Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt của CHLB Đức về giải quyết nuôi con nuôi bao gồm việc phát triển và triển khai các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ con nuôi giai đoạn trước, trong, sau khi nhận nuôi và tìm về nguồn gốc

12/04/2025
Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt của CHLB Đức về giải quyết nuôi con nuôi bao gồm việc phát triển và triển khai các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ con nuôi giai đoạn trước, trong, sau khi nhận nuôi và tìm về nguồn gốc
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp CHLB Đức giai đoạn 2023-2025 được Lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt, chiều ngày 04/4/2025, Cục Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp CHLB Đức tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt của CHLB Đức về giải quyết nuôi con nuôi bao gồm việc phát triển và triển khai các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ con nuôi giai đoạn trước, trong, sau khi nhận nuôi và tìm về nguồn gốc.
Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Chủ trì Hội nghị có Ông Đặng Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp và ông Stefan Schlauß, Trưởng ban Luật dân sự kinh tế, Văn phòng tư pháp Liên bang, CHLB Đức. Ngoài ra, tham dự trực tiếp tại Hội nghị có đại diện của Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Tòa án thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp, Sở Y tế và các Cơ sở trợ giúp xã hội của các địa phương. Về phía Đức, tham gia theo hình thức trực tuyến có các chuyên gia hàng đầu của Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi quốc tế thuộc Bộ Tư pháp của Đức; Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi Vùng Rheinland-Pfalz và Hessen; Bộ Ngoại giao; Đại diện tổ chức Con nuôi của Đức được cấp phép hoạt động tại Việt Nam (AdA).
(Ông Đặng Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Hành chính tư pháp)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Hành chính tư pháp cho biết, Bộ Tư pháp Việt Nam được Chính phủ giao với tư cách là Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi của Việt Nam, trong thời gian qua đã triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội; đồng thời thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao cũng như phối hợp hiệu quả với Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi của Đức và các cơ quan hữu quan của Đức cũng như các bộ, ban ngành của trung ương, địa phương Việt Nam trong quá trình giải quyết nuôi con nuôi, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng chống mua bán người. Và để triển khai công tác này tốt hơn nữa trong thời gian tới thì việc học hỏi kinh nghiệm, thực tiễn tốt của nước ngoài là một phần không thể thiếu. Ông Đặng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, mục tiêu của Hội nghị sẽ giúp cho hai bên chia sẻ kinh nghiệm về giải quyết nuôi con nuôi bao gồm việc phát triển và triển khai các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ con nuôi giai đoạn trước, trong, sau khi nhận nuôi và tìm về nguồn gốc vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi; bảo đảm con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình và tôn trọng quyền của trẻ em.

(Ông Stefan Schlauß, Trưởng ban Luật dân sự kinh tế,
Văn phòng tư pháp Liên bang Đức)
Ông Stefan Schlauß, Trưởng ban Luật dân sự kinh tế, Văn phòng tư pháp Liên bang Đức cho biết, việc hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Đức trên cơ sở là thành viên của Công ước La Hay năm 1993 về Bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi và Bản ghi nhớ về việc Áp dụng các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế giữa Cơ quan Trung ương của Việt Nam và Cơ quan Trung ương Liên bang về nuôi con nuôi của CHLB Đức ngày 07/06/2013 trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Ông Stefan Schlauß tin rằng trong thời gian tới, cả Đức và Việt Nam sẽ triển khai tốt hơn nữa việc phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn về công tác giải quyết nuôi con nuôi vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được lắng nghe 15 chuyên đề của các chuyên gia Việt Nam và Đức liên quan tới quá trình trước, trong và sau khi giải quyết nuôi con nuôi.
(Bà Phạm Thị Kim Anh, Phó Cục trưởng Cục Hành chính tư pháp)
(Ông Phan Đăng Kiên, Phó Cục trưởng Cục Hành chính tư pháp)
 



Về phía Việt Nam, các báo cáo viên của Cục Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp đã trình bày 05 chuyên đề giới thiệu về công tác giải quyết nuôi con nuôi của Việt Nam với các nội dung tập trung vào việc nuôi con nuôi dưới góc độ là biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định pháp luật của Việt Nam; đánh giá trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng có nhu cầu và đủ điều kiện được cho làm con nuôi nước ngoài và việc xác định danh tính của trẻ em, cha mẹ trẻ em; trình tự, thủ tục giải quyết nuôi con nuôi quốc tế; hỗ trợ nhân đạo trong lĩnh vực nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật Việt Nam; tìm về nguồn gốc của trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi nước ngoài.
Sau khi lắng nghe các chuyên đề, các đại biểu tham dự ghi nhận công tác giải quyết nuôi con nuôi là một biện pháp chăm sóc thay thế mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần bảo vệ quyền lợi trẻ em, đặc biệt là các trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài. Ngoài ra, các đại biểu đã hiểu rõ hơn về sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tìm về nguồn gốc của trẻ em. Điều này thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam không chỉ ở giai đoạn trước, trong khi giải quyết nuôi con nuôi mà còn ở giai đoạn sau, khi khuyến khích, tạo điều kiện cho con nuôi là người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, đất nước.



Về phía Đức, 10 chuyên đề trình bày từ các chuyên gia đầu ngành của CHLB Đức về các lĩnh vực pháp lý, sức khỏe thâm thần, y khoa, công tác xã hội giới thiệu về: cơ cấu, tổ chức của các cơ quan CHLB Đức tham gia vào công tác hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng như giải quyết nuôi con nuôi; pháp luật và thực tiễn nuôi con nuôi trong nước và nước ngoài của CHLB Đức; cấp phép hoạt động cho Tổ chức nuôi con nuôi; đánh giá điều kiện được nhận con nuôi đối với cha mẹ người Đức; vấn đề nhập cư và nhập tịch của con nuôi; vấn đề cho tặng theo quy định; việc tìm nguồn gốc cho con nuôi; và việc chấm dứt, hủy bỏ và nhận con nuôi lại tại Đức.
Trên cơ sở các chuyên đề được chia sẻ, các đại biểu Việt Nam đã có cơ hội bày tỏ thắc mắc, trao đổi thông tin đối với các chuyên gia Đức liên quan tới một số vấn đề như: điều kiện nhập tịch của trẻ em Việt Nam được nhận nuôi tại Đức; lưu ý về quyền lợi của con nuôi và con đẻ; vấn đề chăm sóc, cấp dưỡng cho trẻ em được nhận nuôi khi cha mẹ ly hôn ...


Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt của CHLB Đức về giải quyết nuôi con nuôi bao gồm việc phát triển và triển khai các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ con nuôi giai đoạn trước, trong, sau khi nhận nuôi và tìm về nguồn gốc đã được tổ chức thành công tốt đẹp với sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý, chuyên gia và người làm công tác thực tiễn về lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ em và nuôi con nuôi.

Kết thúc Hội nghị, các đại biểu Đức đánh giá cao công tác chuẩn bị của phía Việt Nam và ghi nhận những kết quả Việt Nam đã làm được trong lĩnh vực nuôi con nuôi, bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm của Đức để giúp Việt Nam nâng cao khuôn khổ pháp lý về nuôi con nuôi cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Cục Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp bày tỏ sự cảm ơn đối với các chuyên gia Đức đã thu xếp thời gian chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam và hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, hợp tác từ phía Đức để nâng cao các điều kiện, tiêu chí giải quyết nuôi con nuôi nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất của trẻ em.