Chiều ngày 13/02, Bộ Tư pháp tổ chức họp Tổ Biên tập dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy, và Phó Cục trưởng Hoàng Xuân Hoan đồng chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Lê Thị Uyên, Trưởng phòng Phòng Kiểm tra khối khoa giáo - văn xã, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, trên cơ sở Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Trưởng phòng Phòng Kiểm tra khối khoa giáo - văn xã, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Lê Thị Uyên báo cáo tại cuộc họp.
Việc xây dựng Nghị định phải bám sát quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời kế thừa các quy định hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm mà không thiết phải sửa đổi. Trên cơ sở đó, việc xây dựng Nghị định nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả, nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương về kiểm tra, rà soát văn bản, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục hoàn thiện thể chế về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Dự thảo Nghị định do thường trực Tổ biên tập xây dựng gồm 5 chương với 72 điều và 01 phụ lục (04 mẫu); có kế thừa quy định tại Nghị định hiện hành, tuy nhiên có chỉnh lý, bổ sung hoặc cơ cấu lại cho phù hợp với tình hình thực tiễn thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính logic, hợp lý, dễ tiếp cận. Đồng thời dự thảo Nghị định cũng bổ sung một số quy định nhằm quy định chi tiết Luật, đặc biệt là các quy định về kiểm tra văn bản với các quy định mới về đối tượng văn bản được kiểm tra, căn cứ tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền.
Thành viên Tổ biên tập cho ý kiến tại cuộc họp.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hoàng Xuân Hoan phát biểu tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, thành viên Tổ biên tập đã cho ý kiến đối với nội dung, bố cục của dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể về giải thích từ ngữ; hồ sơ tự kiểm tra văn bản; trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tự kiểm tra văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành; ban hành và thực hiện kế hoạch kiểm tra văn bản; trình tự, thủ tục tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền; trình tự xử lý văn bản trái pháp luật; nội dung rà soát và trình tự rà soát; quy định các điều kiện bảo đảm, trong đó bỏ quy định về Hệ cơ sở dữ liệu; quy định chuyển tiếp,...
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy phát biểu kết luận cuộc họp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, thành viên Tổ biên tập dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Cục trưởng Hồ Quang Huy nhấn mạnh, với tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng” trong thời gian gấp rút, Thường trực Tổ biên tập sẽ tập trung nghiên cứu, rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Trong đó, những vấn đề quá chi tiết thì cần lược bỏ bớt; cách thức diễn đạt đối với việc phân vai, trách nhiệm trong vấn đề kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền cần quy định rõ. Đồng thời cần rà soát lại, quy định hành vi cụ thể trong việc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân ban hành văn bản (qua kết luật kiểm tra) có dấu hiệu trái pháp luật; chú ý đến mối quan hệ giữa xử lý kỷ luật Đảng với xử lý hành chính...
Thu Nga