Đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự và thương mại giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Anh và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen

03/12/2008
Đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự và thương mại giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Anh và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen
Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Tư pháp Anh Rt Hon Jack Straw tháng 9 năm 2008, phía Anh đã đồng ý với sáng kiến của Việt Nam về việc đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa hai nước. Nhằm thực hiện sáng kiến này, ngày 25 tháng 11 năm 2008, Bộ Tư pháp Anh đã cử Đoàn chuyên gia sang Bộ Tư pháp để tiến hành đàm phán Vòng đầu tiên Hiệp định.

Vòng đàm phán được tiến hành tại Bộ Tư pháp từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 11 năm 2008. Đoàn chuyên gia Anh do Ông John Stacey, Phó Vụ trưởng Vụ Luật dân sự và tư pháp, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn. Đoàn Việt Nam do Ông Hoàng Phước Hiệp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn và bao gồm đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Toà án nhân dân tối cao.

1. Sự cần thiết đàm phán, ký Hiệp định

Cùng với sự phát triển của các quan hệ về lao động, thương mại, đầu tư... giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, nhu cầu hợp tác tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại cũng đang đặt ra. Việc hợp tác với nhau trong việc tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại là không thể thiếu trong quá trình giải quyết các vụ tranh chấp có liên quan đến công dân, pháp nhân và doanh nghiệp có liên quan đến hai nước. Hợp tác tương trợ tư pháp còn tạo ra cơ chế để đảm bảo các quyền nhân thân và tài sản giữa công dân và pháp nhân được đảm bảo, khiến cho các chủ thể yên tâm hơn khi tham gia vào các quan hệ dân sự, thương mại, góp phần thúc đẩy sự phát triển các quan hệ này trong thời gian tới. Mặt khác, việc đàm phán và ký Hiệp định này cũng tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Anh, trong bối cảnh giữa ta và bạn đang đàm phán và sắp đi tới ký kết Hiệp định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và Hiệp định về chuyển giao người bị kết án.

Về vấn đề này, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp thời gian tới đã chỉ đạo cần nghiên cứu việc ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước. Việc phía Anh chấp nhận sáng kiến đàm phán Hiệp định này đã khẳng định sự mong muốn tăng cường hợp tác gắn bó hơn nữa với Việt Nam nói chung cũng như thể hiện nhu cầu của cả hai nước về hợp tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại.

            2.Nội dung Dự thảo Hiệp định

            Để chủ động trong quá trình đàm phán, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (sau đây gọi tắt là Dự thảo Hiệp định). Vòng đàm phán lần này đã sử dụng Dự thảo Hiệp định do Việt Nam soạn thảo để làm cơ sở đàm phán.

            Dự thảo Hiệp định gồm có Lời nói đầu và 29 điều, quy định khá chi tiết và toàn diện về việc tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại cũng như việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự và quyết định của Trọng tài giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, cụ thể:

- Chương I: "Những quy định chung", gồm  14 Điều, quy định về các vấn đề: phạm vi tương trợ tư pháp, bảo hộ pháp lý, cách thức liên hệ, miễn giảm án phí, miễn cược án phí, chi phí tương trợ tư pháp, ngôn ngữ, hình thức và nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp, miễn hợp pháp hoá giấy tờ, tài liệu, các trường hợp từ chối tương trợ tư pháp;

- Chương II: "Tống đạt giấy tờ và thu thập chứng cứ", gồm 4 Điều, quy định về các hành vi tương trợ tư pháp cụ thể như: tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, giá trị của chứng cứ;

- Chương III "Triệu tập người làm chứng, người giám định", gồm 2 Điều quy định về việc triệu tập người làm chứng, người giám định và việc bảo vệ người làm chứng, người giám định;

- Chương IV "Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Toà án" và Chương V "Quyết định của Trọng tài", gồm 5 điều quy định về trình tự, thủ tục việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Toà án và quyết định của Trọng tài.

- Chương VI: "Những điều khoản cuối cùng" gồm 4 Điều, quy định về thời điểm có hiệu lực của Hiệp định và giải quyết bất đồng.

3. Kết quả đàm phán.

Trong ba ngày làm việc hiệu quả trên tinh thần cởi mở và  hiểu biết lẫn nhau, hai Bên đã cơ bản thống nhất được nhiều nội dung quan trọng của Dự thảo Hiệp định. Bên cạnh đó, thông qua đàm phán, hai Bên cũng đã có dịp để tìm hiểu các quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam và Anh liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại. Một số vấn đề còn chưa thống nhất như: phạm vi điều chỉnh của Hiệp định có bao gồm  vấn đề về hôn nhân, gia đình hay không; các quy định liên quan đến bảo vệ người làm chứng và người giám định, về công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài..., hai Bên sẽ xin ý kiến của các cơ quan hữu quan trong nước và sẽ thống nhất vào vòng đàm phán sau. Kết thúc đàm phán, hai Trưởng Đoàn đã ký Biên bản ghi nhớ và cùng thể hiện mong muốn thống nhất toàn bộ nội dung của Hiệp định vào Vòng đàm phán tới (dự kiến sẽ được tiến hành tại London- Anh vào Quý II năm 2009) để hai nước có thể  ký kết Hiệp định này trong năm 2009. 

Đặng Trung Hà - Vụ PLQT