Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008

09/10/2008
Trong khuôn khổ Chương trình “Hỗ trợ thực thi chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010”, với mục đích đảm bảo triển khai thi hành khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 có hiệu lực, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật và bình luận, góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiêt và thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (Luật 2008), Hội thảo diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10/10/2008 tại Quảng Ninh. Thành phần tham dự hội thảo gồm đại diện pháp chế Bộ, ngành, các cơ quan liên quan, chuyên gia trong nước và nước ngoài

             Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008 với 12 Chương, 75 Điều, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Luật 2008 được đánh giá khá hoàn thiện với những điểm mới phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài những quy định phù hợp của Luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2002 đã đưa vào các quy định chi tiết về những vướng mắc trong thực tiễn phát sinh từ quy định cũ và những kinh nghiệm học hỏi của các nước có lịch sử lập pháp lâu đời nhằm nâng cao chất lượng văn bản QPPL.

             Luật 2008 đã sửa đổi những những quy định cơ bản về quy trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và thông qua văn bản QPPL theo hướng tăng vai trò của các cơ quan tham mưu trong quy trình xây dựng văn bản, ngoài ra luật cũng có bổ sung những quy định mới nhằm nâng cao chất lượng văn bản QPPL. Chính vì vậy, so với Luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2002 thì Luật năm 2008 có nhiều nội dung mới, như: với mục đích đơn giản hoá hệ thống văn bản QPPL, Luật 2008 quy định mỗi cơ quan cơ quan có thẩm quyền chỉ ban hành một hình thức văn bản thay vì 2 đến 3 loại như trước đây (ví dụ: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chỉ ban hành thông tư thay vì quyết định, chỉ thị, thông tư như trước đây), Luật bổ sung thẩm quyền của Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc ban hành văn bản QPPL dưới hình thức quyết định để phù hợp hơn với Luật Kiểm toán.Theo đó, quy định về nội dung của văn bản cũng được thay đổi; để khắc phục tình trạng Luật, Pháp lệnh chờ văn bản hướng dẫn thi hành cũng như hạn chế tình trạng giao Chính phủ ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, khoản 2 Điều 5 Luật 2008 quy định văn bản QPPL phải quy định trực tiếp nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, khoản 2 Điều 8 nói rõ văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết; một trong những điểm mới của Luật 2008 là việc quy định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định phải được gửi kèm báo cáo đánh giá tác động sơ bộ của văn bản (khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 59); Luật cũng bổ sung một chương (Chương VIII) quy định về quy trình rút gọn xây dựng văn bản QPPL nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước; thời điểm có hiệu lực của văn bản QPPL cũng có được quy định rõ ràng hơn trước đây thay vì có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo như trước đây, Luật quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn bốn mươi lăm ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành; để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tra cứu, áp dụng các văn bản được sửa đổi, bổ sung Điều 92 Luật 2008 bổ sung quy định văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản QPPL được hợp nhất về mặt kỹ thuật với văn bản được sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, Luật 2008 còn có nhiều điểm mới khác về khái niệm văn bản QPPL và việc xử lý đối với văn bản không đúng thẩm quyền, hình thức; các nguyên tắc bảo đảm khi xây dựng, ban hành; bố cục, thể thức văn bản; nguyên tắc sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản; lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; trình tự, thủ tục soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; về việc thẩm tra của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc phát biểu ý kiến về những vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; rà soát, hệ thống hoá, pháp điển hoá hệ thống quy phạm pháp luật.

             Hội thảo được đánh giá là hiệu quả khi các đại biểu đặt ra nhiều vấn đề thắc mắc liên quan đến nội dung của Luật như: yêu cầu về ngôn ngữ sử dụng trong văn bản QPPL phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dể hiểu (khoản 1 Điều 5), một số đại biểu cho rằng trong các văn bản quy định về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành lĩnh vực đặc thù (khoản 2 Điều 16) thì rất khó sử dụng ngôn ngữ phổ thông, ngoài ra căn cứ vào tiêu chí nào để xác định vấn đề “chưa có tính ổn định cao”; khoản 1 Điều Luật 2008 quy định trường hợp văn bản có những vấn đề chưa có tính ổn định cao thì ngay tại điều khoản đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết, tuy nhiên cơ quan có thẩm quyền có thể được giao này cụ thể là ai trong số các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 14, khoản 1 Điều 16, khoản 3 Điều 20 thì cần làm rõ để tránh sự tuỳ nghi trong phân chia thẩm quyền. Có đại biểu băn khoăn trong thực tiễn đã xảy ra trường hợp một cơ quan ban hành văn bản điều chỉnh cùng một vấn đề nhưng hai văn bản lại mâu thuẫn nhau thì giải quyết như thế nào, nếu áp dụng văn bản này thì có mâu thuẩn với văn bản kia hay không, mặc dù khoản 2,3 Điều 83 quy định trong trường hợp các văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn và trong trường hợp các văn bản do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo những quy định này thì không bảo đảm tính chuyên ngành của quy định, do vậy có thể áp dụng nguyên tắc chuyên ngành trong trường hợp cá biệt như vậy không…

            Trong hai ngày 9-10 các đại biểu sẽ tiếp tục được nghe giới thiệu một số nội dung của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật; góp ý, thảo luận và nghe các chuyên gia trong và ngoài nước bình luận thêm về nội dung Dự thảo Nghị định. Ban soạn thảo hi vọng đến ngày Luật có hiệu lực (ngày 1 tháng 1 năm 2009) Nghị định cũng sẽ được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật.

Trần Thị Tuý