Mới dây, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng các Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, Đinh Trung Tụng và Nguyễn Thuý Hiền đã đồng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số đơn vị để rút kinh nghiệm về công tác xây dựng dự án luật, pháp lệnh của Bộ trong năm 2008.
Theo tổng hợp của Văn phòng Bộ, năm nay Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo 7 dự án luật, pháp lệnh. Trong đó có 4 dự án được thông qua là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi bổ sung), Luật Thi hành án dân sự (THADS) và Luật Quốc tịch (sửa đổi), còn 3 dự án Luật Bồi thường nhà nước, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Luật Lý lịch tư pháp vừa được Quốc hội cho ý kiến. Về cơ bản, các dự án do Bộ chuẩn bị bám sát đường lối chủ trương của Đảng và tuân thủ nghiêm quy trình xây dựng văn bản theo Luật Ban hành VBQPPL… Tuy nhiên, một số dự thảo phải chỉnh sửa nhiều lần, có dự án luật quy định những vấn đề khá nhạy cảm song tính thuyết phục chưa cao… Văn phòng Bộ cho rằng, các tồn tại trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như trình độ, năng lực một số cán bộ còn hạn chế; có đơn vị chưa bố trí chu đáo thời gian xây dựng dự án hoặc không phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan; kinh phí khó khăn khiến việc điều tra, khảo sát thực tiễn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra…
Qua công tác năm 2008, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế Dương Đăng Huệ đã rút ra hàng loạt kinh nghiệm trong soạn thảo văn bản, trong xây dựng chương trình, kế hoạch của đơn vị và trong xây dựng chương trình luật, pháp lệnh. Riêng đối với hoạt động soạn thảo văn bản, ông Huệ nhấn mạnh phải biết tận dụng trí tuệ tập thể, đặc biệt là tri thức của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị và Hội đồng khoa học của Bộ. Từ góc độ một đơn vị không chuyên về xây dựng pháp luật, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Trần Thất chia sẻ về sự lúng túng, bị động trong quá trình xác định mục tiêu của các dự án. Chẳng hạn, Luật Quốc tịch (sửa đổi) có định hướng rõ ràng nên Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập đã tập trung đánh giá, khảo sát, thống kê những số liệu cần thiết. Còn dự án Luật Lý lịch tư pháp chỉ xác định mục tiêu là cấp Phiếu lý lịch tư pháp dẫn đến mới tiến hành tổng kết 9 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 07 mà chưa quan tâm tới những vấn đề khác. Cũng theo ông Thất, với tư cách là “cơ quan thường trực”, tổ biên tập các dự án (bao gồm chủ yếu các chuyên viên của Bộ) phải được duy trì cho đến khi luật hoặc pháp lệnh được thông qua. Đồng tình với ông Thất, Cục trưởng Cục THADS đề xuất sớm ban hành quy chế hoạt động của tổ biên tập nhằm thực hiện nhiệm vụ của các thành viên tổ biên tập. Kinh nghiệm tâm huyết hàng đầu của Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính Nguyễn Quốc Việt là nắm vững các quy định của Luật Ban hành VBQPPL, tiếp đó là coi trọng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ưu tiên kinh phí cho các dự án luật, pháp lệnh thuộc chương trình chính thức của Quốc hội…
Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên đúc rút, muốn đảm bảo chất lượng dự thảo văn bản không thể thiếu 2 yếu tố: dân chủ, minh bạch tối đa và quy trình soạn thảo chặt chẽ. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng lại nhấn mạnh 2 điểm về tính chủ động của cơ quan chủ trì, tính quyết liệt của đơn vị được phân công soạn thảo và nâng cao tính kỷ luật đối với các thành viên các ban soạn thảo. Kết luận cuộc họp, bên cạnh biểu dương những kết quả đạt được trong công tác xây dựng pháp luật năm 2008, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã lưu ý 10 vấn đề khi soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh. Cụ thể, phải làm rõ về sự cần thiết, mục đích, yêu cầu, hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án để xác định đúng phạm vi điều chỉnh; nắm chắc Luật Ban hành VBQPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức tốt việc tổng kết thực tiễn, điều tra xã hội học, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, rà soát những quy định hiện hành; phải có kế hoạch chủ động triển khai công việc; tranh thủ trí tuệ tập thể của các chuyên gia trong và ngoài Bộ; tăng cường tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị; cầu thị tiếp thu, giải trình nghiêm túc, kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp; coi việc xây dựng các dự án là công tác trọng tâm nhằm huy động mọi nguồn lực; biết phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng; sau khi luật hoặc pháp lệnh được thông qua, phải có kế hoạch tổ chức thực hiện.
Cẩm Vân