Khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định văn bản quy định chi tiết phải quy định cụ thể, không lặp lại quy định của văn bản được quy định chi tiết và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết, để thực thi quy định của Luật (sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2009) Bộ Tư pháp đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (Dự thảo Nghị định).
Trong hai ngày 9-10/10/2008 tại Quảng Ninh, các đại biểu pháp chế Bộ, ngành, chuyên gia trong và ngoài nước bình luận, góp ý Dự thảo Nghị định. Tại Hội thảo các chuyên gia và đại biểu đều ghi nhận những nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc xây dựng Dự thảo Nghị định, đã giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại trong văn bản hiện hành, cố gắng thể hiện chi tiết quy định của Luật, đặc biệt là quy định rõ cách thức, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, cũng như trách nhiệm của cơ quan chủ trì, Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan đối với chất lượng, tiến độ xây dựng văn bản. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định vẫn còn một số vấn đề chưa được rõ ràng và cần phải bàn thêm, đó là các vấn đề liên quan đến đối tượng điều chỉnh; đánh giá tác động văn bản; cơ chế tiếp thu, phản hồi ý kiến góp ý; dịch văn bản ra tiếng nước ngoài; tổng kết, đánh giá văn bản và một số nội dung khác.
Về đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định, nhiều đại biểu đề nghị cần phải xem xét lại theo hướng không nên chỉ dừng lại ở phạm vi điều chỉnh hoạt động của cơ quan hành pháp mà nên mở rộng thêm cho các cơ quan, tổ chức khác như Toà án, Viện Kiểm sát, kể cả các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu này cho rằng nếu để mỗi ngành tự hướng dẫn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành mình sẽ có khả năng dẫn đến trường hợp không thống nhất khi áp dụng Luật, hơn nữa về nguyên tắc thì các tổ chức xã hội, Viện kiểm sát và Toà án không có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL (chỉ có Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao), do vậy, nếu không điều chỉnh hoạt động của các cơ quan này bằng Nghị định thì sẽ hướng dẫn dưới hình thức văn bản nào. Ngoài ra, đây là Nghị định hướng dẫn chi tiết, do vậy những điều, khoản, điểm nào của Luật được hướng dẫn cũng phải nói rõ để dễ tiếp cận hơn.
Về đánh giá tác động văn bản QPPL, được các đại biểu nhìn nhận là một bước tiến trong xây dựng pháp luật, góp phần nâng cao tính khả thi của văn bản. Tuy nhiên, ngoài những tiêu chí được đưa ra trong Dự thảo Nghị định cần phải xem xét đến các yếu tố về đạo đức, phong tục, tập quán, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Để thực hiện đánh giá tác động một cách có hiệu quả cần phải tính toán đến các yếu tố về nhân lực, thời gian, kinh nghiệm, kinh phí và kỹ thuật thực hiện. Có đại biểu đề nghị cân nhắc việc đánh giá tác động chỉ nên đặt ra đối với Luật, pháp lệnh và Nghị định quy định những vấn đề cần thiết nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội (Nghị định không đầu), đối với những Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết thì có thể sử dụng kết quả đánh giá tác động khi xây dựng văn bản được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để tiết kiệm thời gian, kinh khí, công sức. Việc đánh giá tác động sơ bộ của văn bản được coi là giai đoạn có ảnh hưởng lớn đến chất lượng, tính khả thi của văn bản, do đó nên quy định cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan thực hiện.
Về cơ chế tiếp thu, phản hồi ý kiến góp ý văn bản, phần lớn các đại biểu đều cho rằng đây là khâu rất quan trọng trong quá trình xây dựng văn bản bởi quy trình này thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản nhưng văn bản hiện hành quy định về cơ chế này còn chưa cụ thể, do vậy trên thực tế thực hiện còn mang tính hình thức. Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008 và Dự thảo Nghị định đã có những tiến bộ trong việc khắc phục tính hình thức này khi quy định trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo phải tổ chức lấy ý kiến trong quá trình soạn thảo, đối tượng, phương thức, nội dung lấy ý kiến và trách nhiệm phát biểu ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chỉnh phủ về những nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình quản lý, cũng như quy định rõ cơ chế tiếp thu ý kiến góp ý. Tuy vậy, một số đại biểu đề nghị để tránh tình trạng mang tính hình thức như thời gian vừa qua, Dự thảo Nghị định nên cụ thể hoá hơn trách nhiệm pháp lý của cơ quan chủ trì soạn thảo khi không tiếp thu, không giải trình ý kiến đóng góp.
Về dịch văn bản ra tiếng nước ngoài, đây là nội dung Quốc hội uỷ quyền cho Chính phủ quy định (Điều 6 Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008), có đại biểu lưu ý để văn bản dịch ra tiếng nước ngoài được chuẩn xác theo nội dung của văn bản được dịch, không tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau, không gây lãng phí nên có sự đánh giá để xác định mục đích của việc dịch, đối tượng được hưởng và chủ thể dịch văn bản. Tuy nhiên, phần lớn đại biểu đều cho rằng Dự thảo Nghị định quy định Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức hiệu đính bản dịch là hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ làm người “gác cổng” về pháp luật cho Chính phủ, tuy vậy cũng cần lựa chọn những người vừa giỏi về ngoại ngữ, vừa có kiến thức pháp lý để dịch văn bản. Dự thảo nghị định quy định bản dịch chỉ có giá trị tham khảo là hoàn toàn phù hợp, khác với Điều ước quốc tế, các nước ký kết với nhau bằng tiếng anh và lấy bản tiếng anh làm văn bản gốc, nó cũng khác với các hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài có sự thoả thuận về giá trị pháp lý của bản tiếng anh và tiếng việt là ngang nhau.
Về kiểm soát chất lượng đánh giá tác động của văn bản, có đại biểu cho rằng trước mắt Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đều phải có trách nhiệm xem xét, đánh giá báo cáo đánh giá tác động, việc thành lập một cơ quan độc lập là mục tiêu lâu dài, cần tính toán đến vấn đề nhân lực.
Về những vấn đề khác, các đại biểu đề nghị quy định rõ các cơ quan có trách nhiệm góp ý kiến có cần phải gửi ý kiến của mình bằng văn bản hay chỉ cần đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan mình; Dự thảo Nghị định mới quy định số lượng tối thiểu thành viên của Hội đồng thẩm định là 9 người nhưng chưa quy định số lượng tối đa; nên xem xét lại cơ chế hoạt động của Hội đồng tư vấn…
Nhìn chung, tại Hội thảo phần lớn các nội dung của Dự thảo Nghị định đều được các đại biểu ghi nhận và nhất trí, những thắc mắc của đại biểu đã được Ban soạn thảo giải trình rõ ràng, cụ thể, những ý kiến đóng góp hoàn thiện Dự thảo Nghị định đã được Ban soạn thảo ghi nhận để nghiên cứu, tiếp thu.
Trần Thị Tuý