Dự án Phát triển lập pháp giai đoạn 2009-2015: Một bước cụ thể hoá quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam - Canada

26/11/2008
Dự án Phát triển lập pháp giai đoạn 2009-2015: Một bước cụ thể hoá quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam - Canada
Sáng nay, 26/11/2008, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã tiếp Ông Michael Brownell, Giám đốc Khu vực Châu Á – Thái bình dương của Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA), một trong những đối tác thân thiết và gắn bó với Bộ Tư pháp thông qua nhiều hoạt động hợp tác thiết thực về pháp luật và tư pháp.

Trong bầu không khí hữu nghị, chân thành và cởi mở, hai bên đã trao đổi về các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp, trong đó đặc biệt là việc hoàn tất các Văn kiện để trình phê duyệt, ký kết Dự án hợp tác pháp luật mới giữa hai nước giai đoạn 2009-2015.  Đây cũng là một trong các hoạt động nhằm triển khai kết quả tốt đẹp cuộc Hội đàm giữa Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Hợp tác quốc tế của Canada tháng 7.2008.

Cùng dự buổi tiếp, về phía Bộ Tư pháp, có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ Hợp tác quốc tế, Phổ biến giáo dục pháp luật; về phía Canada có Trưởng đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Canada và đại diện Đại sứ quán nước này tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên bày tỏ vui mừng được gặp lại ông Michael Brownell, cảm ơn sự hỗ trợ liên tục và có hiệu quả của Canada với Việt Nam trong thời gian qua trên lĩnh vực pháp luật và tư pháp và mong muốn quan hệ đó tiếp tục phát triển tốt đẹp. Ông Brownell cảm ơn Thứ trưởng về những lời nhận xét tốt đẹp dành cho đất nước Canada và cá nhân Ông; đánh giá cao sự phối hợp đặc biệt hiệu quả của CIDA với Bộ Tư pháp Việt Nam từ trước tới nay; khẳng định sẽ tiếp tục làm hết sức mình, nỗ lực đóng góp hơn nữa cho quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là giữa CIDA và Bộ Tư pháp Việt Nam. Ông Giám đốc của CIDA cũng nhấn mạnh chính sách của Canada trong việc tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó pháp luật và tư pháp đặc biệt vẫn sẽ luôn được đặt ở vị trí ưu tiên.

Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp hiện nay, hai bên mong muốn xây dựng một lộ trình hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Canada trên lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Với quyết tâm mạnh mẽ đó, hai bên cùng thảo luận và nhất trí về các phương hướng và biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước trên các lĩnh vực hoàn thiện thể chế phục vụ nền kinh tế thị trường, tăng cường năng lực Toà án và sự tham gia của cơ sở vào quá trình hoạch định và thực hiện cải cách tư pháp. Cụ thể, hai bên thoả thuận đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các hoạt động hợp tác thông qua Dự án Phát triển tư pháp và sự tham gia của cơ sở (Dự án JUDGE) và tiếp tục hoàn thiện để sớm đi đến ký kết Văn kiện Dự án Phát triển lập pháp trong năm 2009. Dự án mới, nếu được Chính phủ hai nước phê duyệt, sẽ là một trong những Dự án ODA lớn về quy mô tài chính và đa ngành nhất về các cơ quan thụ hưởng trong các Dự án hợp tác pháp luật do Canada tài trợ cho Việt Nam. Dự án này sẽ lần đầu tiên hỗ trợ một cách bài bản và toàn diện nhất việc đổi mới, hoàn thiện quy trình lập pháp, lập quy của Việt Nam, đóng góp thiết thực cho công tác xây dựng và thực thi pháp luật của nước ta. Dự án sẽ do một cơ quan của Canada điều hành (tương tự như tất cả các Dự án khác mà Canada hiện đang tài trợ cho các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam), với sự tham gia điều phối, thực hiện của Bộ Tư pháp và nhiều bộ, ngành khác nhau trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Thông qua Dự án hợp tác về Phát triển lập pháp, Việt Nam hy vọng sẽ tham khảo, học hỏi được  mô hình chuẩn hoá công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Canada và các nước khác, đặc biệt là vai trò của Chính phủ trong việc nghiên cứu, hoạch định, đề xuất các chính sách trong công tác lập pháp; vấn đề điều phối công tác soạn thảo, ban hành pháp luật của Canada; nghiên cứu cơ chế phản biện xã hội đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình lập pháp, tính hiệu quả trong thực thi pháp luật v.v…. Hai bên đều nhất trí rằng, việc xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, dễ  tiếp cận, đầy tính khả thi là một trong những yếu tố làm giảm độ rủi ro và tăng chi phí cho doanh nghiệp; và rộng hơn, phản ánh đúng đắn các tín hiệu thị trường, tăng cường tính năng động, tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với nền kinh tế của các quốc gia khác, thu hút ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế, xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên và Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Canada bày tỏ tin tưởng rằng, kết quả tốt đẹp trong chuyến công tác lần này của Ông Michael Brownell cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của CIDA và Bộ Tư pháp Việt Nam, quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp  giữa hai nước sẽ ngày càng được cụ thể hoá và phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp tích cực và hiệu quả vào các mục tiêu chung trong quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Canada.  

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

____________________________________ 

Bài viết có liên quan: 

Hội đàm giữa Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường với Bộ trưởng hợp tác quốc tế Canada: Cần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước