Ngày 21/02, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo” nhằm nghiên cứu nội hàm, các yêu cầu, các vấn đề đặt ra khi đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế và đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cho biết, từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta đều xác định đột phá về thể chế, với trọng tâm pháp luật là đột phá chiến lược, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, chăm lo cho Nhân dân. Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, công tác xây dựng pháp luật phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn “nóng bỏng”, đòi hỏi phải ở tầm cao mới, thật sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.
Đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tại buổi làm việc ngày 07/11/2024 với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và phương hướng thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra, bên cạnh kết quả tích cực, công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật vẫn còn tồn tại, hạn chế, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân; việc nghiên cứu, ban hành chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh đối với những vấn đề mới còn chậm, chưa tạo khung khổ pháp lý thúc đẩy được các động lực tăng trưởng mới. Bên cạnh đó, ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó có nêu rõ “thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu” và nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Trong thời gian vừa qua, với tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Bộ, ngành Tư pháp đã quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/2/2025. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) lần này được thực hiện theo tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Với tinh thần đó, Hội thảo khoa học hôm nay có giá trị, ý nghĩa rất quan trọng để huy động trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn vào quá trình đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong việc xác định và làm rõ các vấn đề liên quan đến xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Cụ thể, các đại biểu tham dự sẽ trao đổi, thảo luận về nội hàm, yêu cầu, các vấn đề cần đặt ra khi đổi mới tư duy, quy trình xây dựng, nội dung pháp luật để tạo động lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến bối cảnh và nhu cầu đổi mới tư duy lập pháp trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đồng thời đề xuất, khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện năng lực đối với đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, hoạch định chính sách khi chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật để tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đồng chí Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia.
Tại Hội thảo, đồng chí Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia đã cung cấp một số thông tin tổng quan về đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Cụ thể, theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023, Việt Nam tăng hai bậc lên vị trí thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế Việt Nam cũng được xếp hạng là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Năm 2024, Việt Nam xếp hạng thứ 56, tăng 02 hạng so với năm 2023 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Starup Blink. Kết quả này cho thấy tiềm năng của Việt Nam như một trung tâm công nghệ đang lên, thu hút sự chú ý và đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.
Để tiếp tục tạo đà bứt phá cho khoa học, công nghệ, theo đồng chí, cần nhanh chóng cụ thể hoá các chủ trương của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Bên cạnh đó, giải quyết khoảng trống cơ chế, chính sách về “Phát triển các khu vực/hub đổi mới sáng tạo” tương ứng với số lượng doanh nghiệp và tiềm năng của các địa phương lớn và các lĩnh vực trọng tâm phát triển; xây dựng cơ chế, chính sách “cởi trói” để thúc đẩy liên kết giữa cơ quan nhà nước và các trường đại học/viện nghiên cứu để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…
GS.TS. Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngoài ra, các đại biểu cũng được nghe GS.TS. Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày một số yêu cầu đối với hệ thống pháp luật để tạo động lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ góc độ quyền con người và trao đổi, thảo luận về thực trạng đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Qua đó đề xuất một số giải pháp như: rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; xây dựng chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và đất đai cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chuyên sâu về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; có cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học từ nước ngoài...
Anh Thư - Trung tâm Thông tin