Hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Canada: Toàn diện, thiết thực và hiệu quả

28/11/2008
Canada là đối tác lớn trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện các kế hoạch cải cách và phát triển kinh tế – xã hội cho các nước đang phát triển nói chung, đồng thời cũng là đối tác có bề dày kinh nghiệm tài trợ cho các chương trình, dự án hợp tác phát triển tại Việt Nam nói riêng. Từ nhiều năm nay, Canada đã xây dựng được một quan hệ đối tác bền vững với Việt Nam, trên cơ sở tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Chính phủ Canada là một trong các nước đã có những hỗ trợ to lớn cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trên lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

Nhân chuyến thăm và làm việc của  Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái Bình dương của Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA) tại Bộ Tư pháp, chúng tôi xin điểm lại vài nét về hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt nam và Ca-na-da để thấy rõ hơn tác động tích cực của sự hỗ trợ kỹ thuật mà Bạn đã đóng góp cho công cuộc cải cách pháp luật  và tư pháp, xây dựng một nền pháp luật tiên tiến nhằm thực hiện tốt các kế hoạch cải cách và phát triển kinh tế – xã hội của  đất nước ta.

Hoạt động hợp tác pháp luật giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Canada được triển khai trên nhiều lĩnh vực khác nhau như tăng cường năng lực pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế; công tác thi hành án dân sự; nâng cao khả năng nghiên cứu và phân tích luật so sánh, đào tạo thẩm phán, tăng cường công tác hoà giải, tư vấn pháp luật tại cơ sở. Các hoạt động hợp tác này đã  được Bộ Tư pháp Việt Nam thực hiện  thông qua Dự án Hỗ trợ cải cách thực thi pháp luật (LERAP) (2002 – 2008), đang được thực hiện thông qua Dự án “Phát triển tư pháp và sự tham gia của cơ sở” (JUDGE) do CIDA Canada tài trợ (2005 – 2009) và dự kiến sắp tới sẽ được thực hiện thông qua Dự án về tăng cường công tác lập pháp (đang được xây dựng) (2009 – 2015). Ngoài ra, với một số Uỷ ban của Quốc Hội Việt Nam, Canada cũng đã có những hỗ trợ tích cực việc soạn thảo nhiều văn bản QPPL thông qua các hoạt động của Dự án hỗ trợ thực thi chính sách  (PIAP). Những hỗ trợ kỹ thuật của Canada đã góp phần tích cực vào công cuộc cải cách pháp luật  và tư pháp, xây dựng một nền pháp luật tiên tiến nhằm thực hiện tốt các kế hoạch cải cách và phát triển kinh tế – xã hội cho Việt Nam.

Canada là một trong số rất hãn hữu các nước có hệ thống pháp luật vừa thông lệ, vừa thành văn, được hình thành và phát triển trong thời gian hơn 200 năm. Hợp tác pháp luật với Canada được đánh giá là một trong những mảng hoạt động có hiệu quả nhất, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Những hỗ trợ kỹ thuật của Canada trong thời gian qua đã đóng góp tích cực cho việc xây dựng và thực thi pháp luật, phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Có thể kể đến một số kết quả tiêu biểu trong hoạt động HTPL với Canada thông qua một số Dự án, chương trình hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đã ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của Việt Nam như sau:

1.Dự án hỗ trợ cải cách pháp luật (LERAP) (2002 – 2008):

Một trong những kết quả chính mà Dự án này đã đạt được là “giúp Chính phủ Việt Nam hiểu rõ hơn các yêu cầu và xu hướng phát triển trong pháp luật thương mại quốc tế và khung pháp luật kinh tế trong nước để xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật phục vụ cho quá trình gia nhập WTO và hội nhập kinh tế quốc tế”. Với sự hỗ trợ của Dự án, hoạt động rà soát các văn bản QPPL phục vụ gia nhập WTO đã được thực hiện. Các kiến nghị là kết quả của hoạt động này đã được trình lên Chính phủ, Quốc hội Việt Nam và đã được tiếp thu trong quá trình xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội. Một chương trình lập pháp chặt chẽ, đồng bộ, đầy tính khả thi đã và đang được thực hiện nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong điều kiện phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần với yêu cầu ngày càng mạnh mẽ là tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và phát triển của các thành phần kinh tế, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu của các chủ thể kinh doanh…

2.Dự án hỗ trợ thực thi chính sách (PIAP)

Dự án PIAP do Canada hỗ trợ các Uỷ ban của Quốc hội Việt Nam đã được thực hiện qua hai giai đoạn: PIAP I trong các năm từ 1995 – 2001 và PIAP II từ 2001 đến 2007. Dự kiến PIAP III mới được ký kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các Uỷ ban của Quốc hội như Uỷ ban Tư pháp, Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban các vấn đề xã hội. Dự án PIAP qua các giai đoạn đều đã hỗ trợ tích cực cho việc nâng cao năng lực của Quốc hội về phân tích chính sách, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh và các chức năng giám sát. Cụ thể hơn, Dự án PIAP đã hỗ trợ các Uỷ ban của Quốc hội tăng cường công tác nghiên cứu và tham vấn ý kiến về các chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức hoạt động của Quốc hội nhằm hỗ trợ cho một chương trình cải cách sâu rộng, trước hết nhằm mục tiêu hội nhập kinh tế, phát triển xã hội, xây dựng thể chế và thông lệ công khai hơn, có tính trách nhiệm giải trình cao hơn trong các lĩnh vực pháp luật – tư pháp và bộ máy hành chính công. 

3.Dự án tăng cường năng lực tư pháp và sự tham gia của cơ sở (JUDGE):

Dự án này (do Toà án nhân dân tối cao điều phối thực hiện) đã được Toà án tối cao và Bộ Tư pháp phối hợp triển khai từ năm 2007 với mục tiêu chính là tăng cường năng lực thực thi pháp luật, trước hết tập trung vào nâng cao năng lực của các thẩm phán. JUDGE được Chính phủ Việt Nam và các toà án Việt Nam ủng hộ, đồng thời cũng hỗ trợ các cơ quan này trong việc tăng cường năng lực cho các thẩm phán và các cán bộ của toà án, nâng cao kiến thức về các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế (kể cả việc nội luật hoá các tiêu chuẩn đó), cải thiện sự nhận thức của xã hội về thẩm phán; đồng thời tiến hành thí điểm các chương trình cải cách quản lý thủ tục toà án ở một số toà án. Các hoạt động đã, đang và sẽ được tiến hành trong khuôn khổ JUDGE sẽ góp phần tăng cường minh bạch hoá và tính hiệu quả của hệ thống tư pháp đặc biệt là ở cấp quận huyện, trên cơ sở xây dựng niềm tin của nhân dân vào khả năng tiếp cận công lý thông qua toà án. Trên cơ sở xây dựng một mô hình nâng cao năng lực và đào tạo đội ngũ thẩm phán và hoà giải viên cơ sở, đồng thời hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự ở rộng các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật ở cộng đồng, Dự án sẽ giúp toàn bộ hệ thống pháp luật từ trên xuống dưới trở nên minh bạch hơn và thống nhất hơn. JUDGE cũng sẽ góp phần hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự được cập nhật thông tin nhiều hơn và tham gia tích cực hơn vào chương trình cải cách của Chính phủ. Với năng lực được nâng cao, các thẩm phán sẽ tham gia tích cực và hiệu quả hơn vào quá trình giải quyết các tranh chấp thương mại. Dự án JUDGE sẽ được thực hiện trên nguyên tắc hiệp lực, cùng tham gia, và bền vững nhằm đảm bảo các kết quả đạt được vừa mang tính tổng thể vừa có thể vận dụng được vào toàn bộ quá trình cải cách tư pháp, góp phần phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

4. Đoàn đại biểu cấp cao các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam thăm và làm việc Canada:

Tháng 9 năm 2004, Đoàn đại biểu cấp cao các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên TW Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp dẫn đầu đã thực hiện thành công chuyến khảo sát các vấn đề vĩ mô của hệ thống pháp luật và tư pháp của Canada.  Toàn bộ các kiến nghị của Đoàn sau chuyến công tác này đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt. Trong số đó phải kể đến kiến nghị về việc nghiên cứu mô hình chuẩn hoá công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL ở Canada, đặc biệt là vai trò của Chính phủ trong việc nghiên cứu, hoạch định, đề xuất các chính sách trong công tác lập quy, vấn đề điều phối công tác soạn thảo, ban hành pháp luật của Văn phòng Chính phủ Canada, nghiên cứu cơ chế phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật. Các kiến nghị nêu trên của Đoàn công tác, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã trở thành cơ sở cho việc xây dựng Dự án hợp tác mới với Canada về phát triển lập pháp.

5. Dự án đang trong quá trình đàm phán, xây dựng:  Dự án về Phát triển lập pháp (2009 -2015)

Trên cơ sở  Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các kiến nghị của Đoàn đại biểu cấp cao các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam thăm và làm việc tại Canada tháng 9.2004, từ cuối năm 2006 đến nay, Bộ Tư pháp đã chủ động đề xuất, phối hợp với CIDA tại Việt Nam và các chuyên gia kỹ thuật của tổ chức này thảo luận, đàm phán để xây dựng, thống nhất các nội dung cơ bản của Dự án mới. 

Tháng 7.2008, Bộ trưởng Hợp tác quốc tế của Canada đã sang thăm Việt Nam và hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường. Tại buổi làm việc này, hai bên đánh giá cao quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp mà hai nước đã đạt được và thống nhất sẽ tăng cường hơn nữa quy mô và nội dung hợp tác, trước mắt là trong khuôn khổ Dự án hợp tác đang được xây dựng.

Trên cơ sở các đề xuất của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và nội dung đã thống nhất tại cuộc gặp Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Canada, tháng 8.2008, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với CIDA và các chuyên gia vào làm việc với Bộ Tư pháp và 8 Bộ có liên quan nhằm tìm hiểu nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực lập pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường  để hoàn thiện  văn kiện Dự án tăng cường công tác lập pháp. Căn cứ vào các kết quả đã thu nhận được từ đề xuất bằng văn bản của Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan (8 Bộ), đồng thời dựa trên mối quan tâm ưu tiên trong chính sách ODA của Canada, Bạn đã chấp nhận đưa vào Đề xuất trình Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Canada hỗ trợ Bộ Tư pháp và một số Bộ ngành có liên quan về công tác hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản  quy phạm pháp luật và hoàn thiện pháp luật về kinh tế, thương mại. Mục tiêu chính của Dự án này là hoàn thiện quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ trực tiếp việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Dự kiến các cơ quan thực hiện Dự án mới sẽ là Bộ Tư pháp và một số cơ quan có liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số bộ, ngành có liên quan sẽ tiếp tục được xác định trong quá trình khởi động triển khai Dự án sau này). Hiện nay, Đề xuất Dự án đã được hoàn thiện và đang được trình Bộ trưởng HTQT Canada phê duyệt. Nếu được phía Canada phê duyệt chính thức, Bộ Tư pháp và CIDA tại Việt Nam sẽ xây dựng Bản Ghi nhớ trình cơ quan có thẩm quyền của hai nước ký kết và đưa vào thực hiện cuối năm 2009. Dự án mới này, nếu được Chính phủ hai nước phê duyệt, sẽ là một trong những Dự án ODA lớn về quy mô tài chính và đa ngành nhất về các cơ quan thụ hưởng trong các Dự án hợp tác pháp luật do Canada tài trợ cho Việt Nam. Dự án Phát triển lập pháp sẽ lần đầu tiên hỗ trợ một cách bài bản và toàn diện nhất việc đổi mới, hoàn thiện quy trình lập pháp, lập quy của Việt Nam, đóng góp thiết thực cho công tác xây dựng và thực thi pháp luật của nước ta. Dự án sẽ do một cơ quan của Canada điều hành (tương tự như tất cả các Dự án khác mà Canada hiện đang tài trợ cho các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam), với sự tham gia điều phối, thực hiện của Bộ Tư pháp và nhiều bộ, ngành khác nhau trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Thông qua Dự án hợp tác về Phát triển lập pháp, Việt Nam hy vọng sẽ tham khảo, học hỏi được  mô hình chuẩn hoá công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Canada và các nước khác, đặc biệt là vai trò của Chính phủ trong việc nghiên cứu, hoạch định, đề xuất các chính sách trong công tác lập pháp; vấn đề điều phối công tác soạn thảo, ban hành pháp luật của Canada; nghiên cứu cơ chế phản biện xã hội đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình lập pháp, tính hiệu quả trong thực thi pháp luật v.v….

Một số thông tin cơ bản về quan hệ Việt Nam- Canada

Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 21/8/1973;

      Các điều ước kinh tế - thương mại: Hiệp định hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Quebec (16/1/1992), Hiệp định chung về hợp tác phát triển giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Ca-na-đa (21/6/1994), Hiệp định về hợp tác kinh tế giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Ca-na-đa (21/6/1994), Bản ghi nhớ giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Ca-na-đa về một số sản phẩm dệt (16/11/1994), Tuyên bố thoả thuận về hợp tác phát triển giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Ca-na-đa (16/11/1994), Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Ca-na-đa về thương mại và mậu dịch (13/11/1995), Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Ca-na-đa về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (14/11/1997), nhiều Bản ghi nhớ Việt Nam-Ca-na-đa về các dự án trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực pháp luật, tư pháp,  Hiệp định Việt Nam – Canada về vận tải hàng không (28/9/2004), Hiệp định hợp tác về con nuôi (27/6/2005)…

Quan hệ thương mại song phương:

- Kim ngạch buôn bán với Việt Nam: 192 triệu USD (năm 2001), 230 triệu USD (năm 2002), 315 triệu USD (năm 2003), 429,7 triệu USD (năm 2004) và 600 triệu USD (năm 2005) và 761 triệu USD (năm 2006);

- Việt Nam xuất sang Ca-na-đa chủ yếu là hàng dệt may, đồ da, giầy dép, xe đạp, nông-hải sản và thủ công mỹ nghệ;

- Việt Nam nhập từ Ca-na-đa hàng tân dược, thiết bị bưu điện- viễn thông, chất dẻo, bột giấy, phân bón, máy móc...;

- FDI của Ca-na-đa đầu tư vào Việt Nam: Tính đến hết tháng 7/2007 có 62 dự án với tổng số vốn là 489,5 triệu USD, đứng hàng thứ 21/78 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam;

- ODA của Ca-na-đa dành cho Việt Nam: 18 triệu USD (năm 2003), 24 triệu USD (2004), 26 triệu USD (2005), 33 triệu USD (2006) và 29 triệu USD (năm 2007);

- Một số công ty chính của Ca-na-đa làm ăn với Việt Nam: Tiberon Minerals, Manulife, Telesat of Ottawa, GE Ca-na-đa và GE Systems, International Enginering, Danon Foods Co. Ltd., Group Coaticook Veterinary Clinic/ADAX...

                                   Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

____________________________________ 

Các bài viết có liên quan: