Tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm: Ban hành là cần thiết

29/08/2008
Tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm: Ban hành là cần thiết
“Tại sao phải xây dựng Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm? Bởi vì Bộ Luật Dân sự chỉ mới quy định chung, chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm.” – Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng khẳng định trong buổi làm việc chiều qua (28/8) giữa Cơ quan soạn thảo và đơn vị thẩm tra dự án Luật Đăng ký Giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng chủ trì buổi làm việc.

Nói thêm về sự cần thiết phải ban hành dự án Luật này, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhắc lại: “Sự cần thiết phải ban hành Luật ĐKGDBĐ đã được Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra từ Quốc hội khoá XI và đồng ý đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Bởi vậy, bây giờ không nên đề cập nhiều đến vấn đề này, mà nên bàn cụ thể vào các quy định tại dự án Luật”.  Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng cho rằng, trong khi các quy định về ĐKGDBĐ theo pháp luật hiện hành còn phân tán, thiếu thống nhất, trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm chủ yếu tập trung ở các Nghị định của Chính phủ thì việc pháp điển hoá các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm, nâng tầm Nghị định 08 của Chính phủ lên thành Luật, phải là một điều đáng hoan nghênh.

 Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Cơ quan soạn thảo và đơn vị thẩm tra làm rõ xem thiết chế đăng ký giao dịch bảo đảm quy định tại dự án Luật này có điểm gì trái với Bộ luật Dân sự và các thiết chế khác hay không? Nếu nó ra đời thì có giúp ích được gì cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước hay không?

Đây là buổi làm việc tiếp theo giữa Ban soạn thảo dự án Luật ĐKGDBĐ và Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội sau phiên thảo luận chưa đạt được sự thống nhất giữa hai bên tại Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 25/8.  Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội giữ quan điểm cho rằng, Bộ luật Dân sự và các văn bản hiện hành đã quy định về vấn đề này rồi, không nhất thiết phải có thêm một Luật ĐKGDBĐ. Trả lời đề nghị này của đơn vị thẩm tra, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng tiếp tục giải thích: “ Bộ luật Dân sự quy định rõ: việc đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, bởi vậy, trách nhiệm này phải thuộc về các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành. Tuy nhiên, hiện nay, các Luật như Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, thậm chí là Bộ luật Dân sự cũng chỉ mới có vài điều quy định về ĐKGDBĐ, hoàn toàn không có điều khoản nào quy định chi tiết trình tự, thủ tục, biểu mẫu ĐKGDBĐ”.

Thảo luận về những quy định chi tiết tại dự thảo Luật nhằm đi đến sự thống nhất chung, ông Nguyễn Văn Thuận đặt câu hỏi, tại sao Điều 318 của Bộ luật Dân sự quy định tới 7 biện pháp đảm bảo là “cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh, tín chấp” mà dự án Luật ĐKGDBĐ chỉ đưa vào 2 biện pháp là cầm cố, thế chấp, trong khi lại mở ra đối với loại hình “cho thuê tài chính”? Bà Nguyễn Thuý Hiền, Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm cho biết: “cầm cố, thế chấp là hai biện pháp bắt buộc phải đăng ký, các biện pháp khác sẽ được thực hiện ĐKGDBĐ khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Điều này hoàn toàn không trái với quy định của Bộ luật Dân sự”.

Riêng đối với “cho thuê tài chính”, ông Sơn, một đại diện đến từ Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Trong nghiệp vụ ngân hàng, đối với các đề nghị vay mà ngân hàng thấy tính rủi ro cao thì thường là ngân hàng không tiến hành cho vay. Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp. Bởi vậy, nếu có ĐKGDBĐ và khách hàng chứng minh được tính an toàn của hợp đồng tín dụng thì rất có thể cơ hội tiếp cận nguồn vốn của cá nhân và doanh nghiệp sẽ được mở rộng”.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ tham gia: “Đối với cho thuê tài chính, tuy Bộ luật Dân sự không quy định phải đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng Bộ luật cũng không cấm. Chẳng lẽ bây giờ người dân có nhu cầu đến đăng ký, cơ quan nhà nước lại trả lời rằng chúng tôi không cho đăng ký vì luật không quy định à? Bởi vậy, theo tôi, nếu người dân có nhu cầu thì việc đăng ký cũng là một điều tốt”.

Điều mà ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm và ông Phan Trung Lý, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội băn khoăn là đăng ký cho thuê tài chính vốn không phải là một biện pháp đăng ký giao dịch bảo đảm mà là đăng ký tài sản, mà tài sản thì vô cùng đa dạng chủng loại, không thể mở hết ra được. Giải đáp sự băn khoăn này, bà Nguyễn Thuý Hiền khẳng định: “Đúng là không thể đăng ký hết đối với mọi loại tài sản, nhưng mục đích của Luật ĐKGDBĐ là đăng ký quyền ưu tiên thanh toán trong trường hợp cần xử lý tài sản để thanh toán nghĩa vụ, không phân biệt tài sản. Đối với những đối tượng mà xã hội có nhu cầu nhưng không phải là ĐKGDBĐ, chẳng hạn cho thuê tài chính, chúng tôi đề nghị thủ tục thực hiện tương tự ĐKGDBĐ”. Trước ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại cách viết Điều 4 “Đối tượng đăng ký” cho phù hợp và Bộ trưởng Hà Hùng Cường đồng tình với cách xử lý này.

Cuối buổi thảo luận, tuy mới chỉ tiến một bước nhỏ trong quá trình tìm tiếng nói chung về dự án Luật ĐKGDBĐ nhưng hai bên đã đi đến thống nhất: Chính phủ tiếp tục chuẩn bị trình dự án Luật ĐKGDBĐ ra Quốc hội và Uỷ ban Pháp luật tiếp tục thẩm tra dự án Luật này trước khi Luật được đưa ra thảo luận tại Quốc hội theo đúng quy định.

Hồng Thuý