“Luật phải đảm bảo để cung cấp thông tin tối đa cho người dân, giúp họ thực hiện được quyền làm chủ”. Đó là khẳng định của Phó trưởng ban soạn thảo dự án Luật Tiếp cận thông tin (TCTT), Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên tại cuộc họp ban soạn thảo lần thứ hai vào ngày 18/2.
Không phải thông tin mật là có thể tiếp cận
Một trong những vấn đề được quan tâm trong soạn thảo dự án Luật TCTT là những loại thông tin mà người dân có thể tiếp cận. Theo dự án Luật, “thông tin” là các tin tức, thông tin được soạn thảo, sở hữu và quản lý bởi các cơ quan, tổ chức trong khi các cơ quan, tổ chức thực thi nhiệm vụ của mình. Những thông tin này được thể hiện, sao chéo trong các tài liệu, bản vẽ, hình ảnh, phim, băng, các bản slide và các phương tiện trung chuyển được xử lý bằng máy vi tính…
Ý kiến của ông Nguyễn Chí Dũng (Văn phòng Quốc hội) cho rằng, cần phải phân loại các thông tin theo mức độ tiếp cận. Cơ bản có thể chia thành thông tin cung cấp sẵn để người dân có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng, rẻ (thậm chí miễn phí) và không cần khai báo danh tính. Loại thông tin này có thể được cung cấp qua việc đăng tải trên các trang web, ai có nhu cầu tự vào tìm hiểu, khai thác. Loại thông tin thứ hai là thông tin được cung cấp theo yêu cầu nghĩa là phải có đơn yêu cầu, dựa vào đó, cơ quan chức năng sẽ xem xét để cung cấp thông tin. Cuối cùng là loại thông tin được cung cấp có điều kiện, có thể là hạn chế cung cấp nếu người yêu cầu không đáp ứng một số điều kiện nhất định, hoặc chỉ cung cấp thông tin đó cho đích danh 1 cá nhân (không cấp cho bất kỳ ai khác, kể cả người thân thích, liên quan đến cá nhân có thông tin đó).
Tuy nhiên, đại diện của Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng, dự án Luật này được xây dựng nhằm giải quyết quyền TCTT của cá nhân, tổ chức nên đơn giản chỉ cần xác định, những thông tin được tiếp cận là những thông tin không phải là thông tin bí mật. Điều này đặt ra một vấn đề luôn được quan tâm ngay từ đầu khi soạn thảo dự án Luật TCTT là vấn đề thông tin mật và giải mật thông tin. Thực tế đã có tình trạng nhiều thông tin không đáng phải giữ bí mật thì vẫn bị đóng dấu mật, những thông tin đã hết thời gian phải giữ bí mật những vấn không được giải mật. Đây là rào cản không nhỏ cho người dân thực hiện quyền hiến định về TCTT.
Bên cạnh đó, thông tin được cung cấp cũng phải là những thông tin chính thống, còn các chính sách đang trong quá trình bàn thảo, dự thảo thì việc cung cấp thông tin liên quan hay không nên do cơ quan quản lý thông tin tự quyết định cho phù hợp.
Nghĩa vụ cung cấp thuộc về cơ quan hành chính nhà nước
Đó là phương án được đa số các thành viên ban soạn thảo tán thành bởi lý do hệ thống cơ quan này bao quát mọi thông tin mà người dân cần. Ngoài ra, dự án Luật nên có qui định để khuyến khích các cơ quan, tổ chức khác tham gia cung cấp thông tin cho người dân để tạo sự minh bạch, góp phần tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các cơ quan được uỷ quyền thực hiện dịch vụ công hoặc các cơ quan được đầu tư bằng ngân sách nhà nước.
Liên quan đến trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan hành chính nhà nước, dự án Luật đưa ra qui định về cán bộ phụ trách thông tin. Theo đó, mỗi cơ quan sẽ có một cán bộ độc lập đảm nhiệm vấn đề cung cấp và công khai thông tin ở các cơ quan hoặc qui định trách nhiệm cung cấp thông tin cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị; hoặc cơ quan, đơn vị tự bố trí nhân sự cho nhiệm vụ này. Tuy nhiên, xuất phát từ vấn đề tổ chức, nhân sự thì không nên qui định về cán bộ độc lập phụ trách thông tin bởi sẽ làm tăng nhân sự khi mỗi đầu mối cơ quan hành chính nhà nước đều phải có cán bộ phụ trách thông tin. Không những thế, hiện đã có qui định về người phát ngôn của các cơ quan, đơn vị nhưng bản thân qui định này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ thì rất khó để triển khai nếu qui định về cán bộ phụ trách thông tin.
Lý do nữa để đa số các thành viên ban soạn thảo thấy rằng không nên qui định về cán bộ phụ trách thông tin là bản thân cán bộ đó nhiều khi cũng không được cung cấp thông tin đầy đủ từ các đầu mối quản lý thông tin. Như vậy vô hình chung đã tạo ra một qui định ít có tính khả thi. Do đó, phương án được đa số chấp thuận là để bản thân các đầu mối quản lý thông tin tự cung cấp thông tin theo qui định của pháp luật.
Ông Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế - Bộ Tư pháp) thấy rằng, chức năng của dự án Luật TCTT là giải quyết mâu thuẫn giữa quyền TCTT của người dân nhưng vẫn đảm bảo được việc bảo vệ bí mật thông tin của nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Vì thế, quan trọng là phải xác định được “điểm dừng” trong quyền tự do TCTT của người dân. Trong đó, cần qui định rõ trách nhiệm đối với những người thực hiện không đúng nghĩa vụ cung cấp thông tin nhưng cũng phải nghiêm khắc đối với những người lạm dụng quyền TCTT để gây rối, hay sử dụng thông tin vào những mục đích không phù hợp, ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức, cơ quan, xã hội và an ninh quốc gia./.
Huy Anh
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (Bộ Tài chính): “Luật phải điều chỉnh để người cung cấp thông tin thực hiện được nghĩa vụ và người được cung cấp thông tin có thể hiểu và sử dụng tốt thông tin” Ông Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội): “Luật phải đi theo hướng bảo vệ người dân, cung cấp thông tin để người dân tự bảo vệ được mình”. Ông Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế - Bộ Tư pháp): “Trong mối quan hệ với các văn bản pháp luật hiện hành, Luật TCTT không làm thay các luật khác, mà chỉ phối hợp, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về quyền TCTT, Luật TCTT phải là luật gốc để các luật chuyên ngành qui định về vấn đề TCTT”. |