Ngày 18/4/2025, Học viện Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn: “Phương thức thực tập tại chỗ trong Chương trình đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ” tại Hòa Bình. Đây là hoạt động triển khai Quyết định số 2451/QĐ-HVTP ngày 18/4/2025 của Giám đốc Học viện Tư pháp về việc ban hành kế hoạch thực tập áp dụng cho Chương trình chi tiết đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ và Chương trình chi tiết đào tạo nghề luật sư chất lượng cao theo hệ thống tín chỉ. Đồng thời tạo diễn đàn trao đổi, rút kinh nghiệm và nhận diện những giải pháp tăng cường hiệu quả của hoạt động thực tập tại chỗ trong hoạt động đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp.
Hội nghị tập huấn có sự tham gia của đại biểu khách mời gồm các giảng viên thỉnh giảng là các Luật sư, Thẩm phán, Kiếm sát viên, Chuyên gia pháp luật có uy tín và kinh nghiệm thực hành nghề nghiệp. Về phía Học viện Tư pháp, có sự tham gia của NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; TS. Vũ Thị Hòa - Trưởng Khoa Đào tạo Luật sư; các lãnh đạo Khoa Đào tạo Luật sư và đại diện lãnh đạo của các Khoa, Phòng, Trung tâm cùng các giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp.
Học phần thực tập trong các Chương trình chi tiết đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ và Chương trình chi tiết đào tạo nghề luật sư chất lượng cao theo hệ thống tín chỉ được thiết kế thành 02 phần: (1) Thực tập tại chỗ và (2) Thực tập tại các tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật, cơ quan tổ chức khác. Trong đó, Thực tập tại chỗ được thực hiện qua các buổi diễn án trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính; các buổi thực hành đối thoại trong lĩnh vực hành chính; trọng tài, hòa giải, thương lượng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại; thực hành tiếp xúc khách hàng trong lĩnh vực hình sự, tư vấn; thực hành kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tranh luận, lập luận trong kỹ năng chung.
.jpg)
Việc thiết kế học phần thực tập trong Chương trình đào tạo nghề luật sư nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, đó là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Muốn đạt được mục tiêu đó, người học phải được “đặt” vào “trải nghiệm thực sự” trong các môi trường thực tế để có được sự nhận thức, thẩm thấu và thấu hiểu thực tế thực hành nghề, qua đó hình thành được những kỹ năng và giá trị cốt lõi cho việc thực hành nghề trong tương lai.
Thực tập tại chỗ tạo cơ hội để học viên: Tự học – tự đánh giá – tự điều chỉnh hành vi nghề; Làm quen với áp lực về thời gian, tiến độ, kết quả; Trải nghiệm vai trò của luật sư trong các tình huống thực tiễn: tranh tụng, tư vấn, hòa giải, đại diện; Trực tiếp đối thoại với đồng nghiệp, giảng viên và phản hồi của chính mình sau mỗi lần thể hiện. Trong quá trình đó, giảng viên không còn là người giảng dạy mà trở thành người dẫn dắt, người đồng hành và là hình mẫu đạo đức nghề nghiệp. Giảng viên có vai trò phát hiện và nuôi dưỡng hạt giống nghề nghiệp trong từng học viên. Không chỉ chấm điểm một bài thu hoạch, giảng viên còn nhìn thấy sự tiến bộ trong cách tư duy, cách nói, cách lắng nghe và cách ứng xử của từng người học. Sự hiện diện, phản hồi và định hướng từ giảng viên chính là yếu tố quyết định giúp thực tập tại chỗ trở thành một không gian giáo dục đúng nghĩa.
.jpg)
Ý thức được tầm quan trọng của hoạt động thực tập tại chỗ nêu trên và những hạn chế khó khăn của việc thực tập tại các tổ chức hành nghề luật sư hiện nay, Giám đốc Học viện Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2451/QĐ-HVTP ngày 22/12/2023 về kế hoạch thực tập áp dụng cho Chương trình chi tiết đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ và Chương trình chi tiết đào tạo nghề luật sư chất lượng cao theo hệ thống tín chỉ. Quyết định 2451/QĐ-HVTP đã xác định rõ mục tiêu của phần thực tập tại chỗ không đơn thuần là vận dụng kiến thức lý thuyết, mà là: Củng cố và hệ thống hóa toàn bộ tri thức pháp lý đã tiếp thu; Tập dượt thực hành xử lý tình huống nghề nghiệp một cách liên hoàn, độc lập; Thực hiện đúng các bước tiếp cận, phân tích và giải quyết vấn đề pháp lý một cách chuyên nghiệp; Tự rèn luyện thái độ chuẩn mực, hành vi đạo đức nghề và phong cách làm việc của luật sư. Quyết định 2451/QĐ-HVTP của Học viện Tư pháp không chỉ đơn thuần là một văn bản hành chính – mà là bản đồ hành trình của người học, là sự kết tinh của triết lý đào tạo pháp lý hiện đại: đào tạo qua trải nghiệm, học để làm, học để hành. Trong bản đồ ấy, người giảng viên đóng vai trò người hướng đạo. Không phải chỉ để truyền dạy, mà là để khơi mở, truyền cảm hứng và xây dựng nhân cách nghề luật sư.
Hội nghị tập huấn tập trung vào những nội dung chính như: Nhận thức chung về các bài học thực tập tại chỗ trong chương trình đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ; Nội dung, phương pháp giảng dạy bài thực tập tại chỗ môn học Kỹ năng chung; Nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả bài thực tập tại chỗ môn học Kỹ năng tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và tham gia giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án; Nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả bài diễn án của các môn học Kỹ năng tranh tụng trong vụ án hình sự, dân sự, hành chính; Các giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động thực tập tại chỗ trong chương trình đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ. Hội nghị đã được trao đổi và thảo luận về 5 nhóm chủ đề chính nêu trên với nhiều ý kiến trao đổi, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm giá trị giúp cho Khoa Đào tạo Luật sư nói chung, các giảng viên thỉnh giảng, giảng viên cơ hữu và các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc tổ chức các hoạt động thực hành tại chỗ và tổ chức thực tập cho học viên Luật sư nắm bắt được thực trạng của việc tổ chức thực tập tại chỗ và rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả của hoạt động này trên thực tế.
Kết quả của Hội nghị tập huấn sẽ được tích hợp nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động đào tạo nghề Luật sư tại Học viện Tư pháp hướng đến việc giúp học viên Luật sư tiệm cận gần nhất với thực tế thực hành nghề, chuyển hóa tri thức được học sang năng lực của một người thực hành nghề luật sư trong tương lai gắn với khả năng giải quyết vấn đề, nhận diện các giá trị nghề nghiệp, đạo đức và bản lĩnh của nghề Luật sư.
Đánh giá về Hội nghị, ThS. Vũ Thị Thu Thủy - Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học và Trị sự Tạp chí Nghề luật nhận định: “Hội nghị được tổ chức rất thành công. Đây là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đầu tiên trong năm 2025 của Học viện Tư pháp được hoàn thành và vượt tiến độ! Hội nghị rất có ý nghĩa, mở màn cho chuỗi các hội nghị, hội thảo và các hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện Tư pháp hướng tới chào mừng Ngày khoa học Việt Nam 18/5/2025.