Xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật: Phải nói cái dân cần

23/04/2009
Xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật: Phải nói cái dân cần
Ngày 23/4, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, Ban soạn thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã họp lần thứ hai nhằm tiếp tục đóng góp ý kiến cho dự án luật

Người nước ngoài sống tại Việt Nam cũng cần được PBPL

Đó là ý kiến của ông Đinh Ngọc Vượng, Viện Nhà nước và Pháp luật khi nói về đối tượng được PBGDPL trong dự thảo luật. Ông Vượng cho rằng, cần quy định có hai nhóm đối tượng được thụ hưởng đó là công dân Việt Nam đang sống ở Việt Nam và nước ngoài; đối tượng thứ hai là người nước ngoài đang sống tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng bên cạnh các cá nhân - chủ thể tham gia quan hệ xã hội thì cũng cần phải đưa vào đối tượng được PBGDPL là các tổ chức. Trên thực tế nhiều tổ chức (đương nhiên do một hoặc nhiều cá nhân làm đại diện) cũng có nhu cầu được phổ biến pháp luật. Theo ông Vũ Như Thăng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính thì trong trường hợp tổ chức có yêu cầu thì họ phải trả chi phí cho việc PBPL đó.

Về nội dung PBGDPL, trên thực tế hiện nay việc PBGDPL mới chỉ chú trọng các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, còn các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết thì gần như bị bỏ ngỏ. Một thành viên ban soạn thảo nhấn mạnh, trong thời kỳ hội nhập như hiện nay thì việc làm này là rất cần thiết.

Theo dự thảo Luật PBGDL quy định về cơ chế phổ biến thông tin pháp luật, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm “thông tin pháp luật”. Bởi lẽ, khái niệm này không chỉ dừng lại là việc phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mà còn là việc phổ biến việc thực thi, chấp hành ý thức pháp luật; là các thông tin phản hồi, dư luận xã hội…Tuy nhiên, mỗi năm, các Bộ ngành lớn (như Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo…) ban hành hàng chục ngàn văn bản hướng dẫn việc thực thi pháp luật, trả lời đơn thư công dân… Đem hết từng đó ra phổ biến thì không thể làm xuể. Các thành viên Ban soạn thảo đề nghị khoanh vùng khái niệm và làm rõ mối quan hệ giữa thông tin pháp luật và PBGDPL.

Phần lớn các ý kiến tại cuộc họp đều cho rằng, quy định về nội dung PBGDPL là cần thiết tuy nhiên nó phải sát với thực tế, phải phù hợp với từng đối tượng, vùng miền để tránh lãng phí. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng không nên liệt kê các hình thức PBGDPL cụ thể bởi mỗi nơi là mỗi cách làm khác nhau và nó mang tính quy trình nghiệp vụ. Nhưng, một số lại cho rằng, dự thảo luật cần quy định rõ các hình thức PBGDPL, trong đó khuyến khích việc tìm tòi, sáng tạo các hình thức mới để phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương.

Ngân sách nhà nước là chủ đạo

Thực tiễn những năm qua, công tác PBGDPL cho thấy, nhưng nơi nào địa phương quan tâm tạo điều kiện về kinh phí thì nơi đó hoạt động PBPL sẽ có hiệu quả. Hiện nay, kinh phí phục vụ cho công tác PBGDPL được thực hiện theo Thông tư 63 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, do kinh phí còn phụ thuộc vào ngân sách ở từng đơn vị địa phương nên không đồng đều. Đặc biệt những địa phương ngân sách phải do TW cấp thì hoàn toàn không có mục chi cho công tác PBGDPL. Bà Hồ Xuân Hương, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp Hà Nội nhấn mạnh: không có kinh phí thì dù có nói hay đến mấy cũng không thực hiện được. Tuy nhiên, vấn đề này phải được quy định trong Luật như thế nào để tránh sự tùy nghi. Bà Hương ví dụ, như trong hoạt động hòa giải, quy định tùy từng điều kiện ở mỗi địa phương mà bố trí kinh phí…Quy định này khiến nhiều địa phương dù có điều kiện nhưng cũng “lờ” đi.

Theo dự thảo luật, việc đảm bảo kinh phí phục vụ công tác PBGDPL là một trong những chính sách của nhà nước. Hàng năm nhà nước bố trí ngân sách cho công tác PBGDPL. Kinh phí cho hoạt động này được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của ngân sách các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tuy nhiên khi xác định hoạt động PBGDPL phải được xã hội hóa, thì theo ông Nguyễn Văn Pha, ủy viên thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng cần phải huy động sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân có điều kiện.

Thu Hằng