Hội thảo quốc tế về trợ giúp pháp lý ở châu Á - Thái Bình Dương và hợp tác trợ giúp pháp lý cho người lao động nhập cư

26/11/2008
Hội thảo quốc tế về trợ giúp pháp lý ở châu Á - Thái Bình Dương và hợp tác trợ giúp pháp lý cho người lao động nhập cư
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2008 của Cục Trợ giúp pháp lý và Kế hoạch Dự án “Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam, 2005-2009”, trong thời gian 3 ngày (26 - 28/11/2008) tại Đà Nẵng, Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức Hội thảo quốc tế về trợ giúp pháp lý ở châu Á - Thái Bình Dương và hợp tác trợ giúp pháp lý cho người lao động nhập cư.

              Tham dự hội thảo có đồng chí Đinh Trung Tụng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, chủ trì hội thảo, đồng chí Tạ Thị Minh Lý - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý; 20 lãnh đạo Sở Tư pháp và 20 Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý đại diện cho các Sở Tư pháp và Trung tâm trợ giúp pháp lý trong toàn quốc. Đại diện các tổ chức chính trị xã hội (Trung ương Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn TNCSHCM); các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Hành chính Tư pháp); các Bộ ngành có liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội). Về phía các vị khác nước ngoài có đại diện của các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, Indonesia, Malayxia, Philippines, Lào, Campuchia, Hồng Kông, Đài Loan. 

              Hội thảo đã được nghe đồng chí Đinh Trung Tụng, thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc hội thảo; đồng chí Nông Thị Ngọc Minh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, đại diện đơn vị chủ nhà phát biểu chào mừng hội thảo; đồng chí Tạ Thị Minh Lý trình bày chuyên đề “Thực trạng vướng mắc pháp luật của người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài và vấn đề trợ giúp pháp lý cho người lao động”. Chuyên đề tập trung 3 nội dung về khái niệm di cư, pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam quy định về vấn đề về di cư; thực trạng di cư của Việt Nam và các vướng mắc pháp luật; những giải pháp đang được các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội áp dụng trong giúp đỡ pháp luật nhằm hạn chế tình trạng vi phạm quyền con người trong di cư và định hướng của trợ giúp pháp lý và hợp tác quốc tế. Tiếp đó, đại diện MFA đã trình bày tổng quan về lao động di cư ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; các cơ chế khu vực để bảo vệ người lao động di cư; đại diện IOM trình bày thực trạng di cư tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các vấn đề phát sinh. Đại diện ILO trình bày quyền cơ bản của người lao động di cư. Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước trình bày về thực trạng lao động di cư từ Việt Nam và những khó khăn trong việc giúp đỡ pháp luật cho người lao động ở nước ngoài. Ngoài ra, các đại biểu cũng được nghe nhiều tham luận từ Trung ương Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, tham luận của các Trung tâm trợ giúp pháp lý; tham luận của đại diện đến từ các nước trong khu vực trình bày về kinh nghiệm xây dựng chính sách và hỗ trợ để bảo vệ người lao động di cư... Trong 3 ngày hội thảo, các đại biểu tham dự sẽ tham gia thảo luận về các vấn đề người lao động di cư và hợp tác trợ giúp pháp lý cho người lao động di cư.

Vũ Hồng Tuyến - Cục Trợ giúp pháp lý