Diễn đàn: “Thực trạng vi phạm pháp luật chiết nạp lậu Gas tại thị trường Việt Nam và giải pháp ngăn chặn”

25/02/2009
Diễn đàn: “Thực trạng vi phạm pháp luật chiết nạp lậu Gas tại thị trường Việt Nam và giải pháp ngăn chặn”
Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp (Câu lạc bộ), ngày 24/2/2009, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Câu lạc bộ phối hợp cùng Công ty luật hợp danh Bross và Cộng sự - doanh nghiệp Hội viên Câu lạc bộ tổ chức diễn đàn về thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chiết nạp lậu gas, với mong muốn cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh gas hướng tới một thị trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng cũng như của các doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính.

Tham dự diễn đàn có đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Lãnh đạo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế - Bộ Tư pháp; Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương; Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (C15) - Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ... cùng đại diện các hiệp hội và đông đảo các doanh nghiệp kinh doanh gas, các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về diễn đàn.

Các tham luận và ý kiến phát biểu của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp tại diễn đàn đã nêu lên thực trạng vi phạm pháp luật kinh doanh lậu gas, những hậu quả xảy ra và nguyên nhân dẫn tới ''vấn nạn'' này, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước có những giải pháp nhằm ngăn chặn, tiến tới hạn chế và triệt tiêu các vi phạm pháp luật về kinh doanh lậu gas.

 Về thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh gas

 Hiện nay, các hành vi sản suất, buôn bán gas (với tư cách là hàng hoá) giả và hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp kinh doanh gas đã được nhà nước cấp văn bằng bảo hộ, tập trung chủ yếu vào 2 loại vi phạm sau:    

Một là, thu gom bình gas của các doanh nghiệp khác và tẩy xoá các dấu hiệu, thương hiệu trên bình gas, rồi sau đó chiết nạp gas vào để bán ra thị trường;

Hai là, chiết nạp gas và các bình mang thương hiệu gas có uy tín để bán (có gian lận về trọng lượng). Việc chiết nạp lậu gas hiện nay được tổ chức có quy mô, nhiều tổ chức vi phạm có nhà máy chiết nạp trong các khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp.

 Những thiệt hại xảy ra đối với xã hội

- Bị giảm sản lượng kinh doanh gas: Đây là thiệt hại nói chung của các doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính;

- Thiệt hại lớn đối với các doanh nghiệp bị vi phạm do tổ chức, cá nhân khác chiết nạp lậu các thương hiệu uy tín của mình là ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu gas mà đây là tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp có được trong kinh doanh;

- Làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự, như vậy, thiệt hại ở đây không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính mà còn ảnh hưởng tới tính mạng, sức khoẻ người tiêu dùng; đặc biệt Nhà nước cũng bị thất thu thuế khoảng 80 tỉ đồng mỗi năm.

 Nguyên nhân của thực trạng nêu trên

Thứ nhất, thiếu hành lang pháp lý: gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhưng thực tế cho thấy trong gần 20 năm phát triển thị trường Gas cho đến nay chúng ta mới chỉ có một Thông tư số 15/1999/TT-BTM ngày 19/5/1999 của Bộ Thương mại về hướng dẫn kinh doanh khí đốt hoá lỏng; và một quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp số 36/2006/QĐ - BCN ngày 16/10/2006 về Ban hành Quy chế quản lý kỹ thuật an toàn về nạp khí hoá lỏng dầu mỏ vào chai. Còn rất nhiều đối tượng liên quan như trạm chiết nạp gas, kho bể chứa Gas, điều kiện vận chuyển, điều kiện đăng ký kinh doanh Gas vẫn chưa có văn bản nào quy định. Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng thị trường Gas hỗn loạn là do cấp phép tràn lan cho các trạm chiết và các công ty kinh doanh không đủ điều kiện chiết nạp. Theo đó, có quá nhiều thương hiệu đã được cấp phép dẫn đến việc cạnh tranh không bình đẳng, các công ty không kiểm soát được vỏ bình của mình. Điều này trthành gánh nặng cho các cơ quan quản lý. Như vậy, mặc dù là mặt hàng đặc thù nhưng với số lượng văn bản điều chỉnh quá thiếu và nhiều quy định còn bỏ ngỏ như trên là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển vi phạm trong kinh doanh gas như hiện nay. Những doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính đang rất cần một hành lang pháp lý an toàn cho hoạt động kinh doanh này.

Thứ hai, xlý vi phạm trong kinh doanh gas - chế tài chưa đủ mạnh: trong thực tiễn, việc xử phạt hành chính quá nhẹ so với hành vi vi phạm cùng với đó là việc áp dụng hình phạt theo chế tài hình sự không đảm bảo tính răn đe, giáo dục;

Thứ ba, sự thiếu ý chấp hành pháp luật và hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh gas là quá ''tinh vi'' gây khó khăn cho các cơ quan quản lý: do lợi nhuận từ việc chiết nạp gas lậu là rất lớn nên các cơ sở vi phạm bất chấp hậu quả và quy định của Nhà nước vẫn tiến hành các hành vi gian lận; Và sau cùng là ý thức của người tiêu dùng cũng là một trong những nguyên nhân góp phần tạo ra các tiêu cực nói trên.

 Giải pháp nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật chết nạp lậu Gas

Hoàn thiện chính sách pháp luật đó là một trong những ưu tiên hàng đầu mà các đại biểu nêu ra tại diễn đàn. Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công thương đang chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan soạn thảo Nghị định về kinh doanh khí hoá lỏng (LPG). Với mục tiêu xây dựng thị trường LPG kinh doanh theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm an toàn, ổn định (cả về nguồn và giá bán), bình đẳng và khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển thị trường LPG.

Ngoài ra, cần tăng cường sự quản lý của Nhà nước, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm và công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức của người tiêu dùng cũng là những giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng này.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao sáng kiến của Câu lạc bộ phối hợp cùng doanh nghiệp Hội viên tổ chức diễn đàn, Bộ Tư pháp ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, để từ diễn đàn này, Bộ Tư pháp có cơ sở cho việc góp ý, thẩm định dự thảo Nghị định về kinh doanh khí hoá lỏng, dự kiến trong Quý II năm 2009 Chính phủ sẽ ban hành Nghị định này. Đây cũng là dịp để Bộ Tư pháp thu thập thông tin phục vụ cho công tác “xây dựng và thi hành pháp luật” theo chức năng mới được Chính phủ giao trong Nghị định 93/2008/NĐ-CP ngày 22/08/2008 và theo tinh thần được nêu trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai công tác năm 2009 của ngành Tư pháp./.