc phục triệt để tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật;
- Doanh nghiệp được tiếp cận miễn phí thông tin pháp luật thường xuyên của các cơ quan từ trung ương tới địa phương;
- Đáp ứng yêu cầu về tài liệu, tư liệu về pháp luật kinh doanh để xây dựng tủ sách pháp luật của doanh nghiệp;
- Đáp ứng cơ bản nhu cầu bồi dưỡng kiến thức tối thiểu về pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp;
- Đưa hoạt động giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp đi vào nề nếp;
- Hình thành cơ chế tiếp thu, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện hệ thống pháp luật;
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các vùng sâu, vùng xa được tham gia bồi dưỡng pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí;
- Phấn đấu 80% cán bộ pháp chế doanh nghiệp được bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ pháp luật dưới nhiều hình thức và được cập nhật kiến thức về pháp luật để đáp ứng yêu cầu về công tác pháp chế trong doanh nghiệp;
- Phấn đấu 90% cán bộ, công chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ này.
2. Về nội dung chương trình
Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
2.1. Thông tin pháp luật cho doanh nghiệp
2.1.1. Xây dựng và vận hành trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
- Xây dựng và vận hành trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Hệ thống hoá và cập nhật văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
+ Giải đáp trực tuyến về việc áp dụng pháp luật trong sản xuất, kinh doanh;
+ Tập hợp, tiếp nhận các kiến nghị hoàn thiện pháp luật của doanh nghiệp;
+ Diễn đàn về công tác pháp chế cho doanh nghiệp.
- Thường xuyên nâng cấp, cập nhật cơ sở dữ liệu về nhằm hệ thống hoá văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp khai thác nhanh, kịp thời các văn bản pháp luật kinh doanh.
2.1.2. Xây dựng tài liệu pháp luật để phổ biến, cung cấp kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp
- Xây dựng tài liệu cung cấp kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh;
- Xây dựng tài liệu cung cấp néi dung các văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp;
- Xây dựng tài liệu cung cấp kiến thức pháp luật hướng dẫn thực hiện các cam kết của Việt Nam, các thoả thuận thương mại - đầu tư song phương với các nước.
2.2. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp
Tổ chức các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn kiến thức pháp luật cho người quản lý của doanh nghiệp theo các chủ đề pháp luật có liên quan trực tiếp đến việc quản lý, điều hành của doanh nghiệp như: sở hữu, thực hiện quyền sở hữu đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp; soạn thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng; đầu tư, sở hữu trí tuệ, đất đai, môi trường, thương mại, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp…
2.3. Nâng cao nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp cho đối tượng là cán bộ pháp chế doanh nghiệp, luật sư, luật gia là t vấn pháp lý cho doanh nghiệp
- Điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực trạng cán bộ làm công tác pháp chế, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhằm đánh giá chính xác nhu cầu để nâng cao nghiệp vụ cho người làm tư vấn pháp luật, công tác pháp chế trong doanh nghiệp;
- Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho người làm tư vấn pháp luật, công tác pháp chế trong doanh nghiệp;
- Tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật cho người làm tư vấn pháp luật, người làm công tác pháp chế trong doanh nghiệp.
2.4. Hỗ trợ pháp lý toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chương trình hỗ trợ pháp lý toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bao gồm những nội dung sau:
- Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DNNVV;
- In ấn, cấp miễn phí những tài liệu pháp luật cung cấp kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh tại nội dung thứ nhất của Chương trình;
- Biên soạn, in ấn, cấp các tờ rơi, tờ gấp, sổ tay về những nội dung pháp luật cơ bản mà người quản lý doanh nghiệp cần phải biết;
- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật miễn phí cho DNNVV như các lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp lý cơ bản liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kỹ năng, kiến thức soạn thảo đàm phán hợp đồng trong kinh doanh; về vận dụng pháp luật trong kinh doanh; quản lý điều hành của doanh nghiệp; các quy định của WTO, hội nhập kinh tế quốc tế…;
- Thực hiện tư vấn, giải đáp miễn phí về pháp luật cho DNNVV, đặc biệt là các DNNVV tại các vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng địa bàn khó khăn;
- Hỗ trợ thành lập, nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm Thông tin, Tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
2.5. Nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
- Tổ chức các chương trình nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ, công chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
- Tăng cường cơ sở vật chất, tổ chức, nhân sự cho công tác tiếp nhận, giải đáp pháp luật, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện hệ thống pháp luật.
3. Về nguồn kinh phí thực hiện chương trình
3.1. Kinh phí thực hiện chương trình được đảm bảo từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.
3.2. Kinh phí Chương trình:
- Tổng kinh phí dự tính cho toàn bộ Chương trình từ năm 2009 - 2014 là 193,41 tỷ đồng;
- Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch hoạt động của Chương trình, Bộ Tư pháp lập dự toán kinh phí để bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
4. Về tổ chức thực hiện chương trình
4.1. Thời gian thực hiện
a) Thời gian thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Chương trình được xác định trong 05 năm (2009 đến 2014).
b) Năm 2009: Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình, quy chế quản lý chương trình, tổ chức biên soạn tài liệu, thực hiện thí điểm các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
c) Từ năm 2010 - 2013: Triển khai các nội dung của Chương trình. Hàng năm Bộ Tư pháp tổ chức sơ kết đánh giá mặt được và chưa được, xác định rõ nhu cầu pháp lý cần hỗ trợ, đề xuất bổ sung các giải pháp báo cáo Thủ tướng để điều chỉnh chương trình đạt hiệu quả thiết thực.
d) Năm 2014: Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, trên cơ sở đó khẳng định những mô hình hỗ trợ pháp lý phù hợp; nâng cao nhận thức rõ rệt về công tác pháp chế doanh nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của doanh nghiệp.
4.2. Tổ chức điều hành chương trình
- Thành lập Ban Điều hành Chương trình do Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
- Tổ Thư ký giúp việc Ban Điều hành do Trưởng ban quyết định thành lập.
4.3. Phân công trách nhiệm
4.3.1. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình; ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chương trình và quy chế quản lý chương trình và lập kế hoạch chỉ đạo, triển khai chương trình; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình.
4.3.2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ kế hoạch và đầu tư lập kế hoạch, bảo đảm cấp phát kinh phí thực hiện Chương trình; phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện chương trình.
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình không phải là văn bản quy phạm pháp luật, do đó, trước ngày 19/5/2009, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp về dự thảo Quyết định Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Chương trình. Hoàn thiện dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về Chương trình để xem xét hoàn thiện dự thảo, giải trình tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành để báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2009.
Trần Minh Sơn