Ngày 29/10/2008, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 171/BC-BTP gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát văn bản theo quy định tại Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ và địa phương ven biển rà soát văn bản QPPL liên quan đến biển, đảo).
Tổng số văn bản quy phạm pháp luật về đến biển, đảo được các Bộ và địa phương liên quan thực hiện rà soát là 1163 văn bản (594 văn bản của Trung ương và 569 văn bản của các tỉnh, thành phố ven biển), trong đó có 915 văn bản còn hiệu lực, phát hiện 248 văn bản hết hiệu lực (chiếm 21,3% số văn bản được rà soát), 77 văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ (chiếm 8,4% số văn bản đang còn hiệu lực) và 52 văn bản đề nghị ban hành mới
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong số các văn bản còn hiệu lực, ở Trung ương hiện nay có hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, đảo (với các hình thức: Luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định, thông tư, thông tư liên tịch...). Các địa phương ven biển cũng ban hành nhiều văn bản để cụ thể hoá văn bản của cấp trên với tình hình thực tế của đại phương, cũng như điều chỉnh những vấn đề đặc thù của địa phương, thống kê sơ bộ của 21/28 địa phương ven biển cho thấy, có gần 400 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, đảo được các địa phương ban hành đang còn hiệu lực (bình quân mỗi địa phương có gần 20 văn bản). Bên cạnh đó, Việt Nam đã sớm tham gia ký kết, gia nhập nhiều điều ước quốc tế, hiệp định liên quan đến biển, đảo; các điều ước quốc tế này chủ yếu liên quan đến phân định chủ quyền lãnh thổ với các quốc gia có biển tiếp giáp (Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia...) và liên quan đến lĩnh vực thuỷ sản.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này đóng vai trò quan trọng, điều chỉnh các lĩnh vực liên quan đến biển, đảo; những lĩnh vực có nhiều văn bản quy phạm điều chỉnh nhất là về thương mại, dịch vụ hàng hải; về quy hoạch các khu kinh tế, cảng biển; về bảo vệ, khai thác, sử dụng các tài nguyên liên quan đến biển, đảo; về quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo.
Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực liên quan đến biển, đảo chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cần sớm ban hành mới văn bản điều chỉnh các vấn đề đó, chẳng hạn: về định mức tổng hợp cho công tác đo đạc định vị trên biển; quy phạm điều tra cơ bản về địa chất vùng biển và các đảo Việt Nam; quy hoạch hệ thống khu neo đậu tránh trú bão; về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển ... (các Bộ thực hiện rà soát văn bản đã kiến nghị ban hành mới 49 văn bản liên quan đến biển, đảo; các địa phương kiến nghị ban hành mới 03 văn bản). Ngoài ra, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, đảo còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay cũng như các cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO (theo báo cáo của Bộ Tư pháp, có 26 văn bản do Trung ương ban hành được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ).
Chất lượng công tác rà soát
Đánh giá của Bộ Tư pháp cho thấy, hầu hết các Bộ, địa phương ven biển có liên quan đã thực hiện tốt việc rà soát văn bản. Qua các báo cáo cho thấy, cơ bản các Bộ, địa phương thực hiện việc rà soát bảo đảm các yêu cầu về nội dung, phát hiện được nhiều văn bản hết hiệu lực và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới nhiều văn bản nhằm thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng; tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre... Đặc biệt, nhiều Bộ đã thực hiện rà soát cả những điều ước quốc tế có liên quan đến biển, đảo do Việt Nam ký kết hoặc tham gia, các cam kết của Việt Nam liên quan đến Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, tỉnh Hà Tĩnh; có 02 địa phương thực hiện rà soát cả những văn bản do cấp tỉnh và cấp huyện ban hành liên quan đến biển, đảo: Bến Tre, Cà Mau (những địa phương khác thực hiện rà soát văn bản do cấp tỉnh ban hành).
Bên cạnh một số Bộ, địa phương thực hiện rà soát có chất lượng tốt như nêu trên thì vẫn còn một số Bộ, địa phương mới chỉ dừng lại ở việc lập danh mục các văn bản liên quan đến biển, đảo mà chưa thực hiện rà soát, hoặc khi rà soát lại chưa tìm thấy hoặc chưa xác định được những nội dung văn bản không còn phù hợp với Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, để có những kiến nghị kịp thời (Bộ Công thương, tỉnh Bạc Liêu).
Bộ Tư pháp đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới văn bản; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập một Đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Nghị quyết số 27 Chính phủ trong đó có nội dung rà soát, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, đảo nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 như Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã đề ra./.
Lê Tuấn Phong