Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của một số Bộ, ngành đối với dự thảo 1 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư
Theo dự thảo, nhà nước có chính sách hỗ trợ tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong việc phát triển đội ngũ luật sư, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư. UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định cho phép thành lập hoặc giải thể Đoàn luật sư, phê duyệt Điều lệ Đoàn luật sư với sự giúp đỡ thẩm định của cơ quan chuyên môn là Sở Tư pháp. Còn việc thành lập, giải thể Liên đoàn luật sư Việt Nam được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng Điều lệ của Liên đoàn lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ngoài ra, dự thảo cũng đề cập một số nội dung quản lý nhà nước khác đối với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư như thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật, việc thực hiện Điều lệ; quản lý hoạt động hợp tác quốc tế… Tuy nhiên, Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên và đại diện Bộ Nội vụ đều nhận định, nội dung quản lý nhà nước trong dự thảo vẫn khá mờ nhạt, cần được làm rõ thêm.
Về HĐKTKL của Đoàn luật sư, theo quy định của Luật Luật sư thì do Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu luật sư của Đoàn luật sư bầu ra. Vấn đề gây băn khoăn là một thành viên BCN Đoàn luật sư có được đồng thời là thành viên HĐKTKL không? Có ý kiến cho rằng, việc quy định HĐKTKL là cơ quan độc lập với BCN Đoàn luật sư sẽ bảo đảm sự khách quan trong quá trình xem xét kỷ luật đối với luật sư thành viên. Ngược lại, một số luật sư phản đối vì quy định trên chỉ phù hợp với một số Đoàn luật sư có số lượng luật sư lớn. Những Đoàn luật sư có số lượng luật sư ít thì việc tổ chức được 2 cơ quan độc lập sẽ rất khó khăn. Đồng tình với loại ý kiến thứ 2, Quyền Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, dự thảo hiện đang quy định “một uỷ viên BCN Đoàn luật sư đồng thời là uỷ viên HĐKTKL của Đoàn luật sư”.
Cẩm Vân