Tham dự Hội thảo, từ phía chuyên gia Pháp gồm có: ông Nicolas Audier, Luật sư , Trưởng đại diện Văn phòng Luật sư Gide, Loyrette, Nouel, Hà Nội; ông Eric Le Dreau, Luật sư, Trưởng đại diện Văn phòng Luật sư Vovan&Associés, TP. Hồ Chí Minh, bà Caroline Chazard Méas, Luật sư Văn phòng Luật sư DS Avocats, TP. Hồ Chí Minh và ông Nasir PKM Abdul, Luật sư, Trưởng đại diện Văn phòng Luật sư Flecheux, Ngo et Associés, TP. Hồ Chí Minh. Phía Việt Nam gồm các thuyết trình viên là ông Nguyễn Đình Tài (Chủ toạ), Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Đào tạo cán bộ, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Lê Văn Nắp, Phó Ban Tổng hợp, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và đại diện các bộ, ngành có liên quan tham dự.
Sau khi ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Nhà Pháp luật Việt - Pháp, tuyên bố lý do khai mạc, Toạ đàm được tiếp tục dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Tài. Nội dung chủ yếu của Toạ đàm tập trung vào việc trao đổi về các quy định trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư gồm các vấn đề: (1) Danh mục các dự án đầu tư được ưu tiên đã hợp lý hay chưa? Danh mục này có gì trái với quy định của WTO không?; (2) Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những ưu đãi nào phù hợp và không phù hợp?; (3) Những tiêu chí dùng để phân định các dự án, lĩnh vực; (4) Có nên ưu tiên các dự án có sử dụng nhiều lao động không? (5) Quy định các biên pháp ưu đãi (thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất đai) theo cách quy chiếu các luật thuế hiện hành như ở dự thảo có được không? (6) Thủ tục để hưởng ưu đãi ghi trong dự thảo có tính khả thi không? Tuy nhiên, do thời gian có hạn, nên các đại biểu chỉ dừng lại thảo luận ở một số vấn đề được coi là trọng tâm của Hội thảo.
Thứ nhất, về danh mục các dự án và lĩnh vực đầu tư được ưu tiên trong dự thảo, các đại biểu cho rằng, quy định trong dự thảo Nghị định cần cụ thể hơn theo hướng quy định rõ đâu là địa bàn được ưu đãi và các điều kiện ưu đãi cụ thể là gì? sự khác biệt giữa ưu đãi thông thường và đặc biệt ưu đãi (danh mục A2, A3) của dự thảo.
Thứ hai, về vấn đề các quy định ưu đãi nào được coi là phù hợp và không phù hợp với quy định của WTO. Trả lời về vấn đề này, phía chuyên gia Pháp trình bày: Về cơ bản, quy định của WTO có một số nguyên tắc liên quan bao gồm: Một là, cấm trợ cấp xuất khẩu dưới mọi hình thức và Việtmuốn gia nhập WTO thì bắt buộc phải tuân theo nguyên tắc này. Tuy nhiên, quy định này cũng có một số ngoại lệ đó là: Đối với các nước đang phát triển, các nước đang trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế, thì nếu được tất cả các nước thành viên đồng ý cho phép có những quy định hỗ trợ xuất khẩu nhất định thì được coi là không có vi phạm. Tuy nhiên, chỉ cần bất kỳ 1 Thành viên nào của WTO không đồng ý, thì coi như việc hỗ trợ đó bị coi là vi phạm. Hai là, nguyên tắc công khai, minh bạch từ thời điểm doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ đầu tư đặc biệt của WTO và các nước thành viên có thể áp dụng bất cứ lúc nào để xử lý vấn đề này. Ba là, Các biện pháp chống hỗ trợ có thể được sử dụng đồng thời với biện pháp chống bán phá giá. Chính vì vậy, khi xây dựng dự thảo Nghị định, Việtcần cân nhắc kỹ các nguyên tắc này cho phù hợp với quy định của WTO. Đặc biệt, các chuyên gia cũng nhấn mạnh thêm, đối với các biện pháp hỗ trợ được chỉ được coi là phù hợp với quy định của WTO, được áp dụng và thực hiện trong một thời gian nhất định, không được áp dụng cho cả thời gian đầu tư.
Thứ ba, liên quan đến vấn đề có nên áp dụng ưu đãi đối với các dự án sử dụng nhiều lao động không (theo danh mục A1 của dự thảo, thì các dự án này phải sử dụng từ 300 lao động trở lên (đối với doanh nghiệp trong nước) và 500 lao động trở lên (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Về vấn đề này, các đại biểu nhất trí là nên có những quy định ưu đãi nhất định đối với các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, điều kiện ưu đãi chỉ nên quy định đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhưng lao động này phải là lao động có chất lượng cao, có như vậy mới kích thích nền kinh tế tăng trưởng, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.
Ngoài ra, Toạ đàm còn trao đổi tới một số vấn đề khác khá thú vị xung quanh các vấn đề nêu trên như các vấn đề về ưu đãi thuế, về vấn đề xác định trụ sở như thế nào đối với các doanh nghiệp kinh doanh mạng, vấn đề theo dõi hoạt động, tồn tại, phát triển và “chết” của doanh nghiệp nên được tiến hành như thế nào? vấn đề về việc thành lập, quy mô cơ cấu của Trung tâm hỗ trợ thông tin về doanh nghiệp…
Với kết quả thành công tốt đẹp, buổi Toạ đàm được coi là một diễn đàn khoa học khá thú vị và bổ ích đối với công tác xây dựng pháp luật nói chung và đặc biệt tạo điều kiện tốt nhất cho việc trao đổi, học tập kinh nghiệm về xây dựng pháp luật giữa Việt Nam và Pháp.
Chu Tam Tuấn
Vụ Pháp luật Quốc tế - Bộ Tư pháp