Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 14/7/2025, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 143/2021/NĐ-CP và Nghị định số 23/2023/NĐ-CP) - dự thảo Nghị định.
Cuộc họp do bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp), Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì.
Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp là thành viên Hội đồng thẩm định và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo.
Tại cuộc họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình bày tóm tắt quá trình xây dựng và những nội dung chính của dự thảo Nghị định. Theo đó, dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định số 88/2019/NĐ-CP; đồng thời kịp thời cập nhật, điều chỉnh phù hợp với các văn bản pháp luật mới ban hành như Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (sửa đổi, bổ sung năm 2025), Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và các cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Dự thảo Nghị định sửa đổi toàn diện các quy định về hành vi vi phạm, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Một số nội dung mới đáng chú ý bao gồm: nguyên tắc xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm là hậu quả trực tiếp của hành vi khác; sửa đổi thẩm quyền xử phạt của thanh tra ngành Ngân hàng; nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán và trung gian thanh toán để tăng tính răn đe trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp.
Các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá cao hồ sơ dự thảo Nghị định và quá trình chuẩn bị nghiêm túc, bài bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định tập trung phân tích sự cần thiết ban hành Nghị định; sự phù hợp của nội dung dự thảo Nghị định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Nghị định với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định còn tập trung trao đổi một số vấn đề như cách thức quy định hành vi vi phạm, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ vào xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, việc quy định các biện pháp khắc phục hậu quả và tính khả thi khi áp dụng trên thực tế.
Phát biểu kết luận cuộc họp, bà Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh: Việc sửa đổi toàn diện Nghị định số 88/2019/NĐ-CP là yêu cầu khách quan từ thực tiễn thi hành và bối cảnh pháp lý mới. Dự thảo Nghị định được xây dựng bài bản, nghiêm túc, thể hiện nỗ lực lớn của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc hoàn thiện thể chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định tại cuộc họp, đặc biệt là ý kiến về việc nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính về xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử.
Hội đồng thẩm định thống nhất dự thảo Nghị định đủ điều kiện trình Chính phủ sau khi cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến thẩm định để hoàn thiện chất lượng văn bản trước khi trình ký ban hành.