Tình hình hoạt động của Bộ Tư pháp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế hai năm sau khi gia nhập WTO

29/04/2009

1. Công tác xây dựng pháp luật

Kể từ sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO, liên quan đến mảng công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đã tích cực và chủ động soạn thảo, trình Quốc hội, Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực thi các cam kết gia nhập WTO. Cụ thể, trong hai năm 2007 và 2008, Bộ Tư pháp đã chủ trì soạn thảo nhiều văn bản liên quan trực tiếp đến việc thực thi các cam kết gia nhập WTO như: Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi); Luật Thi hành án dân sự; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999; Luật Bồi thường Nhà nước; Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm; Luật Đăng ký bất động sản; Luật Tương trợ tư pháp..., Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư về tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 về tư vấn pháp luật của tổ chức xã hội...

Bên cạnh việc chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp còn là thành viên của các Ban soạn thảo, Tổ biên tập soạn thảo các Luật, Pháp lệnh, Nghị định có liên quan đến việc thi thực cam kết WTO do các Bộ, ngành khác chủ trì.

Trong công tác thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nội dung thẩm định nhằm đảm bảo sự phù hợp của các dự thảo Luật, pháp lệnh... với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong đó có cả các cam kết WTO đã được Bộ Tư pháp chú trọng, triển khai nghiêm túc. Đây là một trong những nội dung bắt buộc phải có trong báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp. Trong hai năm 2007 và 2008, Bộ Tư pháp mỗi năm thẩm định gần 400 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Liên quan đến công tác đàm phán các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Tư pháp luôn tích cực, chủ động tham gia thông qua việc cử cán bộ tham gia đoàn đàm phán, chuẩn bị phương án đàm phán và trực tiếp đàm phán những nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ, cụ thể là tham các đoàn đàm phán Khu mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Australia - New Zealand, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - EU, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản; cử cán bộ tham gia đàm phán các Hiệp định trong khuôn khổ ASEAN, các hiệp định về bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác khác như Hoa Kỳ, Canada, ..., tham gia đàm phán trong khuôn khổ WTO.

Ngoài việc trực tiếp tham gia đàm phán các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập, Bộ Tư pháp còn là cơ quan đảm nhận việc thẩm định các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết. Khối lượng công việc của lĩnh vực công tác này khá nặng nề và phức tạp, đặc biệt trong hai năm vừa qua khi Việt Nam tăng cường đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế ở các cấp độ từ song phương, khu vực đến quốc tế. Trong 2 năm 2007 - 2008, Bộ Tư pháp đã góp ý và thẩm định hàng trăm điều ước quốc tế trong đó chiếm số lượng đáng kể là các điều ước quốc tế có liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Công tác triển khai Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 20/02/2007 của Chính phủ về Chương trình hành động sau khi gia nhập WTO

Tại Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, Bộ Tư pháp được giao chủ trì hai nhiệm vụ là (1) rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong nước để đề xuất việc sửa bổi, bổ sung hay ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo sự tương thích với cam kết WTO và (2) chủ trì xây dựng và triển khai Kế hoạch đào tạo đội ngũ luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, được trang bị kỹ năng tham gia tranh tụng quốc tế.

Liên quan đến công tác rà soát pháp luật theo Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007

 Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát, tổng hợp, phân tích, đánh giá các kết quả rà soát pháp luật theo yêu cầu của Nghị quyết 16/2007/NQ-CP. Việc rà soát được tiến hành thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (tháng 1-6/2007): ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, các Bộ, ngành đã triển khai hoạt động rà soát theo quy định. Kết quả rà soát giai đoạn 1 này đã được Bộ Tư pháp tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ (Công văn số 2902/BTP-PLQT của Bộ Tư pháp ngày 04/7/2007). Giai đoạn 2 (tháng 7/2007 - 12/2007): sau khi có kết quả rà soát pháp luật bước đầu, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương cập nhật kết quả rà soát pháp luật. Trên cơ sở tổng hợp kết quả rà soát của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 628/BTP-PLQT ngày 10/3/2008 gửi các Bộ, ngành lấy ý kiến về kết quả rà soát pháp luật. Các Bộ, ngành đã có văn bản góp ý dự thảo Báo cáo của Bộ Tư pháp. Dự thảo kết quả rà soát pháp luật đã được đưa ra trao đổi, thảo luận và lấy ý kiến trực tiếp của các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước thông qua hai hội nghị được tổ chức tại Hà Nội và Ninh Thuận vào tháng 6/2008.

Bộ Tư pháp đã tiếp thu các ý kiến góp ý để chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ (Báo cáo số 192/BC-BTP của Bộ Tư pháp ngày 09/12/2008). Tổng số văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương được rà soát có liên quan đến cam kết của Việt Nam trong WTO là 438 văn bản, bao gồm 48 Luật, 5 Nghị quyết của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội, 18 Pháp lệnh, 125 Nghị định của Chính phủ, 32 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 4 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 18 Thông tư liên tịch, 72 Thông tư của các Bộ, ngành, 111 Quyết định cấp Bộ, 5 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Số lượng văn bản cần sửa đổi bổ sung là 43 văn bản bao gồm 10 Luật, 15 Nghị định, 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 6 Thông tư và 4 Quyết định cấp Bộ. Số lượng văn bản đề nghị ban hành mới là 52 văn bản bao gồm 13 Luật, 12 Nghị định, 9 Quyết định/Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 13 Thông tư và 5 Quyết định cấp Bộ.

Ngày 06/01/2009, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 76/VPCP-QHQT thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các công việc liên quan để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo kiến nghị trong báo cáo của Bộ Tư pháp về Kết quả rà soát pháp luật thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ. Những nhiệm vụ cụ thể mà Bộ Tư pháp được giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện là:

- Thông báo kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trình tại Báo cáo đến các Bộ, ngành và địa phương trên toàn quốc;

- Trên cơ sở kết quả rà soát, hướng dẫn các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ các văn bản liên quan;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chi tiết Danh mục các cam kết gia nhập WTO áp dụng trực tiếp và đề xuất phương án xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện các nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Bản đề xuất Danh mục các cam kết gia nhập WTO áp dụng trực tiếp và phương án xử lý gửi các Bộ, ngành có liên quan cho ý kiến (Công văn số 913/BTP-PLQT ngày 27/3/2009). Sau khi có ý kiến chính thức của các Bộ, ngành, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp và làm báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến công tác đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư

Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Đề án "Đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008 - 2010" theo phân công tại Nghị quyết 16/2007/NQ-CP. Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 14/5/2008. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang triển khai thực hiện Đề án. Ngoài ra, Bộ cũng đang trong quá trình xây dựng Đề án "Phát triển luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế" dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2009.

3. Về các công việc khác                     

Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã tham gia các công tác liên quan đến pháp luật trong hội nhập kinh tế quốc tế như tham gia góp ý kiến cho việc đàm phán trong khuôn khổ WTO; góp ý Đề án "Nghiên cứu tác động hội nhập, cam kết gia nhập WTO và các cam kết đa phương, song phương khác, chính sách, biện pháp thực hiện thích ứng"; góp ý "Chiến lược tổng thể và các chính sách bảo hộ sản xuất công nghiệp trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế của WTO"; tham gia ý kiến đối với nội dung Bản rà soát, đánh giá nhu cầu và những ưu tiên về thuận lợi hoá thương mại trong WTO và một số chương trình hành động, chính sách khác. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, với số lượng các vụ tranh chấp thương mại quốc tế mà cơ quan Nhà nước hay Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam là một bên có liên quan tăng lên, Bộ Tư pháp tích cực tham gia xử lý.

Với vai trò là cơ quan chủ trì việc rà soát pháp luật nhằm thực thi các cam kết quốc tế nói chung và cam kết trong WTO nói riêng, Bộ Tư pháp đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế, về rà soát pháp luật cho các cán bộ pháp luật, tư pháp và đội ngũ luật sư trên toàn quốc góp phần nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho các đối tượng này.

Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật luôn có những thay đổi do tình hình cụ thể trong và ngoài nước. Để đảm bảo tính tương thích của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cần duy trì cơ chế rà soát pháp luật trong nước với nội dung các cam kết quốc tế của Việt Nam. Công việc đảm bảo sự phù hợp của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong nước với các cam kết quốc tế là công việc thường xuyên và lâu dài. Do đó, công tác rà soát pháp luật cần được cập nhật thường xuyên. Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp