Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp là vấn đề đã rất nhiều lần được các cơ quan chức năng nâng lên đặt xuống. Và, nó cũng là vấn đề mà các giám định viên tư pháp mỏi cổ ngóng đợi bao lâu nay. Tuy nhiên, để mang tới cho hoạt động giám định một sự khởi sắc mới, xem ra còn là một chặng đường dài...
Một triệu hai hay ba triệu?
Điều 2 Các mức bồi dưỡng giám định tư pháp của Dự thảo Quyết định quy định đối với việc giám định mổ tử thi mức bồi dưỡng sẽ là từ 700.000 đồng đến 1.200.000 đồng/trường hợp/ người giám định. Tuy nhiên tại cuộc họp Hội đồng thẩm định diễn ra mới đây, đã có rất nhiều ý kiến phản đối mức bồi dưỡng này.
Ông Nguyễn Trọng Toàn, Viện trưởng Viện Pháp y quân đội, Bộ Quốc phòng cho rằng, không riêng gì mức bồi dưỡng trên, mà toàn bộ các mức bồi dưỡng trong Dự thảo Quyết định tuy chưa ban hành nhưng đã kịp lạc hậu với thời cuộc (!). Bởi lẽ, theo ông Toàn, giám định tư pháp là một hoạt động khoa học và phải được đối đãi công bằng như các hoạt động khoa học khác. Riêng về vấn đề giám định tử thi, để mổ tử thi, tìm ra chân lý, người giám định viên pháp y không những phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ phơi nhiễm các bệnh nguy hiểm, môi trường độc hại...mà còn đòi hỏi phải có một trình độ, kiến thức nhất định. Mặt khác, trong hoạt động giám định pháp y, thì loại việc giám định tử thi chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,58% trên tổng số vụ việc giám định của tất cả các lĩnh vực theo thống kê của Bộ Công an từ năm 2003-2007). Vì thế, mức bồi dưỡng như trong dự thảo Quyết định là chưa hợp lý và cần thiết phải nâng lên mức từ 1-3 triệu đồng.
Tán đồng với ý kiến của ông Toàn, đại diện Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, bổ sung thêm đối với hoạt động giám định tư pháp nói chung và giám định pháp y nói riêng, các mức bồi dưỡng không chỉ cần thiết phải nâng cao cho hợp lý mà còn phải được thực hiện ngay, càng sớm càng tốt. Vì, nếu tình trạng cứ như thế này kéo dài (150.000 đồng/vụ việc giám định tử thi là mức bồi dưỡng hiện hành) thì không đến 5 năm nữa các Trung tâm giám định pháp y trên toàn quốc sẽ phải đóng cửa vì hết cán bộ. Đến lúc đó, người phải gánh chịu hậu quả trước hết sẽ là nhân dân, sau đó đến các cơ quan tố tụng.
Đưa hoạt động giám định ra ánh sáng
Câu chuyện một triệu hay ba triệu trên đây, chỉ là một trong những vấn đề đã được mổ xẻ rất nhiều tại cuộc họp thẩm định dự thảo mới đây, cũng như các cuộc họp lấy ý kiến xây dựng trước kia. Bởi, xét về tính chất công việc, giám định tư pháp là hoạt động chuyên môn phức tạp, môi trường làm việc độc hại. Trong quá trình thực hiện công việc, người giám định viên tư pháp phải chịu nhiều áp lực như trách nhiệm pháp lý, áp lực gia đình nạn nhân, tâm lý xã hội...Thực tế đã cho thấy, nhiều trường hợp, kết luận giám định là chứng cứ mấu chốt, duy nhất làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, hoạt động giám định tư pháp đang được ví như một cơ thể èo uột, suy dinh dưỡng vì rất nhiều nguyên nhân. Mà, một trong những nguyên nhân đó là hoạt động giám định chưa được đặt đúng vị trí xứng đảng cả về tinh thần lẫn vật chất.
Về mặt tinh thần, giám định viên và nghề giám định tư pháp vẫn còn bị coi nhẹ (ở một số địa phương, người yếu chuyên môn, không được lòng cấp trên mới phải đi làm giám định viên) trong khi đó, giám định tư pháp đích thực là một hoạt động khoa học và phải được thực hiện bởi những người giỏi, những chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực.Về mặt vật chất, chế độ bồi dưỡng cho giám định viên hiện nay đang ở mức “không còn gì để bình luận” theo cách nói vui của nhiều giám định viên. Bởi lẽ, với mức bồi dưỡng thấp nhất là 10.000 đồng và cao nhất 150.000 đồng/ vụ việc, thì bản thân giám định viên muốn tồn tại được cũng khó, nói gì đến nuôi gia đình và yêu nghề. Hay nói như Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, chế độ bồi dưỡng giám định viên tư pháp quá èo uột là một trong những nguyên nhân “đẩy hoạt động giám định vào bóng tối”.
Từ những vấn đề trên, có thể thấy, muốn hoạt động giám định khởi sắc, thì hoạt động này phải được những người có trách nhiệm phải tư duy được theo hướng “trọng nghề, trọng người” cả về hoạt động xây dựng cơ cấu tổ chức lẫn chế độ bồi dưỡng. Chính vì vậy, dù ở mức 1,2 triệu hay 3 triệu, con số này cũng chỉ mang tính cải thiện chứ chưa thể có được sự đột phá để thu hút những người thực sự giỏi làm công tác giám định. Nhưng, việc cần làm trước thì vẫn phải làm...
Xuân Hoa
Tại sao lại là “bồi dưỡng”? Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định, nhiều ý kiến đã cho rằng, không nên dùng cụm từ “bồi dưỡng”. Vì, giám định tư pháp là một hoạt động khoa học đích thực và bản kết luận giám định chính là một công trình khoa học nên giám định viên phải xứng đáng được hưởng số tiền do bề dày công sức của họ đã bỏ ra. Theo ông Bùi Ngọc Nhuần, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cần thay đổi cụm từ này bằng một khái niệm khác, hợp lý và có ý nghĩa tôn vinh người - nghề giám định hơn. |