Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP: Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật

24/11/2008
Qua 5 năm triển khai công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ đối với nhiệm vụ mới mẻ này. Đây là nhận định của TS. Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 135 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 21/11 vừa qua.

Phát hiện hàng chục nghìn văn bản trái pháp luật

Theo báo cáo của ông Sơn, từ năm 2003 đến hết tháng 10/2008, toàn ngành đã phát hiện 3.460 văn bản qua công tác tự kiểm tra và 6.879 văn bản qua công tác kiểm tra theo thẩm quyền là có dấu hiệu trái pháp luật. Trong đó, Bộ Tư pháp – cơ quan được giao nhiệm vụ giúp Chính phủ quản lý nhà nước về kiểm tra, xử lý văn bản – đã phát hiện 2.174 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, chiếm gần 32% số văn bản của toàn ngành và chiếm hơn 85% số văn bản do cấp Bộ phát hiện. Ngoài ra, các Bộ, ngành và địa phương đã kiểm tra, xử lý 361 văn bản có chứa QPPL nhưng không được ban hành bằng hình thức VBQPPL, vi phạm các điểm a và b khoản 1 Điều 26 Nghị định số 135, riêng Bộ Tư pháp phát hiện được 8 văn bản loại này.

Ông Sơn cũng đánh giá, trong công tác kiểm tra theo thẩm quyền, việc kiểm tra văn bản qua các nguồn thông tin được thực hiện chủ yếu tại Bộ Tư pháp. Trên cơ sở ý kiến phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan, tổ chức và cá nhân về văn bản của các Bộ Văn hoá – Thông tin, Xây dựng, Công an, Y tế, Giao thông - Vận tải… và các địa phương Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc…, Bộ Tư pháp đã tích cực thực hiện kiểm tra, kiến nghị xử lý các VBQPPL có dấu hiệu trái pháp luật và được đông đảo quần chúng nhân dân, các phương tiện truyền thông đồng tình ủng hộ. Điển hình là các Quyết định số 16 và 17 ngày 26/3/2007 của Bộ GTVT, Thông tư liên tịch số 03 ngày 25/4/2008 của liên Bộ Y tế - Nội vụ, Công văn số 283 của Cục Nghệ thuật - Biểu diễn (Bộ VHTT), Quyết định số 33 và 34 ngày 30/9/2008 của Bộ Y tế, Quyết định số 79 của UBND TP. Hà Nội…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, sự hoan nghênh của dư luận xã hội và người dân đối với việc xử lý triệt để, kịp thời những văn bản trái pháp luật được phát hiện chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả và vị thế cơ quan kiểm tra. Theo Thứ trưởng, những kết quả này không những góp phần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật mà còn giúp giải quyết những băn khoăn, vướng mắc, bức xúc của xã hội nói chung đối với một số văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, củng cố thêm lòng tin của tổ chức và công dân vào nhà nước, vào pháp luật.

Sẽ sửa đổi Nghị định số 135 trong năm 2009

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác kiểm tra theo thẩm quyền vẫn gặp khó khăn do một số cơ quan ban hành văn bản đã không thực hiện nghiêm túc chế độ gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra; sau khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, một số cơ quan chưa kịp thời xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật… Công tác tự kiểm tra văn bản lại có những hạn chế nhất định như chưa được tiến hành thường xuyên; kết quả tự kiểm tra, phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật còn thấp; nhiều văn bản trái pháp luật chưa được phát hiện và xử lý kịp thời; việc tự kiểm tra, xử lý đối với văn bản có nội dung trái pháp luật do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thông báo còn chậm và chưa triệt để… Hơn nữa, công tác tự kiểm tra cũng không tạo sự khách quan do tổ chức pháp chế Bộ, ngành là đơn vị vừa thực hiện chức năng thẩm định dự thảo VBQPPL trước khi trình ký ban hành vừa thực hiện công tác kiểm tra văn bản.

Đối với công tác “hậu kiểm”, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc phát hiện các vi phạm mới đưa ra các kiến nghị về thiếu căn cứ ban hành, sai về cách thức trình bày… là những lỗi thuộc về thể thức văn bản. Đại diện Phòng Kiểm tra văn bản (Sở Tư pháp TP. HCM) thì cho biết, Nghị định số 135 chưa cụ thể hoá cách thức và kỹ thuật sửa đổi, bổ sung các văn bản dẫn đến chất lượng sửa đổi, bổ sung chưa cao, trong một số trường hợp việc xử lý văn bản theo hình thức nào không đạt được sự thống nhất giữa cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản với cơ quan có văn bản được kiểm tra và yêu cầu xử lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại tự nhận xét, việc xử lý các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật của Bộ chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Nghị định số 135, việc quy trách nhiệm cho đơn vị tham mưu, ban hành văn bản chỉ dừng ở hình thức… rút kinh nghiệm.

Những nhược điểm của công tác kiểm tra, xử lý văn bản nêu trên rất cần có sự chỉ đạo và định hướng kịp thời của Chính phủ, sự phối hợp và nỗ lực của các cơ quan hữu quan. Vì vậy, gần đây nhất, tại Công văn số 4851 ngày 23/7/2008 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng về Đề án tăng cường năng lực trong công tác kiểm tra VBQPPL đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 135, đưa vào Chương trình xây dựng Nghị định của Chính phủ năm 2009.

Hoàng Thư

Trong bối cảnh nước ta đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL lại càng có ý nghĩa thiết thực. Công tác này đã và đang được các Bộ, ngành và địa phương tích cực quan tâm triển khai thực hiện. Riêng đối với Bộ Tư pháp, trong những năm tới khi triển khai Nghị định số 93/2008/NĐ-CP, đảm đương thêm trọng trách theo dõi thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước thì nhiệm vụ kiểm tra, xử lý văn bản càng phải đặt ở mức độ yêu cầu cao hơn. Đây là tiền đề quan trọng để hoàn thiện thể chế, xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, công khai, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay.