Đoàn công tác Liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ vừa có buổi làm việc với UBND TP Hải Phòng và UBND tỉnh Quảng Ninh về công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Làm việc tại hai địa phương này, đa số các thành viên trong Đoàn băn khoăn trước thực trạng: cán bộ tư pháp cấp xã phải gánh trên vai hơn chục đầu việc nhưng biên chế và trình độ chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo quy định của Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BTP-BNV về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan tư pháp địa phương, cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã phải thực hiện 12 nhiệm vụ, quyền hạn, cụ thể: trình UBND cấp xã ban hành các văn bản về công tác tư pháp ở địa phương; giúp UBND cấp xã tự kiểm tra các văn bản QPPL do UBND cấp xã ban hành; giúp UBND cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng quy ước, hương ước thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư; thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách…Ngoài ra, cán bộ tư pháp – hộ tịch còn phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các văn bản khác như nhiệm vụ chứng thực được quy định tại Nghị định số 79; nhiệm vụ phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình đôn đốc thi hành án quy định tại Pháp lệnh Thi hành án dân sự…Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, mỗi xã chỉ có từ 1 đến 2 công chức thực hiện công tác này (2 công chức khi xã đó có từ 10 nghìn dân trở lên).
Trước thực trạng đó, các địa phương bảy tỏ, việc giao quá nhiều nhiệm vụ cho cán bộ tư pháp – hộ tịch mà không tăng biên chế là một thách thức lớn đối với cán bộ tư pháp – hộ tịch xã, phường hiện nay. Chưa kể đến trình độ của đội ngũ cán bộ này, theo quy định của pháp luật, cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên. Tuy nhiên, không phải địa phương nào và lúc nào cũng đáp ứng được yêu cầu này. Vì thế, các địa phương đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền tăng thêm biên chế cán bộ tư pháp - hộ tịch để giải quyết tình trạng quá tải như hiện nay.
Liên quan đến đề nghị trên, đại diện Bộ Nội vụ phân tích, nếu bổ sung một biên chế cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã sẽ đồng nghĩa với việc cả nước tăng thêm 1,2 vạn công chức. Điều này rất khó khăn vì chúng ta đang có chủ trương giảm biên chế ở cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, đại diện Bộ Nội vụ cũng cho biết, vấn đề địa phương nêu, sẽ có nghiên cứu, tổng hợp để báo cáo Bộ trưởng, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Đồng ý với ý kiến của Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng bổ sung thêm: đúng là hiện nay có tình trạng giao việc nhưng không giao biên chế, điều này gây ra sự quá tải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã phải thực hiện hơn một chục đầu việc nhưng chỉ riêng nhiệm vụ giúp UBND thực hiện công tác chứng thực cũng đã chiếm phần lớn thời gian. Do vậy, sẽ còn rất ít thời gian cho công tác khác, nhất là đối với các công việc như hoà giải ở cơ sở, phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự đôn đốc việc thi hành - là những việc yêu cầu phải đi xuống tận thôn, bản, ấp chứ không chỉ ngồi tại trụ sở UBND như một số nhiệm vụ khác.
Thứ trưởng cũng cho biết, đối với các xã miền núi thì còn khó khăn hơn, có những nơi cán bộ tư pháp - hộ tịch không có trình độ chuyên môn hoặc không được đào tạo luật mà chỉ học trung cấp nông nghiệp, lâm nghiệp; có những xã cán bộ tư pháp chỉ học hết cấp 3, cá biệt có xã cán bộ tư pháp chỉ học cấp 2. Khó khăn là vậy, nhưng việc tăng biên chế vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật. Trước mắt, trong khuôn khổ biên chế có sẵn, địa phương tổ chức các lớp đào tạo dưới các hình thức để nâng cao trình độ cho đội ngũ công chức làm công tác này; trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ cần có sự phối hợp tốt hơn nữa của các cán bộ, công chức liên quan. Tới đây, liên Bộ Tư pháp - Nội vụ sẽ nghiên cứu để ban hành Thông tư liên tịch mới thay thế cho Thông tư số 04 do hai Bộ đã liên tịch ban hành năm 2005. Hy vọng, Thông tư liên tịch mới được bành sẽ phần góp phần giải quyết tình trạng quá tải như hiện nay.
Nguyễn Đình Thơ