Thực hiện công tác đào tạo năm 2025, Học viện Tư pháp vừa trang trọng tổ chức Lễ khai giảng lớp đào tạo nghiệp vụ thi hành án khóa 25 tại Hà Nội.
Dự Lễ khai giảng lớp học có NGƯT. PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện, TS. Bùi Nguyễn Phương Lê - Trưởng Khoa Đào tạo Các chức danh Thi hành án dân sự và Thừa phát lại; TS. Trần Minh Tiến - Trưởng Phòng Đào tạo và Công tác học viên cùng các giảng viên, chuyên viên quản lý lớp và toàn thể học viên của lớp học.
Lớp đào tạo nghiệp vụ thi hành án khóa 25 tại Hà Nội có 46 học viên đến từ Bộ Quốc phòng và các địa phương. Để đảm bảo chất lượng đào tạo và việc quản lý học viên trong thời gian đào tạo, Phòng Đào tạo và Công tác học viên phổ biến Quy chế đào tạo và một số quy định về nền nếp học tập, sinh hoạt cho học viên; tổ chức họp lớp để bầu Ban cán sự lâm thời lớp học. Sau khi ổn định, lớp học sẽ tổ chức họp để bầu Ban cán sự lớp chính thức. Ban cán sự sẽ phối hợp với Học viện quản lý các học viên trong các giờ học trên lớp và nắm bắt những vướng mắc, khó khăn của các học viên để báo cáo lãnh đạo Học viện kịp thời giải quyết.

Đồng thời, Học viện cử cán bộ quản lý lớp, giảng viên chủ nhiệm lớp để theo dõi và quản lý lớp học. Ngoài ra, Học viện còn chia lớp thành các tổ để học viên tự quản và tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi, giúp nhau học tập, đặc biệt là các buổi học tình huống và học nhóm đạt hiệu quả cao. Tất cả học viên có nhu cầu đều được bố trí chỗ ở tại Ký túc xá của Học viện.
Với chương trình đào tạo 06 tháng, các học viên được trang bị kiến thức, kỹ năng theo đúng nội dung Chương trình chi tiết đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự theo hệ thống tín chỉ. Đối với chương trình theo tín chỉ, học viên không phải thi tốt nghiệp, vì thế, mỗi học phần thi giống như là thi tốt nghiệp. Học viên tích lũy đủ 20 tín chỉ sẽ được xét công nhận tốt nghiệp.
Chương trình đào tạo gồm phần kiến thức chung gồm 04 tín chỉ (Những vấn đề chung về thi hành án dân sự và Chấp hành viên; Những quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự); Phần kỹ năng gồm 14 tín chỉ, bao gồm: Kỹ năng thông báo và xác minh điều kiện thi hành án (02 tín chỉ); Kỹ năng chung về thi hành án dân sự (04 tín chỉ); Kỹ năng cưỡng chế thi hành án (04 tín chỉ); Kỹ năng chuyên sâu (04 tín chỉ) và Thực tập tại các cơ quan thi hành án dân sự: 02 tín chỉ.
Chương trình đào tạo, Quy chế đào tạo, Lịch học sau khi được lãnh đạo Học viện phê duyệt sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Học viện Tư pháp. Căn cứ vào lịch học này, các học viên chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, nghiên cứu, tìm hiểu để chủ động tích lũy kiến thức, kỹ năng và thu hoạch kết quả học tập cho tốt.
Thay mặt các học viên tham gia khóa học, học viên Nguyễn Việt Hoàng cảm ơn lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, lãnh đạo Học viện Tư pháp và các đơn vị thuộc Học viện đã quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình đối với các học viên ngay từ khi nhập học và hứa sẽ chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế, tích cực chủ động học hỏi để tiếp thu kiến thức được truyền đạt.

NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng thay mặt lãnh đạo Học viện Tư pháp chào mừng các học viên được cử tham gia Lớp đào tạo nghiệp vụ thi hành án khóa 25. Lớp đào tạo nghiệp vụ thi hành án là lớp đào tạo chức danh duy nhất tại Học viện Tư pháp mà đối tượng tham gia là công chức. TS. Nguyễn Minh Hằng đề nghị các học viên thực hiện nghiêm túc mọi nội quy, quy chế đào tạo tại Học viện Tư pháp, nỗ lực tiếp cận kiến thức trong thời gian học tại Học viện Tư pháp để có thể thu nhận tối đa lượng kiến thức của chương trình học, tích cực tham gia các sự kiện của Học viện Tư pháp trong thời gian học tại đây để tăng thêm tinh thần đoàn kết. Thực hiện tốt các điều đó cũng chính thực hiện hoàn thành nhiệm vụ của công chức.
Nhân dịp này, NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo mọi điều kiện của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đối với công tác đào tạo tại Học viện Tư pháp nói chung và công tác đào tạo nghiệp vụ thi hành án nói riêng.
TS. Nguyễn Minh Hằng cam kết đội ngũ giảng viên được lựa chọn giảng dạy đều rất tâm huyết với nghề, giàu kinh nghiệm, vì vậy các học viên cần tích cực trao đổi, thảo luận để thực hiện tốt chương trình đào tạo. Với triết lý đào tạo “Thực dạy, Thực học, Thực nghề”, lãnh đạo Học viện Tư pháp luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các học viên về học tập tại Học viện, nếu có bất cứ vấn đề gì trong quá trình học tập thì học viên phản ánh với cán bộ quản lý lớp, với giảng viên chủ nhiệm lớp để báo cáo lãnh đạo Học viện Tư pháp giải quyết kịp thời.
Thanh Hương