Công tác kế hoạch của ngành Tư pháp: Sẽ có đơn vị chuyên trách thực hiện!

17/10/2008
Nghị định số 62/2003/NĐ-CP trước đây và Nghị định số 93/2008/NĐ-CP hiện nay quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp đã giao cho Bộ quản lý nhà nước đối với công tác kế hoạch của ngành Tư pháp. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào thuộc Bộ làm đầu mối giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ trên. Để triển khai Nghị định số 93/2008/NĐ-CP, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ giao cho Vụ Kế hoạch – Tài chính thêm chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực công tác này.

Một nhiệm vụ quan trọng đang bị bỏ ngỏ…

Mặc dù công tác kế hoạch của ngành Tư pháp đã được quy định từ năm 2003 tại Nghị định số 62/2003/NĐ-CP, song thời gian qua chưa được nghiên cứu sâu về nội dung, cách thức tổ chức. Bộ chỉ giao cho một số đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ có tính chất đơn lẻ, giải quyết tình thế, chưa có hệ thống và bài bản. Cụ thể, giao Văn phòng Bộ xây dựng, đôn đốc thực hiện Chương trình công tác trọng tâm của ngành và Kế hoạch triển khai Chương trình công tác trọng tâm, một số Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện các Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật của Bộ…; hay giao Viện Khoa học pháp lý xây dựng các chương trình, kế hoạch theo chuyên đề như Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 48 và số 49 của Bộ Chính trị… Các đơn vị thuộc Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cũng được giao nhiệm vụ xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác tuỳ từng lĩnh vực. Chẳng hạn, Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế xây dựng dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội cả nhiệm kỳ và hàng năm, Thanh tra Bộ xây dựng Chương trình hành động của ngành Tư pháp phòng chống tham nhũng…

Trong cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp có Vụ Kế hoạch – Tài chính, nhưng Vụ mới được giao nhiệm vụ giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về công tác tài chính, kế toán và xây dựng cơ bản của ngành (Quyết định số 614/QĐ-BTP ngày 27/11/2006). Theo đó, Vụ lập kế hoạch trong lĩnh vực ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản cho các đơn vị trực thuộc Bộ, mà phần lớn là kế hoạch ngắn hạn như kế hoạch mua sắm, trang thiết bị cơ sở vật chất cho các đơn vị thuộc Bộ giai đoạn 2001 – 2005 và giai đoạn 2006 – 2010, kế hoạch đầu tư xây dựng giai đoạn 2003 -2005 với kinh phí hành chính thường là 1 năm. Vì vậy, công tác kế hoạch ngành chưa được phát huy trở thành công cụ hữu hiệu trong quản lý, điều hành của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan Tư pháp địa phương.

…Sẽ giao Vụ Kế hoạch – Tài chính chủ trì thực hiện

Triển khai Nghị định số 93/2008/NĐ- CP, một số ý kiến cho rằng, có thể giao cho Văn phòng Bộ hoặc Viện Khoa học pháp lý thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kế hoạch ngành. Tuy nhiên, Văn phòng Bộ không xây dựng kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm của Bộ mà chỉ xây dựng, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chương trình công tác năm, quý, tháng của Bộ để phục vụ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ. Viện Khoa học pháp lý lại là tổ chức sự nghiệp trực thuộc Bộ, không có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước mà chỉ có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Tư pháp, xây dựng pháp luật và các lĩnh vực khác theo yêu cầu hoặc đặt hàng của Bộ.

Còn việc giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kế hoạch ngành cho Vụ Kế hoạch – Tài chính thì có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn. Về cơ sở pháp lý, căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và theo Nghị định số 93/2008/NĐ-CP, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ “Trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm, hàng năm và các dự án quan trọng quốc gia… trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ”. Về mặt thực tế, quá trình xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch luôn có quan hệ chặt chẽ với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch về tài chính. Hay nói cách khác, tài chính là nguồn lực hết sức quan trọng để tổ chức thực hiện kế hoạch, đặc trưng cơ bản của kế hoạch là đảm bảo cân đối giữa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp với các điều kiện đảm bảo thực hiện, trong đó có nguồn lực về tài chính. Qua nghiên cứu, tham khảo mô hình tổ chức của Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… cho thấy, các bộ đều giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kế hoạch cho Vụ Kế hoạch – Tài chính của bộ đó đảm nhiệm.

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -  Tài chính Nguyễn Đình Tạp, do đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới đối với Vụ và Vụ cũng chưa có kinh nghiệm thực hiện, nhất là kinh nghiệm về việc xây dựng chiến lược có tầm dài hạn nên Vụ rất cần được đảm bảo các điều kiện tương ứng về tổ chức bộ máy, nhân lực, vật lực. Tán thành đề xuất của ông Tạp, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Quảng và Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Duy Lãm kiến nghị Vụ Kế hoạch – Tài chính phải chủ động xây dựng kế hoạch bổ sung và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ.

Cẩm Vân