Cơ quan Đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM: Kênh truyền tải chủ trương, chính sách kịp thời, hiệu quả và tiết kiệm nhất

17/03/2009
Cơ quan Đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM: Kênh truyền tải chủ trương, chính sách kịp thời, hiệu quả và tiết kiệm nhất
Ngày 17/3/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trao “Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Đại diện (CQĐD) Bộ Tư pháp tại TP.HCM”.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu: “Chúng ta cùng nhớ ơn của các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp thời kỳ trước chúng ta, đặc biệt là cố Bộ trưởng Phan Hiền và cố Thứ trưởng Nguyễn Thị Nhơn – những người bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy và tâm huyết của mình cho sự ra đời và phát triển của Văn phòng 2, Bộ Tư pháp. Theo Bộ trưởng, đối với công tác tư pháp, yêu cầu đặt ra lúc này là bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của từng vùng, từng địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật và những vấn đề phát sinh từ thực tiễn xây dựng và thi hành pháp luật. Việc trao thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguồn lực vật chất và con người, cũng như nâng vị thế từ Văn phòng 2 lên CQĐD là bước phát triển hợp lý, cần thiết. Đồng thời, “CQĐD trở thành cánh tay nối dài của Bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tư pháp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam; một kênh truyền tải chủ trương, chính sách của Bộ Tư pháp, sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ đối với các tỉnh, thành phía Nam một cách kịp thời, hiệu quả và tiết kiệm nhất; một vinh dự, một kỳ vọng lớn mà ngành tư pháp, Bộ Tư pháp, trong đó có cá nhân tôi, gửi gắm vào các đồng chí, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề mà cán bộ, công chức CQĐD gánh vác” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Từ tầm quan trọng đó, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị, cần quán triệt sâu rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đến từng cán bộ, công chức thuộc cơ quan. Theo đó, cụ thể hóa những chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực toàn cơ quan và từng đơn vị, cá nhân. Bên cạnh đó, phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chất trong hoạt động của CQĐD so với Văn phòng 2 trước đây. Trước mắt, cần khắc phục khó khăn, về lâu dài, Bộ đang làm hết sức mình đế Bộ Xây dựng, các cấp chính quyền TP.HCM quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và trụ sở làm việc cho CQĐD, tương xứng với vị thế và chức năng, nhiệm vụ được trao. Bộ trưởng cũng đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND, các ban, ngành, đoàn thể tại TP.HCM tiếp tục giúp CQĐD trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về công tác tư pháp trên địa bàn, hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc để CQĐD thực thi tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường mong rằng cuối nhiệm kỳ này CQĐD sẽ hiến kế cho Bộ nhiều “cái mới” trong vai trò là cánh tay nối dài của Bộ ở phía Nam. “Làm sao CQĐD là “một Bộ” thứ hai tại TP.HCM, nhưng trước tiên phải bắt đầu tư nhận thức” – Bộ trưởng nhấn mạnh như thế. Bộ trưởng nói tiếp, “tín hiệu vui đối với tôi là ngay trong chương trình, nhiệm vụ của CQĐD vạch ra đã cho thấy “thở hơi thở của Bộ”.

Bên cạnh đó, CQĐD được thành lập trên cơ sở thường trực của Văn phòng Bộ tại TP.HCM là cơ quan đại diện cho Bộ Tư pháp trong các hoạt động, quan hệ công tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ tỉnh Ninh Thuận trở vào. Bà Cao Thanh Thảo, Phó Vụ trưởng, CQĐD tại TP.HCM cho biết, từ ngày 17/3/2009, một đơn vị mới trong cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp chính thức ra mắt các ngành, cấp, đơn vị Trung ương và địa phương; thể hiện một bước phát triển mới của ngành trong đời sống chính trị – xã hội đất nước, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác tư pháp. Trong giai đoạn chuyển mình, chắc chắn sẽ gặp những khó khăn; nhiều thay đổi lớn, nhưng CQĐD đang chủ động đón nhận một cách tích cực sự thay đổi này - bà Thảo nói.

Phong Trần

Phương hướng nhiệm vụ vu của Cơ quan đại diện năm 2009

Theo ông Nguyễn Thái Phúc, Phó Vụ trưởng, Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM, năm 2009 có nhiều điều kiện cho việc triển khai nhiệm vụ công tác tư pháp. Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã dành cho ngành tư pháp sự quan tâm nhiều hơn, thể hiện rõ trong nội dung của hai Nghị quyết của Bộ Chính trị. Cạnh đó, vị thế của ngành trong hệ thống chính trị được nâng lên tầm cao mới.

Về công tác xây dựng thể chế, ông Phúc cho rằng cần nhanh chóng xây dựng các đề án làm cơ sở hoàn chỉnh về tổ chức bộ máy, nhân sự, về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; Nhanh chóng tuyển dụng mới, tìm nguồn bổ sung vào các chức danh còn thiếu cho đủ theo biên chế được phân bổ năm 2009; Xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho CBCC Cơ quan Đại diện...

Theo dõi toàn diện về công tác tổ chức nhân sự, phối hợp cùng với Cục Thi hành án dân sự và địa phương kiện toàn về tổ chức, cán bộ Cơ quan thi hành án dân sự địa phương cũng được CQĐD rất quan tâm. Đặc biệt, tham mưu cho việc chuyển giao việc quản lý một số công tác tổ chức từ Sở Tư pháp sang cho Thi hành án dân sự một số tỉnh gặp khó khăn... Bên cạnh đó, cơ quan này còn tham mưu cho Lãnh đạo Bộ giải quyết vấn đề hộ tịch, quốc tịch cho dân di cư tự do các tỉnh giáp biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia theo Chỉ thị số 31/2008/CT-TTg của Thủ Tướng Chính phủ...