Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2008 đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, ngày duyệt, ngày 21/11/2008, Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức toạ đàm “Tham gia trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật”.
Tham dự toạ đàm về phía Bộ Tư pháp có đại diện các đơn vị thuộc Bộ (Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Vụ Bổ trợ tư pháp, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản QPPL…); về phía địa phương: có đại diện Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý các tỉnh Hải Dương, Hoà Bình, Thái Bình, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hoá; các tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức hành nghề Luật sư tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Tuyên Quang; Lãnh đạo Cục Trợ giúp pháp lý, cán bộ, công chức thuộc Cục và Văn phòng trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại Hà Nội, Thái Bình. Đồng chí Tạ Thị Minh Lý - Cục trưởng, chủ trì toạ đàm.
Đồng chí Tạ Thị Minh Lý phát biểu khai mạc toạ đàm đã nêu sự cần thiết phải tổ chức toạ đàm này, mục đích cũng như ý nghĩa của buổi toạ đàm. Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý có quy định sự tham gia trợ giúp pháp lý của các tổ chức chính trị xã hội. Hiện nay, nhiều địa phương, các Văn phòng Luật sư đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Đồng chí cũng nhấn mạnh việc tham gia trợ giúp pháp lý như thế nào để mang lại quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo và đối tượng chính sách và đem lại hiệu quả cho người dân mới là quan trọng.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã được nghe tham luận của Trung tâm tư vấn pháp luật tỉnh Bắc Giang; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Văn phòng luật Hợp danh Hoàng Long, Thanh Hoá, Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia Việt Nam… Các tham luận đã trình bày về thực trạng hoạt động tham gia trợ giúp pháp lý ở địa phương mình và của các Văn phòng Luật sư. Các đại biểu cho rằng hiện nay, hoạt động tham gia trợ giúp pháp lý còn gặp nhiều khó khăn về cán bộ, kinh phí. Nếu không có sự hỗ trợ của Dự án thì việc thực hiện các hoạt động rất khó khăn. Các Trung tâm ở địa phương chưa phối hợp tốt với nhau để thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý, ví dụ: không thông tin cho nhau biết thì có khi 1 xã có đến 2-3 đoàn trợ giúp pháp lý lưu động của Trung tâm trợ giúp pháp lý và Trung tâm tư vấn pháp luật. Các đại biểu đề nghị cần phải ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về trợ giúp pháp lý của các trợ giúp pháp lý tham gia trợ giúp pháp lý làm cơ sở pháp lý cho hoạt động tham gia trợ giúp pháp lý của Văn phòng Luật sư, Công ty luật và các Trung tâm tư vấn pháp luật. Đồng thời, đề nghị Quỹ Trợ giúp pháp lý có khoản hỗ trợ cho các Trung tâm tư vấn pháp luật gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Cục hỗ trợ tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cho người thực hiện trợ giúp pháp lý của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
Kết luận toạ đàm, đồng chí Tạ Thị Minh Lý cho rằng dù Trung tâm nào thực hiện trợ giúp pháp lý thì phải bỏ ra chất xám. Nhà nước không hỗ trợ kinh phí hành chính, không phải khoán theo hợp đồng cho Trung tâm tư vấn pháp luật vì hợp đồng phải trọn gói, hàng tháng giải quyết được bao nhiêu vụ. Trung tâm tư vấn pháp luật được hỗ trợ kinh phí theo hình thức thực hiện được bao nhiêu vụ thì chuyển sang Trung tâm trợ giúp pháp lý thanh toán thù lao như cộng tác viên. Quỹ Trợ giúp pháp lý cũng chỉ hỗ trợ tập huấn hoặc vụ việc đặc biệt phức tạp vì lý do công lý, Quỹ hỗ trợ trang thiết bị cho những địa bàn khó khăn. Còn hỗ trợ về tập huấn cho Tư vấn viên thì Cục sẽ hỗ trợ. Sau buổi toạ đàm này, Cục sẽ tham mưu cho Bộ Tư pháp xây dựng thể chế về phối hợp trợ giúp pháp lý với các tổ chức chính trị xã hội có thể là Thông tư liên tịch hoặc Nghị quyết liên tịch.
Vũ Hồng Anh - Cục Trợ giúp pháp lý