Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp: Thiếu nhiều quy định cụ thể

04/07/2008
Cuối tuần qua, Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp đã có cuộc họp góp ý cho dự thảo Luật Lý lịch tư pháp mà dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới. Tuy nhiên, một số thành viên của Hội đồng khoa học cho rằng, với tư cách là đạo luật liên quan đến sinh mạng chính trị của một con người thì không ít những quy định trong dự thảo Luật được xây dựng có vẻ quá đơn giản!

Theo ông Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, hiện dự luật được chia thành 5 chương với 34 điều, bao gồm các quy định về phạm vi quản lý lý lịch tư pháp, cơ quan quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp (Trung tâm quốc gia và các Trung tâm cấp tỉnh), nguồn thông tin lý lịch tư pháp, nội dung và hình thức cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, lập lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp, loại bỏ thông tin lý lịch tư pháp, xử lý dữ liệu lý lịch tư pháp trong trường hợp đương sự được xoá án tích… Ông Thất khẳng định, việc ban hành Luật này sẽ giúp chúng ta tránh được tình trạng phiến diện trong công tác quản lý lý lịch tư pháp đồng thời tập trung, thống nhất được các dữ liệu liên quan đến lý lịch tư pháp đang bị phân tán ở nhiều cơ quan khác nhau như Toà án, Kiểm sát, Công an, Tư pháp… và quan trọng nữa là tạo cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước chủ động thực hiện xoá án tích đối với những trường hợp đương nhiên được xoá án tích.

Ông Lê Hồng Sơn nhận xét, dự thảo thiếu hẳn những quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan hữu quan trong cung cấp thông tin liên quan đến lý lịch tư pháp. Hơn nữa, mặc dù đã có đề cập việc cập nhật, bổ sung, loại bỏ… thông tin lý lịch tư pháp nhưng cách xử lý vấn đề của dự thảo chưa thấu đáo, chưa rõ ràng. Cục trưởng Cục Con nuôi quốc tế Vũ Đức Long hoan nghênh tinh thần cải cách của dự luật khi thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp chỉ mất từ 3 – 5 ngày. Song thực tế, quy định trên sẽ khó khả thi, dễ dẫn tới vi phạm về thời hạn mà dự thảo lại chưa có chế tài. Ông Hoàng Phước Hiệp - Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế cho biết, một trong những quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là bảo đảm quyền bí mật thông tin về nhân thân của cá nhân. Tuy nhiên, dự thảo Luật không hề có một quy định nào để có thể bảo vệ được bí mật đời tư. Ngoài ra, nguồn thông tin lý lịch tư pháp được các Điều 12 và 15 dự thảo Luật liệt kê vẫn chưa đầy đủ. Ông Hiệp ví dụ, các bản án do toà án nước ngoài gửi cho TAND cấp tỉnh, thậm chí cấp huyện thi hành; các bản án hình sự của toà án nước ngoài mà theo pháp luật Việt Nam là hành chính và ngược lại… có được các Trung tâm dữ liệu lý lịch tư pháp Việt Nam xử lý không. Phó Chánh Văn phòng Bộ Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, trong phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật chưa quy định một loại thông tin về nhân thân rất quan trọng – đó là năng lực hành vi cá nhân. Còn việc mở rộng sang lĩnh vực phá sản, theo Luật phá sản có 2 hậu quả pháp lý gồm cấm thành lập doanh nghiệp và cấm quản lý thì dự luật lý lịch tư pháp lại mới chỉ cấm quản lý và chưa có quy định cụ thể hoá. Bà Dương Thị Thanh Mai - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý băn khoăn không hiểu Luật được xây dựng là luật nội dung hay luật thủ tục. Nếu là luật nội dung, dự thảo Luật đưa ra các khái niệm về thông tin lý lịch tư pháp, dữ liệu lý lịch tư pháp, phiếu lý lịch tư pháp nhưng cũng lẫn lộn và đọc kỹ thì lại là một. Nếu là luật thủ tục thì hàng loạt các câu hỏi như cơ quan cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, thời hạn cung cấp, trách nhiệm của các cơ quan ra sao… đều không được trả lời. Không những thế, dự luật dự kiến thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia và cấp tỉnh mà không quy định cơ quan nào kiểm tra, quản lý các Trung tâm.

Cẩm Vân